Người dân gặp nhiều phiền hà khi làm sổ đỏ

VOV.VN - Để tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước và người dân trong việc cấp sổ đỏ, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định theo hướng giảm bớt các thủ tục.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường gọi là “sổ đỏ”) là chứng chỉ để Nhà nước thừa nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hợp pháp cho người sử dụng. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, việc người dân muốn có “sổ đỏ”đã gặp không ít phiền toái bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cần bớt thủ tục cấp sổ đỏ để thuận tiện cho người dân.

Ông Chu Văn Hệ, một người dân ở huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết, trước đây, người dân chỉ phải nộp tiền trước bạ là được cấp sổ đỏ. Nhưng theo luật hiện hành thì ngoài lệ phí trước bạ, còn phải nộp 40% tiền sử dụng đất. Ở các vùng nông thôn, đất cha ông để lại rất rộng, nên nộp 40% tiền sử dụng là rất lớn, khiến nhiều hộ dân không có đủ năng lực tài chính để xin cấp sổ đỏ, dẫn đến vướng mắc và tồn đọng. 

Trước đây, nhiều thôn, xã bán đất trái thẩm quyền có thu tiền sử dụng đất nộp vào quỹ tập thể, nên những loại đất này, người dân muốn có sổ đỏ phải nộp tiền sử dụng đất từ 50 đến 100% giá trị đất, mặc dù các thửa đất đã ở ổn định, đúng vùng quy hoạch của địa phương. Bên cạnh đó, nhiều gia  đình đông con, không có điều kiện mua đất ở để làm nhà nên tự lấp đất ao, lấy đất vườn để làm nhà ở, rồi xin làm sổ đỏ, cũng phải nộp số tiền sử dụng đất từ 50%-100% giá trị mảnh đất. 

Ông Chu Văn Hệ đề nghị, ở nông thôn, chỉ nên thu từ 10-20% tiền sử dụng đất là phù hợp: “Những hộ về sau là những hộ rất cần sổ đỏ. Trước đây, làm sổ từ những năm 92, 93, 94 thì dễ và những hộ có hiểu biết về luật người ta đã đi làm sổ đỏ rồi. Bây giờ còn tồn lại phần lớn là những hộ nghèo. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước giảm một phần thuế của sử dụng đất đi thì người dân chắc chắn sẽ mặn mà hơn với sổ đỏ”.

Kết quả khảo sát mới đây của Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam cho thấy, đất đai chậm được cấp sổ đỏ do nhiều nguyên nhân như: Mua bán từ nhiều giai đoạn chỉ có giấy viết tay không đáp ứng các yêu cầu của pháp luật hiện hành về hình thức mua bán. Tiếp đó phải kể đến những trường hợp “không phải lỗi của ai” khi nhiều diện tích đất của người dân đang sử dụng, nhưng được “quy hoạch” làm công trình công cộng hoặc dự án phát triển kinh tế - xã hội. Dù diện tích được quy hoạch kéo dài hết năm này sang năm khác vẫn chưa sử dụng (thường được gọi là quy hoạch treo), nhưng người dân vẫn không được cấp sổ đỏ, không được xây dựng, sửa chữa nâng cấp công trình. Ngoài ra, tình trạng cấp đất, mua bán chồng lấn, diện tích đo đạc các thời kỳ không chính xác cũng là nguyên nhân khiến việc cấp sổ đỏ kéo dài.

Theo ông Đàm Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật tỉnh Sơn La, hiện tỉnh này gặp nhiều khó khăn trong việc cấp sổ đỏ là do người dân chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa không có nhu cầu, vì họ không cần thế chấp để kinh doanh, mảnh đất mà họ đang sinh sống là do ông cha để lại từ nhiều đời nay không có tranh chấp... Trong khi đó, không ít trường hợp có nhu cầu cấp sổ đỏ, lại gặp vướng mắc: “Những trường hợp có nhu cầu cấp sổ đỏ thì lại gặp rất nhiều khó khăn vì vướng mắc do đất bị tranh chấp, đất không đủ diện tích, đất nằm trong vùng quy hoạch. Hiện nay tỉnh có công trình thủy điện Sơn La rất lớn, vướng mắc nhiều nhất ở chỗ, khi người dân di dời thì bị ngập, cấp mới, không đúng với diện tích. Có những diện tích khi đo đạc bị bỏ qua, điều này gây nên nhiều khó khăn, bức xúc cho người dân khi cấp sổ đỏ”.

Những nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc cấp sổ đỏ chậm chạp tại các địa phương là do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện chưa đáp ứng nhu cầu, người sử dụng đất phải bổ sung hồ sơ nhiều lần; cán bộ địa chính cấp xã ở các huyện miền núi còn thiếu, nhiều địa phương chưa huy động nhân lực để tập trung tổ chức kê khai, đăng ký mà còn chờ người dân đến nộp hồ sơ mới tiến hành đăng ký, giải quyết gây “ùn tắc”.

Một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng về phía người dân là do chưa có nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của “sổ đỏ” nên xảy ra tình trạng ở nhiều địa phương mặc dù đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, nhưng nhiều người không đến nhận vì phải nộp tiền sử dụng đất quá lớn so với thu nhập của họ. Mặt khác, các quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có quá nhiều yêu cầu cho một hồ sơ đăng ký đất; thiếu thống nhất, chồng chéo, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền và người dân đi xin cấp sổ đỏ.

Theo Tiến sĩ Tạ Thị Minh Lý- Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam, để tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước và người dân trong việc cấp sổ đỏ, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định theo hướng nhanh gọn, giảm bớt các thủ tục không cần thiết hiện nay. Đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, cần có các chính sách miễn, giảm lệ phí, thuế; chính sách hỗ trợ công tác đo đạc, kiểm đếm, xác định chính xác diện tích các loại đất giao cho người sử dụng.

Bà Tạ Thị Minh Lý nêu ý kiến: “Một là tổ chức thực hiện trong thời hạn nhưng nếu để chậm và lấy lý do là bị ùn tắc phải có những bộ phận để tiếp dân, giải thích và xử lý những ùn tắc. Đối với hạn mức nên có hạn mức chung theo khu vực. Còn hạn mức giao cho từng tỉnh mà cứ liên tục thay đổi sẽ gây bất ổn và người dân sẽ khiếu kiện nhiều, không yên tâm khi làm sổ đỏ. Về chính sách tài chính nên có mức thu phù hợp, nhất là đối với các hộ nghèo”.

Thực tế những năm qua cho thấy, cấp sổ đỏ là một trong những vấn đề người dân “ngại” nhất khi thủ tục còn khá rườm rà, nhiêu khê. Vì vậy, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật cũng như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để mỗi người dân thực hiện nghiêm túc quyền và nghĩa vụ của mình khi đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một cách thuận lợi nhất./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bí thư Thành ủy Hà Nội lên tiếng việc “làm sổ đỏ phải bôi trơn”
Bí thư Thành ủy Hà Nội lên tiếng việc “làm sổ đỏ phải bôi trơn”

Bí thư Thành ủy có bài viết về vấn đề trên với tiêu đề: “Sẵn sàng trực tiếp gặp cán bộ, nhân dân để tiếp nhận tố cáo vi phạm".

Bí thư Thành ủy Hà Nội lên tiếng việc “làm sổ đỏ phải bôi trơn”

Bí thư Thành ủy Hà Nội lên tiếng việc “làm sổ đỏ phải bôi trơn”

Bí thư Thành ủy có bài viết về vấn đề trên với tiêu đề: “Sẵn sàng trực tiếp gặp cán bộ, nhân dân để tiếp nhận tố cáo vi phạm".

Từ 1/1/2015, chậm làm sổ đỏ phạt đến 1 tỷ đồng
Từ 1/1/2015, chậm làm sổ đỏ phạt đến 1 tỷ đồng

Tăng mức lương tối thiểu vùng; mức đóng bảo hiểm y tế; chậm làm sổ đỏ phạt đến 1 tỷ đồng… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2015.

Từ 1/1/2015, chậm làm sổ đỏ phạt đến 1 tỷ đồng

Từ 1/1/2015, chậm làm sổ đỏ phạt đến 1 tỷ đồng

Tăng mức lương tối thiểu vùng; mức đóng bảo hiểm y tế; chậm làm sổ đỏ phạt đến 1 tỷ đồng… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2015.

Kỷ luật 3 cán bộ quận Nam Từ Liêm liên quan đến vụ “bôi trơn” sổ đỏ
Kỷ luật 3 cán bộ quận Nam Từ Liêm liên quan đến vụ “bôi trơn” sổ đỏ

Thông tin trên được ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch quận Nam Từ Liêm, cung cấp tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều 6/1.

Kỷ luật 3 cán bộ quận Nam Từ Liêm liên quan đến vụ “bôi trơn” sổ đỏ

Kỷ luật 3 cán bộ quận Nam Từ Liêm liên quan đến vụ “bôi trơn” sổ đỏ

Thông tin trên được ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch quận Nam Từ Liêm, cung cấp tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều 6/1.