Đừng vô cảm trước môi trường sông Tô Lịch

Bằng cuộc triển lãm lạ lùng – đóng băng nước sông Tô Lịch để mọi người chiêm ngưỡng, nghệ sĩ Trần Trọng Lĩnh muốn gửi đến một thông điệp về môi trường

Dùng nước sông Tô Lịch và những “đặc sản” của dòng sông này để thực hiện một triển lãm nghệ thuật, với nhiều người đó là một ý tưởng điên rồ. Tuy nhiên người nghệ sĩ trẻ Trần Trọng Linh (SN 1979) thì ngược lại, anh cho rằng đấy là sự sáng tạo của một người nghệ sĩ.

Thông qua những cảm nhận của người xem tại cuộc triển lãm mang tên Thương Thuyết được tổ chức tại sảnh triển lãm Trung tâm Văn hóa Pháp cách đây không lâu, anh muốn gửi gắm một thông điệp của người nghệ sĩ về môi trường của dòng sông Tô Lịch.

Khối nước sông Tô Lịch đóng băng đen ngòm được đưa vào triển lãm

Không quá cầu kỳ phức tạp, tác phẩm triển lãm của anh đơn giản, chỉ bao gồm 7 tòa tháp bằng nước cao hơn 3m đã được đóng băng. Điều đặc biệt 7 tòa tháp đó được đóng băng từ khối nước đen ngòm của sông Tô Lịch – một dòng sông chảy trong nội thành thủ đô đang bị ô nhiễm nặng. Bên trong mỗi tòa tháp bằng nước đá đó là những thứ rác rưởi do con người thải loại.

Đến thưởng lãm tác phẩm nghệ thuật lạ lẫm này, cái cảm giác ứ đọng trong mỗi người là sự lạnh lẽo toát ra từ những khối đá, mùi hôi hăng hắc của nước đen bị ô nhiễm và là nhất là thấy được sự vô cảm của mỗi người khi trong khối nước đang tan chảy đó lộ ra những “đặc sản” như máy tính, bàn ghế, đồ chơi trẻ em… được vứt một cách bừa bãi xuống lòng sông.

Những thứ rác rưởi lộ ra theo dãi băng tan

Nghệ sĩ Trần Trọng Linh cho biết, để chuẩn bị cho cuộc triển lãm này, anh phải mất hơn 3 tháng. Đó là một quãng thời gian dài nhất của một nghệ sĩ Việt đang định cư ở Pháp này mỗi lần về Việt Nam tổ chức triển lãm nghệ thuật tạo hình.

Nói về việc đưa nước sông Tô Lịch vào triển lãm, nghệ sĩ Trần Trọng Linh nói, với anh sông Tô Lịch là dòng sông những ký ức, hoài niệm.

Trong ký ức của Trần Trọng Linh – một chàng trai sống và lớn lên ở khu Khương Thượng (Hà Nội) dòng sông Tô Lịch gắn với những kỷ niệm của đứa trẻ lên 9 lên 10 bì bõm tắm sông vào mỗi trưa hè.

Cái hoài niệm mơ màng của người nghệ sĩ Trần Trọng Linh như bỗng tắt vụt khi anh trở về với dòng sông Tô Lịch hiện tại, một dòng sông không còn khoác trên mình dòng nước trong văn vắt mà thay vào đó mà một màu đen u ám tràn ngập, những cống thoát nước hôi thối.

“Từ một dòng sông trong lành, giờ Tô Lịch trở thành một dòng sông bị ô nhiễm, đấy chính là kết quả của sự vô tâm trong mỗi con người với sinh mệnh của dòng sông”, Trần Trọng Linh nói.

Chính vì vậy, việc tổ chức một cuộc triển lãm như vậy nhằm bộc bạch những suy tư của mình với dòng sông tuổi ấu thơ.

Nghệ sĩ trẻ Trần Trọng Lĩnh

Trần Trọng Linh cho biết, đối với một người nghệ sĩ tạo hình, ngoài việc thể hiện tài năng của mình qua những tác phẩm thì phải biết bộc bạch quan điểm với xã hội, nêu lên những vấn đề mà xã hội quan tâm.

Theo Trần Trọng Linh, khi môi trường đang bị sự vô cảm của mỗi chúng ta bào mòn, thì chính người nghệ sĩ như anh phải bày tỏ quan điểm, thông qua tác phẩm nghệ thuật của mình để cùng xã hội cứu lấy môi trường sống.

“Với người làm nghệ thuật, văn hóa, chúng ta phải góp phần cùng xã hội, bày tỏ quan điểm rõ ràng về xã hội ngày hôm nay”, Trần Trọng Linh nói.

So với Hà Nội xưa, Hà Nội bây giờ đã khác nhiều. Hà Nội giờ đây được bao bọc bởi những ngôi nhà cao tầng, đường phố nườm nượp những xe bốn bánh. Trong xã hội vồn vã đó, chúng ta đang chạy theo lối sống của riêng mình mà vô tâm với những chuyển động xung quanh. Bởi vậy, với những khối băng lạnh lẽo làm từ nước sông Tô Lịch, nghệ sĩ Trần Trọng Linh muốn gửi tới một thông điệp, đừng để lòng mình hóa đá, hãy sống và hướng về cuộc sống xung quanh, hãy phá tan sự vô tâm trong mỗi con người để sống gần gũi hơn với mọi người, với môi trường, để cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn, bền vững hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên