Nhức nhối nạn phá rừng tại Phú Yên

252 vụ phá rừng trái phép trên địa bàn huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên đã làm thiệt hại gần 100 ha rừng và đất rừng.

Giá nông sản tăng cao trong thời gian gần đây khiến tình trạng người dân phá rừng trái phép làm nương rẫy trên địa bàn huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên diễn biến phức tạp.

Mới đây, lực lượng chức năng phát hiện vụ phá rừng trái phép tại khu vực vành đai bảo vệ lòng hồ thủy điện sông Ba Hạ và thuộc địa phận xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa với diện tích gần 28 ha.

Sau đó không lâu, ngày 23/4, chính quyền xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên và Ban Quản lý Rừng đặc dụng Krông Trai phối hợp kiểm tra, phát hiện vụ phá rừng trái phép tại tiểu khu 220, thuộc thôn Đoàn Kết, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa. Diện tích rừng bị phá lên đến hơn 5 ha, trong đó có 1,7 ha đã trồng sắn, còn lại cây rừng bị đốn hạ la liệt và một lán trại mới được xây dựng.

Ông Nguyễn Thái Đắc, ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa thừa nhận đã tự ý khai phá diện tích đất rừng trên để sản xuất. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản đình chỉ, tháo dỡ lán trại. Hơn 1 tháng sau, kiểm lâm địa bàn và chính quyền xã kiểm tra lại, vẫn thấy ông Đắc tiếp tục đốt dọn vùng rừng bị phá để trồng sắn, trồng rừng.

Trong khi UBND xã Suối Trai đang loay hoay tìm hướng xử lý thì đến ngày 25/6, lực lượng chức năng lại tiếp tục phát hiện ông Đắc chặt phá thêm 22,5 ha, nâng tổng số diện tích đất có rừng mà ông đã khai phá trái phép tại khu vực này lên gần 28 ha.

Ông Ma Hoang người dân xã Suối Hai bức xúc: “Cách đây không lâu, có hai người dân địa phương phá chưa đến 0,5 ha rừng để sản xuất đã bị khởi tố, nhưng trường hợp phá rừng của ông Nguyễn Thái Đắc lại không bị xử lý, người dân nơi đây rất bức xúc, đề nghị cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng giải quyết”.

Nguy hiểm hơn, nhiều người dân địa phương đang cho rằng ông Đắc khai phá đất có rừng trái phép nhưng không bị xử lý nên ai cũng có thể khai phá được. Ông Ma E một người dân ở buôn Xây Dựng, xã Suối Trai bày tỏ: “Thấy ông Đắc phát quang mấy chục ha mà không bị sao nên mọi người trong buôn cũng làm theo”.

Ông Kpă Thinh, Chủ tịch UBND xã Suối Trai thừa nhận: nếu không giải quyết sớm vụ việc này thì chính quyền địa phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn nạn phá rừng công khai và tràn lan hiện nay.

Ngày 29/6 vừa qua, UBND xã Suối Trai đã tổ chức họp bàn biện pháp xử lý vi phạm của ông Nguyễn Thái Đắc. Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Kiểm lâm Phú Yên đã xác định hành vi phá rừng làm nương rẫy là vi phạm pháp luật cần phải kiên quyết xử lý. Tuy nhiên, ông Công lại cho rằng, vì chưa xác định được khu vực bị phá này thuộc đất Thủy điện Sông Ba Hạ, Hạt Kiểm lâm Sơn Hòa hay đất của rừng đặc dụng nên cần phải điều tra làm rõ để biết trách nhiệm quản lý và và mức độ xử lý thế nào!?

Cũng xin nói thêm, khu vực này hiện là vành đai bảo vệ, là rừng chống xói mòn, sạt lở đất, giữ nước, tích tụ nước và điều hòa lưu lượng nước phục vụ cho hoạt động của nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ cũng như sản xuất nông nghiệp. Nếu khu vực này bị tàn phá thì sẽ gây ra những hậu quả khó lường.

Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho biết: “Chúng ta phải cương quyết giữ rừng cấm và các rừng phòng hộ đầu nguồn. Với tình hình vi phạm mà các lực lượng đã phát hiện, đã xử lý hành chính một lần hoặc là đã cảnh cáo mà không được thì sẽ không xử lý hành chính nữa mà phải tiến hành khởi tố”.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên xảy ra 252 vụ phá rừng trái phép, mà chủ yếu là nằm trong khu vực rừng đặc dụng Krông Trai, làm thiệt hại gần 100 ha rừng và đất rừng.

Với tình hình giá hàng nông sản tăng cao như hiện nay, chắc chắn sẽ làm cho tình trạng phá rừng trái phép diễn biến phức tạp. Quan trọng hơn, việc kiểm tra, xử lý các hành vi phá rừng trái phép của ngành chức năng và chính quyền tỉnh Phú Yên cứ lúng túng, loay hoay như vừa qua thì chắc chắn nạn phá rừng sẽ  trở nên ngày càng phức tạp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên