Nắng nóng kỷ lục ở miền Trung: Tìm cách vượt qua cơn khát

VOV.VN - Thiếu nước sinh hoạt đang uy hiếp cuộc sống của người dân từ miền núi xuống đồng bằng ra tận đảo xa.

Trong bài viết trước, nhóm phóng viên VOV- Miền Trung đã đề cập chuyện người dân miền Trung gồng mình chống chọi với nắng hạn. Nắng nóng gay gắt kéo dài làm cho nguồn nước tưới khô cạn, cây trồng cháy khô, nhiều diện tích đất trồng lúa bị bỏ hoang, nguy cơ mất trắng đã và đang xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều tháng qua, tình trạng cạn kiệt nguồn nước, nhiễm mặn xâm nhập sâu vào vùng cửa sông, vụ sản xuất hè thu của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn. Thiếu nước sinh hoạt đang uy hiếp cuộc sống của người dân từ miền núi xuống đồng bằng ra tận đảo xa.

Thiếu nước sinh hoạt, người dân Phú Yên phải mua nước về dùng
(Ảnh Hải Sơn)

Nhiều tháng nay, nắng nóng ở miền Trung làm cho nguồn nước ngầm cạn kiệt, tình trạng xâm nhập mặn ở các vùng cửa sông, ven biển tỉnh Phú Yên ngày càng trầm trọng. Tại các xã quanh đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An hay các xã ven biển ở thị xã Sông Cầu, xâm nhập mặn đang ở mức báo động. Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, nhiều khu dân cư ở vùng cửa sông, ven biển đã xảy ra tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. Thực tế này chưa từng xảy ra với bà con nơi đây.

Hiện nay, 600 hộ dân ở xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên thiếu nước dùng hàng ngày do bị mặn xâm nhập. Cách cửa sông khoảng 3km, nước giếng của gia đình ông Tôn Sơn không thể uống được. Ông Sơn bỏ tiền lên tận xóm trên khoan thêm 1 giếng khác nhưng cũng không tìm thấy nước ngọt. Vậy là hàng ngày, vợ chồng ông Sơn phải thay phiên nhau đi xa cả cây số để mang nước về dùng. 

Ông Tôn Sơn, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa than thở: Chuyện tắm giặt của 6 người trong nhà đều phải dùng tạm nước nhiễm mặn.

Người dân đảo Lý Sơn- Quảng Ngãi đào giếng tìm nước sản xuất và sinh hoạt (Ảnh Hữu Danh)

“Nước ở đây hồi trước rất ngọt, nhưng bây giờ dùng không được nữa cho nên buộc phải đi gánh nước xa để về dùng. Bây giờ nói chung cả khu làng đây ai cũng như vậy hết, giếng bị mặn hết. Không có ai dùng được ở giếng ngọt này”- ông Tôn Sơn cho biết.

Tác động của biến đổi khí hậu đã và đang uy hiếp cuộc sống của người dân miền Trung. Tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, bà con “khát nước” từ nhiều tháng nay. Ở xã An Vĩnh có gần 870 giếng nước ngọt phục vụ sinh hoạt và tưới hành, tỏi, nhưng hiện nay hơn 2/3 số giếng đã khô cạn hoặc nguồn nước bị nhiễm mặn, cuộc sống người dân trên đảo càng thêm nhọc nhằn. Cả đảo thiếu nước ngọt, bà con phải đạp xe đi chở từng can nước về dùng. Tình thế này buộc nhiều gia đình ở các xã An Vĩnh, An Hải, huyện Lý Sơn phải vay nóng để có tiền đào giếng lấy nước sinh hoạt và cứu cánh đồng đang bị khô cháy. Ông Dương Kiên ở thôn Đông, xã An Vĩnh cho biết: năm nào cũng bị hạn nhưng năm nay khô hạn lại đến sớm và gay gắt quá. 

Thửa ruộng trồng hành trên đảo Lý Sơn héo rũ vì nắng nóng (Ảnh Hải Sơn)

“Đảo Lý Sơn, bà con hiện giờ thiếu nước, không những làm nông mà cây cũng vất vả. Nước giếng giờ cũng khan khô. Đi ban đêm kiếm mỗi người ít can về uống thôi, còn chị em tắm cũng không có luôn. Còn nước sản xuất bây giờ đang đào giếng mà kiếm nước cũng không ra, không có nước vì nắng quá. Nghiên cứu như thế nào chứ giờ biết làm sao đây.”- ông Dương Kiên bộc bạch. 

Đã 2 tháng qua, trên đảo Lý Sơn không có mưa. Gần 70 hécta cây hành và cây trồng vụ hè thu sắp thu hoạch sẽ sụt giảm năng suất, một số diện tích có nguy cơ mất trắng. Trước mắt, địa phương tập trung chống hạn và vận động người dân tham gia nạo vét 50 giếng nước ở các khu dân cư trên đảo; đồng thời kêu gọi mọi người sử dụng nước tiết kiệm. 

Bà Phạm Thị Hương- Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: tình hình rất gay go khi hồ chứa nước Thới Lới trên đảo, dung tích 270 mét khối đã cạn kiệt.

“Thời tiết năm nay biến đổi rất lớn so với các năm, nắng hạn kéo dài. Chính vì vậy, huyện cũng có các phương án phòng chống hạn, tuy nhiên cũng chỉ là tạm thời. Các giếng của huyện cũng nhiễm mặn nên nước sinh hoạt rất khó khăn. Hồ Thới Lới cũng đã cạn kiệt”- bà Hương cho biết như vậy.

Bà Phạm Thị Hương cho biết: “Huyện Lý Sơn đang kiến nghị các cấp, các ngành hỗ trợ xây dựng các bể chứa, đầu tư nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt mới đảm bảo nước cho dân và du khách sinh hoạt hàng ngày”.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, những ngày có nhiệt độ 35 độ C trở lên được tính là nắng nóng thì đến ngày 31/5, miền Trung chịu đợt nắng nóng kéo dài 28 ngày, kỷ lục trong 15 năm gần đây. 

Người già con trẻ trốn nắng ở công viên (Ảnh Hải Sơn)

Nhiều tháng nay, tại các tỉnh miền Trung, sáng sớm, mặt trời đã chói chang báo hiệu một ngày nóng nực; buổi trưa nóng như đổ lửa, các tuyến phố vắng bóng người. Để tránh nắng nóng, người người nhà nhà tìm đến công viên hoặc tụ tập dưới bóng mát cây xanh; khi chiều xuống hàng ngàn người ùn ùn hướng ra biển để “giải nhiệt”.

Nguồn nước tưới khô cạn, cây trồng cháy khô, nhiều diện tích đất trồng lúa bị bỏ hoang, nguy cơ thiếu đói đang rình rập cuộc sống người dân từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo xa xôi. Người dân miền Trung làm gì để chống chọi với nắng hạn kéo dài? Trong chuyến công tác tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã chia sẻ khó khăn với chính quyền và người dân miền Trung; đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung cho công tác chống hạn, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho bà con. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Ở những vùng khô hạn, chúng ta với tinh thần là phải đảm bảo cho dân những điều kiện tốt nhất, ví dụ như đảm bảo nước sinh hoạt cho dân, nước uống, nước ăn... không để người dân dùng nước thiếu vệ sinh và dịch bệnh tràn lan. Đảm bảo nước cho người dân là hết sức quan trọng, phải thực hiện bằng được. Thứ hai, cố gắng giảm tối đa thiệt hại cho sản xuất. Bây giờ cây lúa không làm được thì thiệt hại khó tránh được, nhưng cái gì giữ được thì chúng ta cố gắng giữ. Thí dụ như đàn gia súc không thể vì nắng hạn mà thiếu nước uống mà chết... Gắn liền với đó là chuyển sang sản xuất, chăn nuôi ít tốn nước, mà vẫn hiệu quả cho vùng khô hạn.”

Nắng nóng khiến người dân Đà Nẵng trùm kín khi ra đường (Ảnh Hải Sơn)

Nắng hạn đã và đang xảy ra trên diện rộng. Nhiều nơi ở miền Trung nắng nóng lên trên 40 độ C. Đợt nắng nóng kéo dài kỷ lục đang làm đảo lộn cuộc sống và hoạt động sản xuất của mọi người.

Gồng mình chống chọi với khô hạn, người dân miền Trung đang thực hiện đồng bộ các giải pháp chống hạn, triệt để thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước, trong đó ưu tiên bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi gia súc... Ngay trong những ngày hạn hán gay gắt kéo dài này, bà con rất cần sự giúp đỡ, sẻ chia của Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương cùng chính quyền và các ngành chức năng ở địa phương mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên