Chưa “đẩy” hết hàng, chẳng màng vay vốn

(VOV) -Mức lãi suất cho vay đã xuống thấp đến mức đáng mơ ước. Nhưng doanh nghiệp vẫn không mặn mà...

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện lãi suất huy động của tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 1-1,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng khoảng 6-7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng 7 -7,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khoảng 8 -9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên từ 10%/năm xuống còn 9%/năm. Mức lãi suất này của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô giảm từ 11%/năm xuống 10%/năm.

Nếu cuối năm 2011 lãi suất cho vay lên tới trên 20%/năm, nhiều doanh nghiệp (DN) kỳ vọng lãi suất xuống 15 - 16%/năm, thì đến thời điểm này, lãi suất cho vay mà các ngân hàng thương mại đưa ra còn hơn cả mong đợi của DN: 12 - 13%/năm, thậm chí còn thấp hơn. Điều đó cho thấy, không cần NHNN phải ép hạ lãi suất, bản thân các ngân hàng thương mại đã tự cân đối chi phí để đẩy vốn ra cứu DN và cũng là tự cứu mình. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện vấn đề của DN không chỉ là thiếu vốn giá rẻ mà cần kinh tế phục hồi để giải quyết được hàng tồn kho.

Anh Trần Minh Phú, Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu cho hay, dù không nằm trong nhóm ngành nghề được hưởng lãi suất ưu tiên nhưng cách đây 1 tháng, anh được một ngân hàng thương mại chào vay với lãi suất 10%/năm. “Tuy nhiên, thời điểm này, khi hàng tồn kho chưa giải phóng được, lãi suất dù thấp hơn nữa công ty chúng tôi cũng không có nhu cầu vay vốn” - anh Phú cho hay.

TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, đối với các DN sản xuất - kinh doanh, vay với lãi suất hiện nay sẽ không có khả năng sinh lời, nhưng so với lạm phát thì mức lãi suất là hợp lý. Nếu giảm lãi suất hơn nữa, các ngân hàng sẽ lỗ. Theo TS. Kiêm, sự tiếp cận vốn của DN đối với ngân hàng không chỉ là lãi suất, mà còn là thủ tục, nợ xấu, đầu ra của sản xuất… Nếu những vấn đề này chưa giải quyết được thì DN vẫn chưa vay được vốn, cần vay không dám vay và ngân hàng có tiền cũng không dám cho vay.

Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định và vẫn được duy trì tốt trong thời gian khá dài, trong khi đó tín dụng vẫn hết sức trì trệ. Do vậy, việc tiếp tục giảm lãi suất huy động là phù hợp nhằm tạo cơ sở hạ lãi suất cho vay. Khó khăn lớn nhất của các ngân hàng hiện nay là doanh số giải ngân cũng như chất lượng tín dụng quá thấp. Tuy nhiên, nút thắt nằm ở chỗ không phải ngân hàng không muốn cho vay mà do rủi ro quá lớn khi chất lượng kinh doanh của các DN hiện nay quá thấp.

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành, để DN có thể phát triển và tăng trưởng được trong giai đoạn hiện nay, nhất thiết phải giảm lãi suất cho vay xuống dưới 10%. Còn TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, với việc lãi suất huy động giảm mạnh thời gian qua, lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1 - 2% so với hiện nay nếu các ngân hàng chủ động cắt giảm chi phí.

Tuy nhiên, TS. Lê Đăng Doanh cảnh báo, cần tránh việc giảm lãi suất quá đà. Ở các quốc gia khác trên thế giới, lãi suất âm là chuyện bình thường, nhưng ở Việt Nam có thể dẫn đến việc người dân tìm cách dịch chuyển vốn sang các kênh đầu tư khác như vàng hay ngoại tệ. Thực tế, so với tháng 6/2012, CPI tháng 6/2013 tăng 6,69% và mức tăng CPI 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái là 6,73%. Như vậy, với mức lãi suất huy động 7%/năm, lãi suất thực mà người gửi tiền được hưởng đã mấp mé ở mức âm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên