Những bất cập trong cơ chế tự chủ tài chính đại học

(VOV) - Cơ chế tạo ra cho các trường tự chủ về chi, mà chưa cho các đơn vị tự chủ về nguồn thu.

Thời gian qua, cơ chế quản lý tài chính đối với giáo dục đại học luôn được đổi mới để phù hợp với yêu cầu phát triển. Sau 4 năm thực hiện thí điểm tự chủ tài chính ở một số trường đại học cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những bất cập cần tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn.

Là một trong những trường được chọn thí điểm tự chủ tài chính từ năm 2008, bà Phan Thị Bích Nguyệt, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tự chủ tài chính đã giúp trường chủ động hơn trong việc đổi mới và mở rộng hoạt động đào tạo như liên kết đào tạo theo nhu cầu xã hội, thực hiện thí điểm chương trình chất lượng cao và các hoạt động dịch vụ khác nên làm cho nguồn thu tăng đáng kể, khoảng 20% mỗi năm.

Các đơn vị đã chủ động cân đối tài chính cho hoạt động, chi tiêu tiết kiệm, tăng cường đầu tư cho cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những bất cập vì mới tạo ra cho các trường tự chủ về chi mà chưa tạo ra cho các đơn vị tự chủ về nguồn thu.

Đại diện một số trường thực hiện thí điểm tự chủ tài chính cũng cho rằng, do cơ chế tự chủ vẫn còn “đóng” nên các trường chưa phát huy được hết tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động. Các chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm vẫn bị phân bổ một cách cơ học; chương trình dạy vẫn bị quản lý trên khung định sẵn, giảm tính cạnh tranh cũng như chất lượng dạy và học.

Do bị khống chế về trần học phí nên để có thêm nguồn thu, các cơ sở giáo dục đại học công lập buộc phải tăng số lượng và quy mô học sinh đào tạo không chính quy, liên kết nhưng việc mở rộng này không tương xứng với năng lực đào tạo của nhà trường.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, hiện nay cơ chế tài chính đối với các trường đại học đều thấp, không đủ bù đắp chi thường xuyên. Mức học phí được điều chỉnh theo lộ trình tăng dần từ 20% đến 25% mỗi năm, nhưng đến năm 2015 mức thu học phí cũng chỉ đáp ứng được khoảng 40% - 50% chi phí đào tạo.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết: “Theo định hướng đổi mới, chi phí cho giáo dục đại học phải tính đủ chi phí đào tạo. Muốn có chất lượng thì phải có nguồn thu để bù đắp. Với học sinh không thuộc diện ưu tiên, muốn được hưởng chất lượng dịch vụ tốt thì sẽ bỏ ra số tiền lớn hơn trước đây. Còn những người nghèo, gia đình chính sách thì Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho sinh viên có điều kiện để học”.

Bên cạnh đó, việc phân bổ nguồn lực từ ngân sách Nhà nước hiện nay chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào, còn mang tính bình quân, không khuyến khích tính năng động, tích cực và không tạo động lực cạnh tranh cho các trường đại học…

Vì thế cần thay đổi phương thức phân bổ ngân sách cho các trường đại học theo thông số đầu vào như hiện nay sang kết quả đầu ra, gắn với chỉ tiêu chất lượng và hiệu quả, thì các trường sẽ phải tự thu hút sinh viên thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Từ đó, sẽ làm thay đổi một cách cơ bản về quản trị giáo dục đại học, các trường sẽ phải gắn kết giữa chất lượng đào tạo với việc thu hút học sinh và nguồn thu của nhà trường.

Ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết: “Sắp tới phải cơ cấu lại phân bổ ngân sách đầu tư theo hướng, những nghề nào xã hội có nhu cầu, người học theo nhiều, có thể xã hội hóa được thì Nhà nước sẽ giảm chi phí”.

Đổi mới cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học theo hướng tăng cường tự chủ cho các trường là xu hướng tất yếu của giáo dục hiện đại. Vì thế, cần xây dựng được một cơ chế tài chính phù hợp nhằm mục tiêu xây dựng một nền giáo dục hiện đại, chất lượng, hiệu quả và công bằng phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cần giãn thời gian điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục…
Cần giãn thời gian điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục…

(VOV) - Đây là một trong nhiều đề nghị của Cục quản lý Giá (Bộ Tài chính) nhằm bình ổn giá những tháng cuối năm 2012.

Cần giãn thời gian điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục…

Cần giãn thời gian điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục…

(VOV) - Đây là một trong nhiều đề nghị của Cục quản lý Giá (Bộ Tài chính) nhằm bình ổn giá những tháng cuối năm 2012.

Người thầy- Nhân tố quan trọng của sự nghiệp giáo dục
Người thầy- Nhân tố quan trọng của sự nghiệp giáo dục

(VOV) -Đây là chủ đề buổi tọa đàm tổ chức sáng 8/11 tại TP HCM.

Người thầy- Nhân tố quan trọng của sự nghiệp giáo dục

Người thầy- Nhân tố quan trọng của sự nghiệp giáo dục

(VOV) -Đây là chủ đề buổi tọa đàm tổ chức sáng 8/11 tại TP HCM.