Người Mông đầu tiên nuôi dê ở Ma Xí

Ông Vừa Sé Cơ là người đầu tiên nuôi dê ở Ma Xí, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, mở ra hướng thoát nghèo và làm giàu trên Cao nguyên đá.

Hà Giang là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, còn Đồng Văn lại là huyện khó nhất của Hà Giang. Gọi là cao nguyên đá vì ở đây chỉ toàn đá và đá. Diện tích đất có thể trồng cấy chỉ chiếm khoảng 30%, đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cực Bắc này vô cùng khó khăn, một bộ phận vẫn phải sống nhờ vào trợ cấp của Nhà nước. Thế nhưng, núi đá cũng luyện nên những con người sắt đá, biết vượt khó đi lên, quyết chí làm giàu cho bản thân và giúp đỡ cộng đồng.

Đời ông, đời cha của ông Vừ Sé Cơ đã đến khai phá và lập nên cái xóm Ma Xí B, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, của tỉnh Hà Giang này. Thời đó, kỹ thuật sản xuất không có, nên đất cuốc lên đá để gieo hạt lại bị trôi, chẳng trồng cấy được gì. Nhà thì làm bé tí tẹo, một nửa nhà phải chui vào đất, thức ăn chỉ có mèn mén thôi mà cũng không đủ.

Đến năm 1990, Nhà nước có chủ trương khuyến khích người dân vay tiền không lãi để phát triển sản xuất, ông Cơ quyết vay hơn 2 triệu đồng để mua máy xay xát, nuôi lợn, mong thoát cảnh bần hàn. Nhưng rồi, thức ăn cho lợn cũng khó có thể mọc được trên đất này, nên ông Cơ quyết định chuyển sang nuôi dê. Cái lý là dê chỉ phải chăn thả, cho uống nước và tiêm phòng, nên chi phí thấp, không tốn công chăm sóc, nhưng hiệu quả lại cao hơn nuôi lợn. Ông Cơ cũng chính là người Mông đầu tiên trong xã nuôi dê, để đến giờ con dê đã trở thành vật nuôi sống và làm giàu của cả vùng Cao nguyên đá Hà Giang.

Hiện nay gia đình ông Cơ có tới 49 con bò, 130 con dê, chưa kể mỗi năm  xuất chuồng một tấn thịt lợn. Nhờ chăn nuôi, ông đã xây được bốn cái nhà cho bốn người con trai. Hai trong số đó hiện vẫn đang theo học đại học ngành luật và quân sự.

Không chỉ biết làm giàu cho mình, ông Cơ còn giúp nhiều hộ trong xóm làm ăn, thoát nghèo. Đến giờ, ông không nhớ nổi số gia đình đã được ông cho gỗ dựng nhà. Chỉ biết rằng, hiện ông có 3ha đất canh tác nhưng một nửa trong số đó ông vẫn đang cho các hộ nghèo trong xóm mượn để trồng cấy.

Anh Vừa Mó Sính năm 33 tuổi là một trong những người được ông Cơ giúp. Bây giờ chưa khá nhưng cũng gia đình bốn miệng ăn cũng đã đạt mức trung bình so với người dân trong xóm. Bên hai đứa con trai, trong căn nhà gỗ chừng 30 m2, anh Vừa Mó Sính kể lại: Mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ hai, nên chỉ còn 2 anh em dựa vào nhau mà sống. Đến tuổi lập gia đình, theo phong tục người Mông muốn lấy vợ thì phải có lợn, có rượu. Chính lúc này, ông Cơ đứng ra cho lợn, rượu, và tiền để dựng vợ gả chồng cho cả hai anh em. Sau đó, ông lại cho bò, cho cả dê và lợn giống để nuôi. Vừa rồi ông lại cho thêm bãi nương tốt để trồng lúa. Đến bây giờ chưa khá nhưng cũng đã đạt được mức trung bình so với những người cùng xóm. Ôm hai đứa con nhỏ vào lòng, anh Sính nói: “Mình nghĩ ông Cơ còn tốt hơn bố mẹ mình ấy chứ!”.

Năm nay bước vào tuổi 52, ông Vừ Sé Cơ đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen vì đã có thành tích trong sản xuất, kinh doanh từ 2003 đến 2007; UBND xã Ma Lé tặng danh hiệu “gia đình hiếu học” và nhiều danh hiệu khác. Ông cũng là người có uy tín nhất trong xóm, vì ông còn giúp công an huyện truy bắt tội phạm truy nã, cùng bộ đội biên phòng đi tuyên truyền cho dân vùng biên, bảo vệ cột mốc biên giới.

Nhận xét về ông Cơ, Chủ tịch MTTQ huyện Đồng Văn cho biết, trường hợp ông Vừ Sé Cơ đã được huyện nhất trí bầu là điển hình tiên tiến sản xuất giỏi trong những năm qua. Ông nói: “Tới đây chúng tôi sẽ nhân rộng những điển hình như ông Cơ trên toàn huyện”.

Ấy vậy nhưng khi nói về mình thì ông Cơ chỉ cười mà nói: “Mình chưa phải giàu nhất đâu vì không có tiền, chỉ có bò, có dê, có lợn thôi”. Ông bảo, đồng bào các dân tộc ở vùng biên cương này có được ngày hôm nay cũng là được sự quan tâm Nhà nước nhiều lắm. Chương trình 134, 135 xoá nhà tạm… chương trình cho vay không lãi suất để phát triển sản xuất. Mới đây, Chính phủ lại tăng cường thêm Chương trình 30A đã và sẽ hỗ trợ thêm giúp bà con vùng Cao nguyên đá xoá nghèo nhanh và bền vững.

Chương trình nhiều là vậy, chăn nuôi chính là hướng thoát nghèo và làm giàu, nhưng với địa hình núi đá hiểm trở, đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt như ở Đồng Văn này thì ít ai có thể mong bứt lên làm giàu như ông Vừ Sé Cơ.

Ông Cơ ví dụ: “Nếu tôi muốn bán 10 con lợn thì phải mất một con cho chi phí vận chuyển, vì phải mang ra chợ mới được giá”. Câu chuyện về nước cũng là nỗi khát khao bao đời của ông và bà con xóm Ma Xí B này. Ông Cơ cho biết, Nhà nước xây cho xóm cái bể chứa, nhưng nước sinh hoạt cũng chỉ đủ cho bà con dùng trong dăm bẩy tháng, thời gian còn lại bà con vẫn phải leo núi hai, ba cây số để lấy nước về mới đủ dùng.

Trước khi chia tay, ông Cơ bảo: “Muốn dân ổn định làm ăn thì phải có nhiều nước chớ. Có nước mới làm được ruộng, mới nuôi được con dê, con bò chớ. Mình cũng mong cái đường liên thôn, liên xóm tốt thêm nữa. Có vậy đời sống đồng bào mình mới ổn định, mới giữ vững biên cương”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên