Cứu hộ cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng tại Bình Thuận

VOV.VN -Cá thể gấu cứu hộ được ông Nguyễn Hồng Việt-chủ nuôi gấu gọi tên là Tí Mập, mua về từ năm 2000 khi còn là gấu con,

Ngày 25/3, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là địa phương thứ hai trên cả nước (sau Huế) chính thức xóa bỏ hoàn toàn nạn nuôi gấu trang trại, khi cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng của tỉnh này đã được chủ nuôi tự nguyện giao nộp lại cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận, Tổ chức Động vật Châu Á cứu hộ đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Kiểm tra nhịp tim của gấu khi đưa từ tầng 4 xuống

Cá thể gấu cứu hộ được ông Nguyễn Hồng Việt-chủ nuôi gấu gọi tên là Tí Mập, mua về từ năm 2000 khi còn là gấu con, và nuôi nhốt trong 14 năm với mục đích thương mại khai thác mật.

Khi biết nhà nước có chủ trương khuyến khích các cá nhân giao nộp gấu, ông Việt đã làm đơn gửi tới cơ quan Kiểm lâm để tìm một trung tâm cứu hộ có điều kiện tiếp nhận tốt nhất.

Với việc nuôi nhốt trên tầng 4, đồng thời gấu là động vật to lớn và có bản tính hoang dã, (chú gấu này nặng khoảng 150 kg) nên quá trình cứu hộ gặp khá nhiều khó khăn. Để đảm bảo quá trình bàn giao và vận chuyển gấu an toàn, các bác sỹ và chuyên gia thú y của Tổ chức Động vật Châu Á đã trực tiếp vào Bình Thuận để tiến hành việc gây mê, thực hiện kiểm tra sức khỏe, và chăm sóc gấu trên suốt hành trình cứu hộ.

Theo dự tính, cá thể gấu sẽ về đến vườn Quốc gia Tam Đảo vào chiều ngày thứ Sáu, 28/3/2014 sau một hành trình dài khoảng 1700km. Hiện nay, tính trên phạm vi cả nước, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam là đơn vị cứu hộ có năng lực và chuyên môn nhất hoạt động trong lĩnh vực này. Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cho biết hiện có 110 cá thể gấu đang được nuôi dưỡng và chăm sóc trong các khu bán hoang dã, để dần phục hồi sức khỏe và bản năng tự nhiên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên