Nhiêu khê chuyển tuyến bệnh viện

VOV.VN -Đối với những người muốn khám chữa bệnh đúng tuyến thì việc xin được giấy chuyển viện là điều không hề dễ dàng.

Lâu nay, mỗi khi phải đi khám chữa bệnh, người dân đều chọn cho mình một con đường nhanh nhất, đó là đến thẳng các bệnh viện tuyến cuối tại các thành phố lớn. Việc bỏ qua các cơ sở y tế tuyến dưới như: xã, huyện, tỉnh cũng đồng nghĩa với việc bỏ qua giấy chuyển tuyến và những quyền lợi từ bảo hiểm y tế mà người dân đáng được hưởng nếu có được tờ giấy chuyển tuyến này. Vì sao người dân lại quay lưng với việc chuyển tuyến?

Ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, trạm y tế xã là nơi duy nhất và gần nhất mà người dân có thể nhờ cậy mỗi khi bị bệnh. Tuy vậy, đã từ lâu, trạm y tế luôn vắng bóng người bệnh. Đơn giản vì không chỉ thiếu về số lượng mà tay nghề còn quá yếu của cán bộ y tế cơ sở khiến người dân không yên tâm.

(Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Ngọc Ân ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp kể: “Tuyến tỉnh còn đỡ chứ như bác sĩ trưởng trạm y tế xã thì có bệnh hơi khó khó một chút là chuyển đi, chứ không có làm gì được. Như tôi, sau khi phẫu thuật phải đặt ống dẫn lưu. Trên này, bác sĩ đã rút ra, dặn là hàng ngày ra trạm y tế để rửa và lấy ống ra. Tuy nhiên, bác sĩ trưởng trạm bảo là đi lên bệnh viện tỉnh”.

Chính vì vậy, mỗi khi có bệnh, người dân thà chịu mất công sức, thời gian và tiền bạc để xếp hàng chờ đợi trong những bệnh viện tuyến cuối để được khám và điều trị. Thế nhưng, đối với những người muốn khám chữa bệnh đúng tuyến thì việc xin được giấy chuyển viện là điều không hề dễ dàng.

Ông Trần Văn Hai, quê ở Đồng Tháp cho biết: “Ở quê chỉ có khám ban đầu ở trạm y tế nên có bệnh gì cũng phải vào đấy. Nhưng bảo chuyển viện thì không chịu chuyển dù là đau gần chết. Nhưng khi đã chuyển viện thì coi như là sức khỏe quá nguy kịch”.

Thông thường, người dân hoàn toàn không nắm rõ được trong trường hợp nào thì cơ sở y tế phải cho chuyển viện, trường hợp nào thì không. Chị Trần Thị Hồng, ở tỉnh Tiền Giang cho biết: “Những bệnh viện đâu phải lúc nào cũng cho mình chuyển viện đâu. Có những giấy tờ rắc rối lắm. Đâu phải ai cũng có trình độ để hiểu vấn đề đó đâu. Những người không hiểu thì không được cho chuyển viện. Rất khó để xin giấy chuyển viện”.

Thông tư 14 ban hành ngày 14/4/2014 của Bộ Y tế quy định bệnh nhân được xem là điều trị đúng tuyến khi có giấy chuyển tuyến ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh  tuyến thấp nhất (tức là ở trạm y tế phường xã). Theo thông tư này thì người bệnh muốn được Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh thì phải có giấy chuyển viện từ tuyến xã đến tuyến huyện rồi tỉnh và sau đó là tuyến cuối, tuyến trung ương. Quy định rườm rà này đã khiến người dân ngán ngại mỗi khi nghĩ đến chuyện xin cho được giấy chuyển tuyến.

Chị Bùi Thị Nga ở Bạc Liêu đưa con gái 3 tuổi khám bệnh tay - chân - miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Chị đi vượt tuyến, đi thẳng luôn. Lúc đầu đi bệnh viện tư nhưng thấy không khả quan nên đi thẳng lên đây chứ không đưa vào bệnh viện tỉnh. Con hết bệnh là chị mừng, không quan tâm tiền nhiều tiền ít gì hết. Bác sĩ cứu chữa là được rồi”.

Ngoài quy định chuyển tuyến chưa sát với thực tế thì hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh có xu hướng không chuyển bệnh nhân lên tuyến cuối ở các thành phố lớn. Nguyên nhân vì bệnh viện tỉnh và Bảo hiểm xã hội ở địa phương phải chi trả một chi phí lớn hơn nếu bệnh nhân được chuyển về tuyến cuối. Trong khi, lượng người mua bảo hiểm y tế ở tỉnh thì quá ít do đó sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm. Chính vì nguyên nhân “khó nói” này mà việc xin giấy chuyển tuyến càng thêm khó khăn.

Với việc Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 sẽ không thanh toán bảo hiểm cho bệnh nhân ngoại trú không có giấy chuyển viện, thì rõ ràng việc xin giấy chuyển viện trở nên vô cùng quan trọng với người dân. Bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nên giám sát chặt chẽ các trường hợp chuyển viện để tránh việc giữ bệnh ở y tế tuyến dưới gây thiệt thòi cho người dân: “Các tuyến y tế phải tuân thủ theo quy chế chuyển tuyến. Những bệnh ở tuyến cơ sở điều trị được thì phải chăm lo điều trị. Còn nếu không đủ khả năng điều trị thì phải chuyển người ta lên tuyến trên. Nếu tuyến dưới giữ bệnh thì sẽ ảnh hưởng quyền lợi người dân, thì cơ quan quản lý y tế phải giám sát để người dân không bị mất quyền lợi”.

Để tránh gây thiệt thòi cho người dân khi xin giấy chuyển viện, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 37 vào tháng 11/2014. Theo Thông tư này thì việc xin giấy chuyển tuyến đơn giản hơn. Có nghĩa là dù không cần giấy chuyển viện từ tuyến đầu tiên là trạm y tế mà chỉ có giấy chuyển viện từ một tuyến y tế nào đó chuyển lên tuyến trên thì vẫn được xem là chuyển đúng tuyến. Quy định này lại chồng chéo với quy định ở Thông tư 14 đã khiến người dân lẫn bệnh viện lúng túng không biết nên áp dụng theo thông tư nào. Trên thực tế, Bảo hiểm Xã hội các tỉnh vẫn thực hiện theo Thông tư 14, gây khó khăn cho người dân khi xin giấy chuyển tuyến.

Những quy định không sát thực tế, quy định chồng quy định và vô số những vấn đề khác đã khiến người dân ngán ngại mỗi khi nghĩ đến việc xin giấy chuyển viện. Riêng với những quy định mới về Bảo hiểm y tế thì người dân lại càng thêm mất quyền lợi, chỉ vì không có tờ giấy chuyển tuyến./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ trưởng Y tế: Bệnh nhân chen chúc sẽ dần vào dĩ vãng
Bộ trưởng Y tế: Bệnh nhân chen chúc sẽ dần vào dĩ vãng

VOV.VN - Sau 2 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện, số giường bệnh tại các tuyến đã tăng 17,5%

Bộ trưởng Y tế: Bệnh nhân chen chúc sẽ dần vào dĩ vãng

Bộ trưởng Y tế: Bệnh nhân chen chúc sẽ dần vào dĩ vãng

VOV.VN - Sau 2 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện, số giường bệnh tại các tuyến đã tăng 17,5%

Ngành y tế cần khắc phục việc gây quá tải bệnh viện
Ngành y tế cần khắc phục việc gây quá tải bệnh viện

VOV.VN -Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Y tế rà soát những nguyên nhân (ngoài nguyên nhân thiếu tiền đầu tư) dẫn tới tình trạng quá tải trong các bệnh viện  

Ngành y tế cần khắc phục việc gây quá tải bệnh viện

Ngành y tế cần khắc phục việc gây quá tải bệnh viện

VOV.VN -Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Y tế rà soát những nguyên nhân (ngoài nguyên nhân thiếu tiền đầu tư) dẫn tới tình trạng quá tải trong các bệnh viện  

Vụ xác nạn nhân thiếu... quả tim: Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang nói gì?
Vụ xác nạn nhân thiếu... quả tim: Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang nói gì?

VOV.VN -Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang cho biết, việc làm này hoàn toàn đúng pháp luật và quy định của Bộ Y tế. 

Vụ xác nạn nhân thiếu... quả tim: Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang nói gì?

Vụ xác nạn nhân thiếu... quả tim: Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang nói gì?

VOV.VN -Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang cho biết, việc làm này hoàn toàn đúng pháp luật và quy định của Bộ Y tế.