Nhiều hộ lao đao vì dịch đốm trắng ở tôm

Sau khi xuất hiện và gây thiệt hại hàng trăm ha tôm tại Cà Mau và Quảng Nam, dịch đốm trắng ở tôm lại tiếp tục bùng phát tại một số địa phương trên cả nước, làm người nuôi tôm thiệt hại hàng trăm triệu đồng.  

Tại huyện Cẩm Xuyên và thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, đến nay đã có trên 11ha tôm bị bệnh đốm trắng, làm thiệt hại khoảng 4,5- 7 triệu con tôm giống.

Tỉnh Long An có 1.250ha tôm sú bị chết do bệnh đốm trắng và sốc nhiệt, chiếm khoảng 50% diện tích nuôi thả.

Nguyên nhân ban đầu cho thấy, các hồ tôm bị dịch đốm trắng đều không tuân thủ theo lịch thời vụ, có hộ mới thả giống được hơn 15 ngày, có hộ gần đến thời kỳ thu hoạch. Tất cả các hộ có tôm bị bệnh khi mua giống đều không có giấy phép kiểm dịch và không tuân thủ các kỹ thuật chăm sóc bảo vệ môi trường ao nuôi.

Trước tình trạng dịch đốm trắng bùng phát, Chi cục Thú y Hà Tĩnh cấp 400 lít chlorine cho hai xã Cẩm Lộc và Cẩm Lĩnh để phun tiêu độc khử trùng các ao nuôi; khuyến cáo các hộ nuôi tôm đã có dịch không được xả nước trong ao bị bệnh ra ngoài mương nước chung của khu vực nuôi trồng thuỷ sản, dụng cụ phục vụ chăm sóc, nuôi tôm không được sử dụng chung tránh mầm bệnh lây lan.

Bà Đặng Thị Thu Hoàn, Trưởng phòng Thú y thủy sản, Chi cục Thú y Hà Tĩnh nhận định: “Trong thời gian tới, khả năng dịch bệnh có nguy cơ lây lan ra diện rộng. Chúng tôi đã dự trữ một lượng Clorine nhất định để kịp thời cung ứng hỗ trợ địa phương để xử lý dịch bệnh. Chi cục đã tham mưu cho ngành nông nghiệp tỉnh thành lập tổ công tác phòng chống dịch bệnh thuỷ sản, tăng cường kiểm tra giám sát và hướng dẫn bà con các biện pháp phòng chống.”

Theo các chuyên gia về thủy sản, một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến tình trạng lây lan dịch đốm trắng ở tôm là do thời tiết nắng nóng kéo dài làm các chỉ số sinh, hóa lý của môi trường nuôi tôm dao động bất thường, biên độ dao động thời tiết ngày và đêm cao, dẫn đến tôm bị sốc nhiệt và giảm sức đề kháng, khiến vi rút bệnh đốm trắng dễ dàng xâm nhập vào tôm và lây lan.

Trước thực trạng này, cơ quan chức năng các địa phương khuyến cáo nông dân ngừng thả con giống, tập trung làm vệ sinh đồng loạt ao đầm, nạo vét lại hệ thống kênh nội đồng, khơi thông dòng chảy cải tạo môi trường nước trong vùng nuôi tôm.

Ông Liêu Trung Ngươn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết: Sở đã điều tra, khảo sát tình hình, phân tích nguyên nhân để khuyến cáo nhân dân, chỉ đạo người dân căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa bàn, kết hợp với cơ quan chuyên ngành tư vấn các giải pháp về xử lý ao đầm, mua con giống, chọn thời điểm thích hợp dựa trên kết quả quan trắc môi trường nước được cơ quan chuyên ngành khuyến cáo.

Các ngành chức năng khuyến cáo, với tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt còn tiếp tục trong thời gian tới, độ mặn trong các ao đầm nuôi tăng lên, tình trạng xả nước thải không được xử lý ra môi trường xung quanh, chất lượng con giống chưa tốt…, người nuôi tôm sẽ tiếp tục phải gánh chịu thiệt hại nếu không tuân thủ các quy định về phòng bệnh cho tôm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên