Năm 2013: Khó đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc

(VOV) -Ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là nguyên nhân khiến nước này dừng cấp hạn ngạch đối lao động mới Việt Nam.

Năm 2012 là năm không thành công đối với công tác xuất khẩu lao động của Việt Nam. Chỉ tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài không đạt và khó khăn lại xuất phát từ những thị trường truyền thống, trong đó có Hàn Quốc.

Do trên 10.000 lao động đã hết hợp đồng không về nước, bỏ trốn và ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là nguyên nhân khiến Hàn Quốc dừng cấp hạn ngạch đối với lao động mới của chúng ta.

Làm thế nào để người lao động tự nguyện về nước và đưa trên 12.000 lao động đã qua kiểm tra tiếng Hàn có cơ hội sang xứ sở Kim Chi làm việc vẫn là bài toán nan giải. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phan Văn Minh - Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước- Trưởng đoàn công tác của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về vấn đề này.

PV: Ông có thể cho biết, kết quả chuyến làm việc với các đối tác Hàn Quốc trong việc giải quyết tình trạng lao động Việt Nam đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại nước bạn?.

Ông Phan Văn Minh: Từ 21 - 26/12/2012 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức Đoàn công tác sang Hàn Quốc để tuyên truyền, vận động lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc thực hiện đúng hợp đồng lao động, về nước đúng thời hạn.

Chúng tôi tập trung tại hai khu vực nhiều lao động Việt Nam làm việc là: Daegu (nơi có khoảng 500 lao động) và TP Ansan (có 2.500 lao động Việt Nam đang làm việc). Đặc biệt là tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tập trung ở khu vực này.

Chúng tôi tổ chức tuyên truyền cho lao động về các quy định của pháp luật Hàn Quốc và pháp luật Việt Nam về chương trình lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình (EPS); tuyên truyền về một số chính sách ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc đối với lao động Việt Nam nói riêng và lao động nước ngoài nói chung đang làm việc tại Hàn Quốc; thông tin cho người lao động biết một số hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam đối với những lao động này.

Chúng tôi cũng phân tích cho người lao động những khó khăn, vướng mắc, thậm chí rủi ro mà người lao động phải đối mặt nếu ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng.

Nếu người lao động thực hiện nghiêm việc này thì khi về nước sẽ có cơ hội quay trở lại Hàn Quốc làm việc theo chính sách ưu đãi đối với người lao động mà phía Hàn Quốc vừa ban hành.

Chúng tôi cũng đã làm việc với cơ quan chức năng của Hàn Quốc như Bộ Việc làm Lao động Hàn Quốc và Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc- cơ quan trực tiếp triển khai chương trình này.

Qua các buổi gặp gỡ, trao đổi, Hàn Quốc cũng đánh giá cao những biện pháp mà chúng ta đã triển khai. Tuy nhiên, bạn cũng cho rằng tỷ lao đông cư trú bất hợp pháp so với thời gian trước có giảm nhưng mức độ còn khiêm tốn.

Nếu quý 2/2012 tỷ lệ này là 57,4% thì quý 3 giảm xuống còn 55,6%. Như vậy là giảm được 1,8%. Họ cũng đề nghị chúng ta cùng với giải pháp thông tin tuyên truyền phải có một số biện pháp chế tài về kinh tế và biện pháp hành chính.

Thời gian qua, chúng tôi cùng Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đề xuất với lãnh đạo Bộ làm việc với cơ quan chức năng để đưa ra chế tài về tài chính. Có thể phải ký quỹ thực hiện hợp đồng đối với người lao động. Tuy nhiên, đây là biện pháp lâu dài cho số lao động mới tới đây nếu tiếp tục được tăng.

Còn đối với lao động đang làm việc tại Hàn Quốc thì chúng tôi cũng đề nghị phía Hàn Quốc cùng với việc tăng cường quản lý lao động cư trú bất hợp pháp phải xử lý nghiêm minh số chủ sử dụng lao động Việt Nam bất hợp pháp, bởi đây có thể nói là nguyên nhân cơ bản nhất mà người lao động tiếp tục ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Đồng thời chúng tôi cũng đề nghị với Hàn Quốc theo quy định hiện nay của pháp luật Hàn Quốc, người lao động sau khi kết thúc hợp đồng thì được trợ cấp một khoản gọi là trợ cấp thôi việc.

Theo đó, mỗi năm làm việc người lao động được trợ cấp 1 tháng lương với thời gian gần 5 năm làm việc thì người lao động được trợ cấp tương đương 5.000 USD. Thì thay vì việc người lao động được nhận tại Hàn Quốc, chúng tôi đã đề nghị khoản này sẽ nhận tại Việt Nam nếu người lao động về nước đúng thời hạn. Còn nếu người lao động không về nước đúng thời hạn thì sẽ sung vào công quỹ.

PV: Vậy qua những buổi tư vấn cho lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc thì bà con có những tâm tư, nguyện vọng gì, thưa ông?

Ông Phan Văn Minh: Tâm tư chung của người lao động là họ băn khoăn khi về nước khó tìm việc là và đặc biệt là khó có thể đảm bảo việc làm mà thu nhập cao như ở Hàn Quốc.

Hiện, thu nhập bình quân của người lao động chúng ta tại Hàn Quốc từ 900 -1.200 USD/tháng. Nhiều người lao động có mức lương cao hơn như thế nhiều. Nhiều người băn khoăn khi về nước liệu có tìm được việc làm không và đặc biệt việc làm trong nước mức thu nhập như thế nào. Chính về thế mà họ do dự không muốn về nước.

Cũng không riêng gì thị trường Hàn Quốc mà một số thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia cũng chung tình trạng như vậy. Các địa phương cũng thấy đây là vấn đề liên quan đến ý thức của người lao động.

Để làm được việc này, cùng với tuyên truyền vận động thì cần phải có một số chế tài về tài chính rồi biện pháp hành chính.

Hiện chúng tôi đang cùng Cục Quản lý lao động ngoài nước nghiên cứu để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ, đối với một số địa phương nếu không giảm được tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì tạm dừng đăng ký tham gia kiểm tra tiếng Hàn khi Hàn Quốc đồng ý cho kiểm tra lại tiếng Hàn đối với lao động.

PV: Vậy kế hoạch đưa lao động đi lao động nước ngoài nói chung và cơ hội cho lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc trong tương lai liệu có khả quan không, thưa ông?

ông Phan Văn Minh: Có thể nói, việc lao động mới được sang Hàn Quốc như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào các biện pháp mà chúng ta triển khai.

Trong các hội nghị tại các địa phương chúng tôi cũng đề nghị các xã phường hình thành các tổ tư vấn để tư vấn đến tận gia đình người lao động về chủ trương, chính sách ưu đãi của Hàn Quốc đối với người cũng như chủ trương của Nhà nước ta để vận động người lao động về nước đúng thời hạn. Đồng thời, tại các hội nghị này sẽ có cam kết của gia đình người lao động trước chính quyền địa phương, đảm bảo vận động người lao động về nước đúng thời hạn.

Chúng tôi cũng mời những lao động mà đang có hồ sơ trên mạng, chưa được giới thiệu cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn tham dự để họ biết. Đây cũng là tạo điều kiện cho nhiều người lao động khác có cơ hội được sang Hàn Quốc làm việc đối với những lao động mới và những lao động về nước đúng thời hạn thì chính họ sẽ được quay trở lại Hàn Quốc làm việc theo đúng tư cách của người lao động hợp pháp.

Năm 2013, nếu chúng ta không giảm thiểu được số lao động cư trú bất hợp pháp một cách liên tục và bền vững thì lao động mới chắc chắn không có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc. Đây là việc rất khó khăn đối với chúng tôi, nếu không có sự vào cuộc của cấp chính quyền ở địa phương cũng như gia đình người lao động và bản thân người lao động./.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Doanh nghiệp Nhật Bản "khát" người lao động Việt Nam
Doanh nghiệp Nhật Bản "khát" người lao động Việt Nam

Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thủy - hải sản được các doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên tuyển dụng.

Doanh nghiệp Nhật Bản "khát" người lao động Việt Nam

Doanh nghiệp Nhật Bản "khát" người lao động Việt Nam

Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thủy - hải sản được các doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên tuyển dụng.

Hàn Quốc tạm dừng tuyển mới lao động Việt Nam
Hàn Quốc tạm dừng tuyển mới lao động Việt Nam

(VOV) -Hạn ngạch tuyển mới lao động Việt Nam năm 2012 vào Hàn Quốc đã chính thức tạm dừng.

Hàn Quốc tạm dừng tuyển mới lao động Việt Nam

Hàn Quốc tạm dừng tuyển mới lao động Việt Nam

(VOV) -Hạn ngạch tuyển mới lao động Việt Nam năm 2012 vào Hàn Quốc đã chính thức tạm dừng.

250 lao động Việt Nam trở lại Hàn Quốc làm việc
250 lao động Việt Nam trở lại Hàn Quốc làm việc

(VOV) - Những lao động được trở lại Hàn Quốc làm việc lần này là những người trước đó đã làm việc cho một doanh nghiệp Hàn Quốc.

250 lao động Việt Nam trở lại Hàn Quốc làm việc

250 lao động Việt Nam trở lại Hàn Quốc làm việc

(VOV) - Những lao động được trở lại Hàn Quốc làm việc lần này là những người trước đó đã làm việc cho một doanh nghiệp Hàn Quốc.