Không nên nhìn con số để đánh giá vi phạm môi trường

Việc phát hiện nhiều vi phạm mỗi trường nên đánh giá ở hai khía cạnh: vi phạm môi trường tăng lên hay là phát hiện ra nhiều sai phạm hơn

Việc xử lý vi phạm môi trường hiện nay đang được dư luận quan tâm. Để hiểu hơn về công việc của lực lượng cảnh sát môi trường- một đơn vị mới thành lập được hơn 4 năm. PV VOVNews có cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Sỹ-  Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường- Bộ Công an

PV: Là một ngành mới được thành lập hơn 4 năm, lại mang tính đặc thù, Cục Cảnh sát môi trường gặp những khó khăn gì trong quá trình hoạt động, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Sỹ: Khó khăn ban đầu của chúng tôi là lực lượng mới, kinh nghiệm, kiến thức về môi trường còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ, hệ thống tổ chức của lực lượng cảnh sát môi trường dù được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương nhưng vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm. Cán bộ được đào tạo cơ bản nhưng quy tụ về đây chủ yếu là các đồng chí ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, phương tiện hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát môi trường còn hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật xử phạt vi phạm môi trường còn nhiều bất cập, không đủ độ răn đe, tạo sơ hở để các đối tượng vi phạm lợi dụng. Ví dụ như trong Bộ Luật hình sự có 10 Điều nói về vi phạm môi trường, thì chỉ có 2 Điều là khởi tố được. Bởi vậy nhiều vi phạm hiện nay được dư luận xã hội và thực tế thừa nhận nghiêm trọng, nhưng không có một văn bản nào dưới luật để lượng hoá mức độ vi phạm. Việc xử phạt vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn khi các địa phương hiện nay đang thực hiện “trải thảm đỏ” kêu gọi đầu tư bằng mọi giá mà quên mất vấn đề bảo vệ môi trường.

Tuy có nhiều khó khăn nhưng anh em đều quyết tâm. Bởi vậy ngay năm đầu tiên (2007), chúng tôi đã phát hiện và xử lý 1.000 vụ vi phạm môi trường. Đến năm 2010 chúng tôi đã phát hiện hơn 7.000 vụ. Đặc biệt trong đó có nhiều vụ lớn như vụ rác thải y tế năm 2007, vụ nhà máy giấu ở Phú Phọ xả thải thẳng ra môi trường hay như vụ Vedan, Tung Kuang…

Đại tá Nguyễn Sỹ- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường- Bộ Công an

Có được thành tích đó bên cạnh nỗ lực vượt khó của anh em cảnh sát môi trường thì chúng tôi còn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân cũng như lãnh đạo ngành. Đặc biệt trang web www.canhsatmoitruong.gov.vn mỗi ngày nhận được hàng trăm đóng góp của nhân dân trong vi phạm góp phần vào chiến công của ngành. Đấy là nguồn động viên lớn cho cán bộ, chiến sĩ của lực lượng cảnh sát môi trường.

PV: Thưa ông, thực trạng vi phạm môi trường ngày càng tăng. Phải chăng công tác quản lý về mặt Nhà nước còn hạn chế?

Đại tá Nguyễn Sỹ: Vấn đề này chúng ta phải hiểu hai mặt: vi phạm môi trường tăng lên hay là chúng ta phát hiện ra nhiều sai phạm hơn. Xưa ăn, ở thế nào cũng được. Thậm chí có người ăn ở, nuôi lợn chung trong nhà không sao. Xã hội bây giờ phát triển, người ta quan tâm đến vấn đề môi trường nhiều hơn. Bởi vậy, chúng ta nhìn thấy hiện tượng vi phạm, quá lớn, quá nhiều, quá nguy hiểm, chứ không phải là tăng. Chưa hoàn toàn là tăng, mà theo tôi là phải giảm thì đúng hơn. Bởi vậy, theo tôi không nên nhìn con số để đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường.

PV: Chất thải công nghiệp là vấn đề nhức nhối hiện nay. Vậy ngành cảnh sát môi trường xử lý vấn đề này như thế nào?

Cả nước hiện nay có hơn 200 KCN, thì mới chỉ có 30% KCN có hệ thống xử lý chất thải. Những hoạt động hay không thì chưa kiểm soát được.

Việc xử lý vi phạm ở KCN, chúng tôi có một phòng chuyên về đấu tranh chống tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực công nghiệp và môi trường đô thị. Chúng tôi có một hệ thống cán bộ theo dõi, quản lý về các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Bởi vậy các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài hay không liên doanh khi phát hiện chúng đều xử lý.

Cái khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc xử lý vi phạm môi trường trong các KCN là văn bản vi phạm pháp luật của chúng ta chưa rõ nên không xử lý được.

PV: Vừa qua, Cục Cảnh sát môi trường ký văn bản hợp tác với Văn phòng Interpool. Điều này đưa lại thuận lợi gì trong việc an ninh môi trường?

Đại tá Nguyễn Sỹ: Tội phạm môi trường thường là không bị khoanh vùng bởi không gian, thời gian nhất định. Ví dụ các nước láng giềng gây ô nhiễm thì có thể lan được qua nhau và lây lan dịch bệnh. Đấy là một số nước cùng chung biên giới.

Còn các nước khác, còn có những hiện tượng là buôn bán các động vật hoang dã, các phương tiện thiết bị lạc hậu, rồi phế liệu buôn bán ở Việt Nam, tức là có mối quan hệ với các tội phạm môi trường đã có hiện tượng đã xuyên quốc gia. Do đó việc phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường và các lực lượng bảo vệ môi trường các nước là hết sức cần thiết, và việc phối hợp đó phải qua hệ thống cảnh sát Interpool.

Sự phối hợp giữa chúng tôi với các văn phòng Interpool là trao đổi, cung cấp thông tin cho nhau về những hiện tượng liên quan đến vấn đề tội phạm môi trường. Vấn đề này chúng tôi đã làm rồi như việc cảnh sát Nam Phi nhờ chúng tôi một số việc về xác minh và truy bắt tội phạm.

PV: Để công tác này càng ngày càng có hiệu quả, ngành cảnh sát môi trường phải làm gì trong thời gian tới, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Sỹ: Để công tác bảo vệ môi trường nói chung là trong thời gian tới tốt hơn theo tôi chúng ta cần tập trung xây dựng hệ thống văn bản và chặt chẽ, không sơ hở và có cơ sở để xử lý, đủ cái độ răn đe.

Thứ hai là tổ chức tuyên truyền, giáo dục trong mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ mục đích, ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường, kể cả các cơ quan Nhà nước, các chủ trương chính sách cũng phải quan tâm đến yếu tố môi trường tránh tình trạng lợi nhuận kinh tế xem nhẹ môi trường.

Thứ 3 là xây dựng, củng cố tổ chức, trang bị phương tiện cho lực lượng tham gia công tác bảo vệ phương tiện, kể cả Bộ Tài nguyên Môi trường nhằm nâng cao năng lực đối với đội ngũ cán bộ. Đối với Đảng, Nhà nước, cũng phải quan tâm theo dõi hoạt động đối với lực lượng cảnh sát môi trường, quan tâm những trang bị, phương tiện cần đủ để thực hiện nhiệm vụ.

Vấn đề nữa là xây dựng quy chế phối hợp với các lực lượng tốt làm sao để các lực lượng thống nhất quan điểm tránh tình trạng chồng chéo.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên