Nan giải vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động đỏ, trong đó môi trường nông thôn.

>> Giải bài toán ô nhiễm ở các làng nghề?

Một lần đi công tác ở các làng quê thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, tôi rất ngạc nhiên vì thi thoảng hai bên đường xuất hiện một bao tải lớn, đen xì, đang rò rỉ thứ nước đen vàng, đặc quánh. Cách vài cây số, lại thấy một đống rác thải cao chất ngất, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Ông Trần Đình Chiến, Bí thư xã Đồng Lý, huyện Lý Nhân giải thích: Đấy là rác thải sinh hoạt ở vùng nông thôn. Xả mãi ở vườn nhà cũng hết chỗ, lại gây ô nhiễm nên các gia đình chọn giải pháp tốt nhất là… đổ trộm hai bên đường. Cứ tống hết rác thải vào bao tải, cho lên xe máy, chạy đến chỗ nào không có ai nhìn thấy thì… vứt, thế là xong. Một số khu dân cư “văn minh” hơn, tổ chức Tổ, Đội thu gom rác thải, nhưng thu gom xong không biết đổ vào đâu, lại “tập kết” ở bên đường, còn giải quyết “đống rác” đó như thế nào thì đấy là việc của… “xã hội”.

Ông Trần Đình Chiến cho biết, toàn huyện đến nay cũng chưa có khu vực nào thu gom rác tập trung. Cũng có một số gia đình thu gom được, nhưng thu gom đưa vào nơi tập trung thì rất khó khăn. Địa phương đã đặt vị trí ở một số nơi, nhưng đặt ở nơi xa khu dân cư thì chạm ở khu dân cư ở địa phương khác. Chính vì thế nên rất khó thực hiện.

Hiện tượng chỉ quan tâm làm sạch khu vực gia đình mình thay vì làm sạch môi trường sống của cộng đồng diễn ra phổ biến ở hầu hết các vùng nông thôn trong cả nước. Chung quy cũng bởi ý thức của người dân chưa cao và chính quyền địa phương không xây dựng quy hoạch nơi thu gom, xử lý rác thải. Có nơi quy hoạch địa điểm đổ rác thải xa khu dân cư địa phương mình thì lại nằm cạnh khu dân cư địa phương khác. “Cái khó bó cái khôn”, vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp đi lặp lại, mà chưa có cách nào để giải quyết. Ngay tại Hà Nội, các huyện ngoại thành cũng không biết đổ rác thải đi đâu.

Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết: “Hiện chưa có quy hoạch về rác thải của tất cả các thôn, xóm, các hộ gia đình và cũng chưa có mô hình cụ thể để chỉ đạo chung. Rãnh từ gia đình ra nhưng không biết chảy vào đâu. Một số nơi có rãnh chung, nhưng chủ yếu là rãnh hở. Nhà vệ sinh nhiều nơi chưa đảm bảo. Nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế thì chỉ đạt hơn 20%”.

Theo tính toán của ngành chức năng, với khoảng 50 triệu dân đang sinh sống ở các vùng nông thôn, mỗi ngày thải ra khoảng 30.000- 35.000 tấn rác. Trong khi đó, lượng rác thải được thu gom, xử lý chưa đến 1/2. Hầu hết các địa phương ở trong tình trạng không có địa điểm đổ rác thải- không quy hoạch- không có khu xử lý rác thải tập trung, cộng với thói quen canh tác của người nông dân sử dụng nhiều loại thuốc hoá học đã khiến môi trường ở nông thôn càng thêm ô nhiễm. Nước, rác thải chưa qua xử lý đổ trực tiếp ra sông ngòi, ao hồ, hoặc bất kỳ nơi nào có thể. Nhiều dòng sông đẹp, thơ mộng như tranh vẽ bị biến thành nơi chứa rác thải ngập ngụa. Nhiều cánh đồng, cây cối không mọc được. Người dân nông thôn phải sống chung cùng với rác. Ao làng trở thành nơi “ủ bệnh” cho người và gia súc, gia cầm.

Ông Lê Duy Nâu ở xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội bức xúc nói: “Một số cụm dân cư vẫn đổ rác tự do ra bờ mương, bờ ao… Ở khu vực nông thôn thì đa số nước rác thải lại đưa trực tiếp ra ngòi, ra ao. Cho nên hiện nay không có ao nào đảm bảo vệ sinh môi trường. Một số nhà khoa học nhận xét, nước ở đây ngấm chất sắt, nhiễm asen. Những năm gần đây, xã có rất nhiều người bị ung thư. Nguyên nhân mắc bệnh do nước, do rác thải, hay gì thì đến nay cũng chưa biết được”.

Theo ông Lê Văn Hợp, Vụ trưởng- Người phát ngôn Bộ Tài nguyên và Môi trường, lý do khiến môi trường ở nông thôn bị ô nhiễm nghiêm trọng nhiều năm liền không giải quyết được là do ngay từ đầu, chúng ta chưa xây dựng được nếp sống văn minh ở vùng nông thôn, chưa tạo được thói quen trong nông dân khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Bởi vậy, để cải thiện mức độ ô nhiễm môi trường nông thôn, ông Lê Văn Hợp cho rằng, biện pháp quan trọng nhất là vận động cộng đồng thay đổi tập quán, thói quen xả rác tuỳ tiện: “Chúng ta phải xây dựng cơ chế chính sách để xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường nông thôn, tăng cường giám sát, góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Hiện chúng tôi đang tổ chức nhiều phong trào, nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong nông nghiệp, trong xử lý rác thải, chất thải rắn, rồi những chất thải độc hại trong sản xuất nông nghiệp”.

Cần lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường trong triển khai mô hình nông thôn mới; cung cấp dịch vụ thu gom rác thải thuận tiện cho nông dân.

Ai cũng biết, bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm của riêng tổ chức, cá nhân nào. Đặc biệt, bảo vệ môi trường nông thôn, rất cần sự hợp tác của mọi thành viên tại các làng quê, từ người già, đến trẻ em, từ trường học, đến các cơ quan, ban ngành cùng vào cuộc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên