Viết về môi trường, nhà báo phải hiểu về môi trường

Các chuyên gia, nhà báo nhiều kinh nghiệm cho rằng, để thông tin tuyên truyền về vấn đề môi trường có hiệu quả, nhà báo phải hiểu biết về môi trường.

Ngày 24/5/2012, Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) kết hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (Đức) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Báo chí về môi trường tại Việt Nam - Diễn biến, các bên liên quan và những chủ đề mới nhất”.

Hội thảo gồm khoảng 30 báo cáo của các diễn giả đến từ các cơ quan quản lý về môi trường, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan báo chí truyền thông, và các cơ sở đào tạo báo chí trong cả nước, tập trung vào 3 chủ đề sau: (1) Các vấn đề nóng về môi trường hiện nay mà báo chí cần/ nên/ chú ý khi phản ánh; (2) Các loại hình báo chí truyền thông hiện nay trong việc phản ánh về các vấn đề môi trường của Việt Nam; (3) Giải pháp đào tạo nhà báo về môi trường: Sự cần thiết, kinh nghiệm của thế giới, và bài học cho Việt Nam.

Các chuyên gia, nhà báo tham gia tọa đàm, bên cạnh nhìn nhận, đánh giá thực trạng môi trường và thực tiễn hoạt động báo chí về môi trường ở Việt Nam, các diễn giả đã trao đổi, thảo luận và đề xuất những giải pháp hữu hiệu để báo chí hoạt động hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực này. Đặc biệt, về giải pháp đào tạo báo chí trong lĩnh vực môi trường được đề cập sâu, gồm: sự cần thiết, phương pháp tuyển sinh, phương pháp thiết kế các học phần về báo chí chuyên biệt, trong đó, bao gồm giảng dạy các kỹ năng thông tin về môi trường trên báo chí.

Theo GS, TS Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH& Nhân văn Hà Nội, công tác truyền thông về môi trường ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với yêu cầu, đòi hỏi của chiến lược phát triển kinh tế bền vững và hiệu quả của nước ta. Vấn đề truyền thông về môi trường, nhìn chung, chưa được các cơ quan báo chí truyền thông quan tâm đúng mức. Đội ngũ nhà báo về môi trường còn thiếu và yếu, trong đó, có một phần trách nhiệm từ phía các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông. 

TS Đặng Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học KHXH&Nhân văn Hà Nội cho biết: Ở Việt Nam hiện chưa có trường đại học nào tổ chức đào tạo nhà báo chuyên về môi trường. Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đang triển khai điều chỉnh chương trình đào tạo (CTĐT) và trong tương lai gần sẽ đưa vào chương trình đào tạo các học phần về báo chí môi trường.

Một trong những ý nghĩa quan trọng của cuộc tọa đàm này, theo TS Đặng Thị Thu Hương: “Đây sẽ là cầu nối góp phần xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các nhà khoa học, các nhà báo về môi trường và các cơ sở đào tạo báo chí, tọa đàm là cơ hội để Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn học hỏi kinh nghiệm nhằm xây dựng khung chương trình đào tạo của Khoa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là một trong những trung tâm đào tạo báo chí hàng đầu ở Việt Nam hiện nay”.

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Giám đốc Kênh VOVTV, Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ: Nhiều người cho rằng vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu thường khô khan, không hấp dẫn.Tuy nhiên, qua thực tiễn tác nghiệp, sản xuất, phát sóng các nội dung liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu tại các hệ của Đài TNVN luôn nhận được sự quan tâm, phản hồi và tham gia tích cực của công chúng, đặc biệt là giới trẻ”.

Thực tế hiện nay, báo chí thông tin về gương người tốt việc tốt trong bảo vệ môi trường chưa nhiều. Do đó, theo Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, nếu báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền nhiều hơn, thiết thực hơn nữa về gương sáng trong bảo vệ môi trường sẽ dễ có sức lan tỏa hơn, tác động tích cực hơn đến hành động bảo vệ môi trường, bên cạnh việc phản ánh, điều tra về các tiêu cực liên quan đến môi trường.

Cùng quan điểm, nhưng Thạc sĩ Phan Văn Tú, Khoa Báo chí – Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM chia sẻ thêm: Các cơ quan báo chí chính thống cần thông tin, tuyên truyền về bảo vệ môi trường mạnh hơn nữa, thiết thực hơn nữa, đặc biệt là làm “người dẫn đường” khơi mào để các phương tiện truyền thông khác, đặc biệt khai thác thế mạnh lan truyền thông tin của mạng xã hội để kéo cộng đồng mạng tham gia bàn luận, phân tích và tuyên truyền cổ vũ, cùng nhau vào cuộc bảo vệ môi trường.

Là người có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, điều tra về các vấn đề môi trường và xã hội, PGS, TS Nguyễn Đình Hòe, nguyên Giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, các nhóm cộng đồng xã hội thường có những ứng xử có phần khác nhau đối với môi trường và biến đổi khí hậu. Cho nên, báo chí cần biết lắng nghe phản hồi khi mình đề cập đến vấn đề, tránh viết những cái mình thích, mình có mà không đề cập đúng vấn đề mà công chúng đang cần, đang quan tâm.

Cũng tại đây, nhiều nhà báo còn khẳng định: báo chí viết về môi trường, biến đổi khí hậu không chỉ tập trung vào các vấn đề vĩ mô mà còn phải “bám” vào truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường qua những gương hành vi sống hằng ngày, nhẹ nhàng, dễ hiểu; đặc biệt là bản thân nhà báo viết về môi trường cũng phải có văn hóa ứng xử với môi trường, với tư cách là một trong những người đi tiên phong trong xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên