Nam Định nâng cấp hệ thống đê sông, biển

Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Nam Định đã phê duyệt và triển khai thực hiện 10 dự án tu bổ, nâng cấp đê biển với tổng mức đầu tư trên 1.700 tỷ đồng.  

Ngày 19/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra thực tế một số tuyến đê sông, đê biển tại các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định và làm việc với các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 8 tháng năm 2011.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã phê duyệt và triển khai thực hiện 10 dự án tu bổ, nâng cấp đê biển với tổng mức đầu tư trên 1.700 tỷ đồng. Về đê sông, tỉnh đã lập và triển khai 13 dự án đầu tư nâng cấp các tuyến đê sông với tổng mức đầu tư trên 4.800 tỷ đồng, trong đó đến nay đã nâng cấp được 30km đê sông, 5 công trình kè với tổng chiều dài 3,3km.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương công tác chuẩn bị, ứng phó, phòng chống thiên tai của tỉnh Nam Định; đồng thời đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Nam Định đã đạt được trong thời gian qua, thực hiện tốt công tác xây dựng, cải tạo đê điều, hệ thống các công trình thuỷ lợi, phòng chống lụt bão...

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tỉnh cần quan tâm hơn nữa tới công tác đầu tư xây dựng, tu bổ các công trình thủy lợi, đê điều, trong đó ưu tiên các công trình đảm bảo an toàn cho dân trong mùa mưa bão.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đề xuất bố trí vốn cho công tác xử lý khẩn cấp sạt lở 21 công trình kè trên các tuyến đê sông này, ưu tiên những điểm có dân ở; giao các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết đề xuất của Nam Định liên quan đến các dự án xây dựng, cải tạo quốc lộ 21, quốc lộ 10, đường 486B, thành lập khu kinh tế Ninh Cơ, dự án xây dựng kè Nam sông Đào, cải tạo nâng cấp các đường cứu hộ cho những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai và biến đổi khí hậu, xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh Nam Định...

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý tỉnh Nam Định trong thời gian tới cần chỉ đạo, phối hợp khung mùa vụ hợp lý để giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; quan tâm đến công tác chăn nuôi để đảm bảo nguồn cung, góp phần kiềm chế lạm phát./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên