Mưa lũ kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân

VOV.VN - Diễn biến thời tiết cực đoan, sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nhưng địa phương vẫn chưa có các biện pháp khắc phục tối ưu. 

Mưa lũ kéo dài gây sạt lở bờ sông, đê ven biển. Tình trạng sạt lở uy hiếp cuộc sống của hàng trăm hộ dân sống ven sông, ven biển. Diễn biến thời tiết cực đoan, sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nhưng địa phương vẫn chưa có các biện pháp khắc phục tối ưu. 

Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn những ngày qua làm hơn 600m bờ sông Hiếu đoạn qua thôn Định Xá, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ sạt lở nghiêm trọng. Vết lở ăn sâu 4-5m vào đường bê tông, tạo hàm ếch ngay dưới lòng đường, gây nguy hiểm và mất an toàn đối với người tham gia giao thông. 

Sạt lở ven sông uy hiếp nhà cửa, đất đai, tính mạng người dân tại huyện Cam Lộ.
Bà Nguyễn Thị Bình, người dân thôn Định Xá, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ cho biết, sạt lở bờ sông làm mất đất sản xuất, đe dọa tính mạng của người dân, đặc biệt là những hộ dân sống gần bờ sông.

"Gia đình tôi ở gần bờ sông, khi nghe cây đổ và sạt lở thì cảm thấy rất sợ bởi sạt lở gần nhà, gần cả trường học nữa. Sạt lở vào gần còn chỉ mấy mét nữa thôi là vào đến nhà rồi. Vậy nên mong cấp trên giúp đỡ xây cho cái kè để nhà cửa được an toàn không thôi rất sợ", bà Bình nói.

Hệ thống đê bao vùng trũng Hải Lăng có chức năng chống lũ Tiểu mãn và lũ sớm, bao bọc vựa lúa hơn 4.500ha của 12 xã vùng trũng phía Đông Nam huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Tuyến đê có chiều dài 56km nằm trên lưu vực sông Ô Lâu, hệ thống sông Thạch Hãn và sông Vĩnh Định qua nhiều đợt mưa lũ đã bị hư hại nặng nề. Một đoạn đê trên địa bàn xã Hải Hòa bị sạt lở sâu vào tận chân đê, uy hiếp mái đê. 

Gia cố tạm thời tuyến đê vùng trũng Hải Lăng.
Ông Cái Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Hòa cho biết, những ngày mưa lũ, địa phương huy động người dân dùng bao cát, cọc tre gia cố lại khu vực bị xói lở.

"Hiện nay mức nước ngoài đê so với trong đê là cao chênh lệch, khi mà vỡ đê thì toàn bộ 1200 ha lúa sẽ ngập và ảnh hưởng đến người dân Hải Hòa nói riêng và 5 xã lân cận", ông Cư cho hay.

Mưa lũ kéo dài cộng với triều cường dâng cao những ngày qua làm cho tuyến đê biển tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị dài hơn 10km bị sạt lở nghiêm trọng. Tuyến đê này được cứng hóa hơn 6km, còn 4km đê đắp đất yếu, những ngày qua triều cường ăn sâu đánh sạt nhiều chỗ, cuốn trôi nhiều diện tích đất canh tác.

Sạt lở nghiêm trọng tại tuyến đê biển xã Vĩnh Thái.
Ông Lê Đa Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị cho biết, nhiều đợt mưa lũ kéo dài gây sạt lở nghiêm trọng các tuyến đê sông, đê biển. Nhiều điểm trước đây đã từng khắc phục tạm thời nay tiếp tục sạt lở.

Theo ông Lê Đa Sơn, nhu cầu về xây dựng đê kè rất lớn nhưng kinh phí còn hạn chế, chưa có giải pháp mang tính bền vững để đảm bảo đê ổn định, bảo vệ dân cư, bảo vệ sản xuất.

Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa vừa đến mưa to, nước từ thượng nguồn để về khiến đường tỉnh 640 nối từ Trung tâm huyện Tuy Phước về các xã khu Đông như Phước Thắng, Phước Hoà tiếp tục bị ngập sâu, gây chia cắt. Đến sáng nay (24/11), trời tạnh mưa nhưng đường tỉnh vẫn còn ngập một số điểm, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Huyện tiếp tục cho học sinh mầm non, mẫu giáo và Tiểu học ở 2 xã Phước Hoà, Phước Thắng nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng.

Tuyến đường liên xã đê khu đông huyện Tuy Phước nước vẫn còn ngập.
Chưa kịp ổn định cuộc sống sau những vụ lở núi kinh hoàng, mấy hôm nay, người dân các huyện vùng cao tỉnh Quảng Nam lại bỏ làng dắt nhau chạy tránh sạt lở núi vì mưa lớn kéo dài. Chưa bao giờ, nhiều người dân vùng cao phải bỏ làng tìm chỗ định cư mới trong mưa lũ như hiện nay. 

Sau vụ lở núi kinh hoàng xảy ra ngày 6/11 vùi lấp 4 ngôi nhà, làm 5 người chết, 9 người bị thương, hàng trăm hộ dân ở nóc ông Tuần, thôn 2 xã Trà Vân, huyện miền núi cao Nam Trà Vân lần lượt bỏ làng ra đi.

24 hộ có nhà sát chân núi, nguy cơ sạt lở luôn rình rập đã được chính quyền đưa vào sống tạm trong 1 căn nhà ở thôn Khe Chữ, cách xa làng cũ. Mấy ngày nay, mưa to xối xả đổ xuống vùng cao Nam Trà My, bà con ăn ngủ không yên.

Anh Hồ Văn Ngọ ở thôn 2, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My xót xa nhớ lại, vụ sạt lở núi ngày 6/11 đã vùi chết vợ và con gái nhỏ 2 tháng tuổi, con gái lớn bị thương nặng nằm điều trị tại bệnh viện.

Anh Hồ Văn Ngọ kể, hôm ấy sau bữa cơm trưa, anh sang nhà mẹ uống nước chè được 1 lúc thì nghe núi lở, chạy về đến nơi đã thấy nhà cửa tan hoang, vợ và 2 con bị vùi sâu trong đất đá.

Anh Hồ Văn Trang, người may mắn thoát chết hôm đó cho biết, sau khi xảy ra sạt lở núi, nhiều người chạy vào rừng ẩn náu, số khác bỏ làng ra đi. Hiện 24 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Ca Dong đã chuyển đến nơi ở mới tại thôn Khe Chữ. Khổ nỗi, tài sản, lúa gạo của bà con bị vùi lấp, trôi sạch, đường sá sạt lở gây chia cắt, cuộc sống hàng ngày đang chờ nguồn cứu trợ của Nhà nước và sự cưu mang, sẻ chia của các tổ chức, cá nhân hảo tâm.

Trước những thiệt hại nặng nề của người dân, UBND huyện Nam Trà My đã kịp thời hỗ trợ gia đình người chết 10 triệu đồng; người bị thương 2 triệu đồng. Với những hộ vừa bị sập nhà, địa phương hỗ trợ 2 triệu đồng và cấp lều bạt dựng lên làm nơi ở tạm.

Qua khảo sát bước đầu, chính quyền địa phương đã có kế hoạch sắp xếp, di dời 144 hộ dân nằm trong vùng lở núi, nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trời tiếp tục mưa to, cộng với thủy điện xả lũ, nguy cơ ngập lụt và sạt lở núi ập đến bất cứ lúc nào. Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: hơn lúc nào hết, việc sơ tán dân đến nơi an toàn đang được chính quyền địa phương gấp rút triển khai

Mưa lũ đang diễn biến phức tạp. Nhiều thủy điện xả lũ điều tiết nước. Nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất tại các huyện miền núi và ngập lụt ở vùng hạ du khiến người dân vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai càng thêm lo lắng. Lãnh đạo các tỉnh miền Trung đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương di dời  dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, tuyệt đối không cho bà con  quay về nơi ở cũ, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đèo Hải Vân tiếp tục sạt lở, đường sắt Bắc Nam tê liệt
Đèo Hải Vân tiếp tục sạt lở, đường sắt Bắc Nam tê liệt

VOV.VN - 8h30 hôm nay, một khối lượng lớn đất đá trên đèo Hải Vân tiếp tục bị sụt trượt làm cho tuyến đường sắt Bắc Nam bị ách tắc trở lại.

Đèo Hải Vân tiếp tục sạt lở, đường sắt Bắc Nam tê liệt

Đèo Hải Vân tiếp tục sạt lở, đường sắt Bắc Nam tê liệt

VOV.VN - 8h30 hôm nay, một khối lượng lớn đất đá trên đèo Hải Vân tiếp tục bị sụt trượt làm cho tuyến đường sắt Bắc Nam bị ách tắc trở lại.

Hình ảnh: Sạt lở nghiêm trọng tại Quốc lộ 16 Nghệ An
Hình ảnh: Sạt lở nghiêm trọng tại Quốc lộ 16 Nghệ An

VOV.VN - Trước thực trạng sạt lở nghiêm trọng khiến Quốc lộ 16 bị đặt vào tình trạng “báo động”, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Hình ảnh: Sạt lở nghiêm trọng tại Quốc lộ 16 Nghệ An

Hình ảnh: Sạt lở nghiêm trọng tại Quốc lộ 16 Nghệ An

VOV.VN - Trước thực trạng sạt lở nghiêm trọng khiến Quốc lộ 16 bị đặt vào tình trạng “báo động”, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Bến Tre chưa khống chế được tình trạng sạt lở Cồn Phú Đa
Bến Tre chưa khống chế được tình trạng sạt lở Cồn Phú Đa

VOV.VN - Mới đây, tại khu vực này có hơn 20m đất ven sông Cổ Chiên tiếp tục sụp sâu xuống dòng nước, lấn vào đất liền từ 2-3m.

Bến Tre chưa khống chế được tình trạng sạt lở Cồn Phú Đa

Bến Tre chưa khống chế được tình trạng sạt lở Cồn Phú Đa

VOV.VN - Mới đây, tại khu vực này có hơn 20m đất ven sông Cổ Chiên tiếp tục sụp sâu xuống dòng nước, lấn vào đất liền từ 2-3m.