Giải pháp nào cho vấn đề ô nhiễm làng nghề?

Để  phát huy lợi ích kinh tế làng nghề, cần có công nghệ sản xuất  hiện đại. Không nên vì cái lợi trước mắt mà phải gánh chịu hậu quả lâu dài

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Chi, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề cần phải có giải pháp cụ thể, phù hợp với từng loại hình. Do trong 1 làng nghề có thể có đến vài trăm hộ, nơi ở và nới sản xuất  xen kẽ nhau, công nghệ sản xuất cũ kĩ, lạc hậu nên việc cải thiện môi trường làng nghề đã khó chứ chưa nói tới giải quyết dứt điểm ô nhiễm. Vì vậy, tùy vào đặc thù sản xuất và nguồn thải mà đưa ra công nghệ xử lý phù hợp với hiện trạng làng nghề cũng như quy hoạch không gian. Ví dụ như làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, nguồn ô nhiễm chủ yếu là nước thải, do đó công nghệ xử lý môi trường nên tập trung vào xử lý nước. Ô nhiễm môi trường làng nghề dệt nhuộm, mặc dù cũng là ô nhiễm nước thải, nhưng cần phải có hệ thống xử lý áp dụng công nghệ khác bởi nồng  độ  hóa chất trong nước thải  cao hơn. Không giống như hai loại làng nghề trên, làng nghề thủ công mỹ nghệ bị ô nhiễm nặng bởi  mùi sơn và hơi dung môi sơn, nên công nghệ cần thiết lại là xử lý khí thải.  Đối với làng nghề tái chế kim loại,  thì ô nhiễm môi trường chủ yếu là khí và kèm theo nước thải. việc xử lý ô nhiễm sẽ rất khó khăn. Một trong những loại làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất, có tên trong danh sách phải giải quyết theo  Quyết định 64 của Thủ tướng Chính Phủ là làng nghề tái chế giấy.  Bắc Ninh có rất nhiều làng nghề  tái chế giấy. Nguồn nước thải của các làng nghề này chứa nhiều hóa chất dùng để ngâm, tẩm, cùng với một lượng lớn bột giấy và hàm lượng chất hữu cơ. Tuy mức độ ô nhiễm không bằng  các cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nguyên liệu thô, nhưng do việc xả thải bừa bãi và không qua khâu xử lý nên  tác động rất lớn đến  môi trường. Lượng nước thải này còn chứa hóa chất dư, bột giấy và  chất hữu cơ  nên hàm lượng ôxy hòa tan tại các điểm tiếp nhận rất thấp. Bột giấy, xơ sợi còn sót trong nước thải gây bồi đắp lòng mương, ao hồ, sông, suối.

Ở nhiều địa phương các cụm công nghiệp làng nghề đang trong quá trình hình thành. Tuy nhiên  nhiều cụm công nghiệp làng nghề mới chỉ là thu gom  các cơ sở sản xuất từ trong làng về một chỗ.  Còn thì vẫn cơ sở ấy, công nghệ ấy. Kết quả điều tra và nghiên cứu ở Hà Tây cho thấy các hộ gia đình vẫn tự xử lý ô nhiễm môi trường mà chưa có một công nghệ mới nào mang tính xử lý tập trung. Mà tự xử lý thì tính tự giác rất thấp.  Hàng ngày họ vẫn xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.  Khi có đoàn kiểm tra, họ vận hành đối phó. 

Đã có 1 số công nghệ xử lý chất thải được khuyến cáo là áp dụng phù hợp  tại các làng nghề, nhưng để triển khai sao cho hiệu quả lại gặp rất nhiều khó khăn. Ông Hà Minh Họa, Chi cục trưởng Chi cục môi trường, Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh cho rằng, chúng ta còn thiếu chế tài trong công tác quản lý môi trường ở 1 làng nghề. Cụ thể là chưa có biện pháp hữu hiệu nào để bắt buộc các  cơ sở sản xuất tại các làng nghề phải xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Ông Họa cũng đề xuất, đối với 1 cơ sở sản xuất của làng nghề, cái quan trọng nhất là nguồn điện.  Nếu chính quyền địa phương được phép “cúp” điện những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm thì may ra mới thay đổi được tình hình. 

Để  phát huy lợi ích kinh tế làng nghề, cần có công nghệ sản xuất  hiện đại. Về phía Nhà nước, nên có thêm những chính sách hỗ trợ đầu tư cho làng nghề thông qua các dự án hoặc vốn vay ưu đãi, đồng thời xây dựng hệ thống chính sách để tạo hành lang pháp lý cho làng nghề phát triển. Thêm vào đó, cũng cần phải có sự tư vấn của các chuyên gia môi trường, từ đó đề ra các giải pháp công nghệ hợp lý, giải quyết kịp thời tình trạng ô nhiễm đang bức xúc đặt ra hiện nay.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên