Người anh hùng bình dị bên dòng sông Kôn

Đêm cao nguyên rạo rực ánh lửa, ngồi nghe ông thổi những khúc dân ca của người Cơtu bằng chiếc khèn Abel đầy kỷ niệm, mới thấy người anh hùng ấy bình dị đến chừng nào

Bên dòng sông Kôn huyền thoại của huyện Đông Giang, Quảng Nam, chúng tôi được nghe kể về một trong bốn người anh hùng của đồng bào Cơtu là ông Alăng Bảy. Alăng Bảy cùng Bhnướch Tâm, Clâu Nâm, Zơrâm Nướl hợp thành 4 cái tên huyền thoại “Bảy - Nâm - Tâm - Nướl” làm rạng rỡ vùng đất đại ngàn.

Ở cái tuổi ngoài bảy mươi, giọng nói vẫn còn sang sảng, trí tuệ minh mẫn và sự cởi mở, chân thật của một con người anh hùng và bình dị giữa vùng đại ngàn Trường Sơn làm cho đêm lửa bập bùng sau cơn mưa chiều bên mái nhà Rông của thôn văn hóa BhHôồng, xã Sông Kôn thêm ấm nồng…

Một góc nhà già làng Alăng Bảy với những tấm bằng khen

Anh hùng của đại ngàn hùng vĩ

Khi nhắc về những chiến công nơi đại ngàn năm xưa, mắt ông sáng lên và ký ức một thời oanh liệt lại hiện về như nguyên vẹn của thủa nào. Alăng Bảy sinh năm 1930 tại xã Atiêng, huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang, Quảng Nam) trong một gia đình Cơtu nghèo khó. Lớn lên trong sự sự ác liệt của chiến tranh, bao lần chứng kiến quân địch sát hại đồng bào, đốt phá bản làng mình, lòng yêu bản làng, yêu vùng đất đẹp của núi rừng quê mình âm ỉ cháy trong ông, để rồi một ngày mưa cuối năm 1958 ông thoát li theo cách mạng.

Alăng Bảy kể: “Hồi ấy, chứng kiến địch sát hại đồng bào mình, dù căm giận lắm, nhưng không thể chống lại chúng được. Rứa là mình âm thầm theo cách mạng. Trước đêm thoát ly, trời cũng mưa như ri. Mình ngồi thổi khèn Abel giãi bày tâm trạng, rồi đêm ấy đi luôn sang những núi bên kia”.

Năm 1960, ông được kết nạp vào Đảng. Năm 1963 ông được điều về tăng cường cho Huyện đội Tây Giang và giữ chức vụ trợ lý tác chiến cho Huyện đội. Khi đó khu vực 3 xã: Lăng, Atiêng, Anông là ngã 3 trung tâm Nam Bắc Việt - Lào trên tuyến đường Trường Sơn, là nơi có cơ quan trại giam 150 của Bộ, là khu vực trọng yếu của chiến trường Khu 5. Vì thế, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tây Giang điều ông về khu vực này. Ông giữ chức vụ Chính trị viên (cấp bậc Đại uý) kiêm Xã đội trưởng, đồng thời là Chủ tịch UBND xã Atiêng, rồi Bí thư xã Atiêng từ 1968 - 1975.

Ông ngồi bên chiếc khèn Abel, nhớ lại những năm tháng hào hùng và gian khó thủa xưa. Kể về 5 lần bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường, ông hào hứng: “Nhận nhiệm vụ mà Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao phó, mình cùng đồng đội không sợ hy sinh gian khổ, cứ nơi nào có địch là mình đến. Nhớ trận phục kích địch nơi biên giới Việt - Lào, tiểu đội mình có 12 người phải nhịn đói cả 1 tuần để chiến đấu với một tốp biệt kích Mỹ, khiến chúng không chịu nổi phải rút lui.”.

Năm 1962, khi đang phục kích địch tại khu vực đồi Ahu, xã Atiêng (Tây Giang), bỗng thấy một chiếc HU 1A quần sát đồi để hạ cánh và đổ quân càn quét, ông cùng 2 chiến sỹ bò lên sát đỉnh đồi, chọn một chỗ ẩn nấp và chờ đợi. Chiếc HU 1A vừa hạ độ cao xuống ngay nơi ông ẩn nấp thì bị dính ngay mấy phát đạn AK47, chao đảo và bốc cháy ngùn ngụt rồi cắm đầu xuống khe núi Ahu. Năm 1963, tại sân bay dã chiến trên đồn Aró (xã Lăng), Alăng Bảy cùng với Bnướch Tâm chỉ huy tiểu đội 10 người bí mật lẻn vào sân bay phục kích đợi thời cơ. Đến 4h sáng các chiến sỹ được lệnh nổ súng tiêu diệt được 43 tên địch, bắn cháy 2 máy bay trực thăng.

Alăng Bảy (bên trái) cùng các đồng đội (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cuối tháng 5/1968, Alăng Bảy cùng 4 du kích địa phương phục kích trên một ngọn núi thuộc thôn Zarươt, xã Atiêng. Khi thấy bóng chiếc trực thăng chở biệt kích hạ cánh gần nơi ông và các đồng đội ẩn náu, ông kéo một băng đạn khiến chiếc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp. Ông cùng các du kích tiêu diệt địch và thu 4 khẩu súng, “bắt sống” cả chiếc máy bay này. Dự đoán thế nào cũng có sự hỗ trợ của địch từ phía dưới lên, ông cùng đồng đội kiên quyết chờ. Quả nhiên khoảng ba mươi phút sau, một chiếc máy bay khác lại xuất hiện và cũng bị tiêu diệt gọn khi chưa kịp đáp xuống. Sau những chiến công ấy ông cùng đồng đội nhận hàng loạt những bằng khen của quân khu, của Đảng và Nhà nước trao tặng…

Người anh hùng bình dị của đời thường

Nghe ông thổi những khúc dân ca của người Cơtu bằng chiếc khèn Abel đầy kỷ niệm, mới thấy người anh hùng ấy bình dị đến chừng nào. Ông kể: “Đồng đội mình người còn người mất, lâu lắm mới có thể gặp được nhau. Lúc nào nhớ quá, mình lại lấy khèn ra thổi, lại lấy đàn ra chơi cho con nước, cho lá rừng chia sẻ giùm thôi…”.

Đến thăm nhà ông, quanh nhà là những tấm bằng khen, giấy khen, Huân, Huy chương các loại được treo trang trọng. Những lúc rảnh rỗi, ông lại lấy xuống lau chùi và đứng ngắm mãi không thôi.

Đêm nay, bên bếp lửa rực hồng của vùng núi rừng, những câu chuyện về chiến tranh, làm kinh tế, về việc xây dựng bản làng văn hoá được già làng Alăng Bảy say sưa kể lại. Được nghỉ hưu, nhưng ông vẫn được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sông Kôn. Vừa làm công tác đoàn thể địa phương, ông vừa làm kinh tế với hơn 5 ha rừng trồng, kết hợp chăn nuôi bò, gia đình ông đã trở thành hộ dân có kinh tế khá giả trong làng, được nhận giấy khen của huyện ủy.

Trong cái sự bình lặng của một người anh hùng, ông vẫn còn đau đáu cho lớp trẻ khi họ không còn mặn mà với văn hóa truyền thống của người Cơtu nữa. Ông lại đi vận động, tuyên truyền, trực tiếp giảng dạy các điệu hát lý, các khúc dân ca, cách sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc mình cho lớp thanh niên trong làng, bởi ông chơi được tới 7 loại nhạc cụ truyền thống, món nào cũng sành cả! Tại Đại hội VH-TT huyện Đông Giang lần thứ V vừa qua, già làng Alăng Bảy nhận giải nhất Biểu diễn nhạc cụ dân tộc.

Mỗi khi có lễ hội, hay các cuộc thi biểu diễn nhạc cụ dân tộc, ông lại được vinh dự đại diện cho bản làng tham gia. Được như vậy, nhưng già làng Alăng Bảy vẫn cảm thấy không vui, khi cuộc sống hiện đại cùng với sự xâm nhập mạnh mẽ của vô số nền văn hoá khác đã làm cho văn hoá truyền thống Cơtu dần bị lãng quên. Ông trăn trở: “Bây giờ trai gái Cơtu ít người biết những giá trị văn hoá quý báu của người Cơtu lắm. Những gì tốt đẹp của đồng bào mình có nguy cơ bị lấn át và mai một dần. Trai gái Cơtu không còn mặn mà với nhạc cụ dân tộc làm mình buồn nhiều lắm…”. Nhìn sự trăn trở của ông trên đôi mắt rơm rớm nước khi thổi những khúc dân ca vi vút của đại ngàn, mới thấy tấm lòng ông vẫn còn nặng lắm với lớp hậu sinh sau này.

Alăng Bảy (phải) đang thổi khèn Abel

Một điều thiệt thòi của ông mà chúng tôi vô tình được biết khi nói chuyện với bà con trong thôn văn hóa BhHôồng là, đến nay ông vẫn chưa được công nhận danh hiệu anh hùng. Khi được hỏi, ông lôi từ trong chiếc ché quý trong góc nhà ra một đống giấy tờ đã úa vàng. Trong đó có bảng khai thành tích, giấy xác nhận chiến công của huyện Tây Giang nơi mà Alăng Bảy trực tiếp chiến đấu. Ngoài ra, còn có cả chục lá đơn của ông gửi cho các nơi.

Nhìn vẻ mặt đượm một chút buồn của ông, chúng tôi mới thấu hiểu, nào ông có đòi hỏi gì quá đáng cho bản thân mình, khi đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước, cho mảnh đất quê hương, thì sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với ông thiết nghĩ cũng là một điều nên làm. Dù vậy già Alăng Bảy nói: “Cả một đời lửa đạn để đổi lấy yên bình cho quê hương mình, thế là đã đủ! Danh hiệu lớn nhất của mình chính là tấm lòng của mọi người dân nơi, của đồng đội mình. Vậy là mình mãn nguyện rồi!”…

Đêm cao nguyên rạo rực ánh lửa, những giọt mưa lãng đãng rơi trên mái nhà rông của thôn văn hóa BhHôồng. Phía xa xa, dòng sông Kôn thư thả trôi trong tiếng côn trùng rỉ rả ven bờ. Chúng tôi lại lắng tai nghe những khúc dân ca Cơtu qua tiếng khèn, tiếng sáo của người anh hùng bình dị giữa đại ngàn miên man những âm điệu trầm hùng và bi tráng. Mai này xa biết khi nào gặp lại!!!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên