Những đốm lửa mùa đông Hà Nội

Cái rét tái tê của mùa đông làm người ta thấy Hà Nội thật hơn với dáng vẻ của những con người cần lao đốt lửa sưởi dưới đường...

Trong cái rét 9 độ C, nhiều đống lửa được đốt lên trên phố bởi những người bán hàng rong, xe ôm ở Hà Nội. Đốm lửa nhỏ giúp họ giữ ấm thân mình khi chờ khách, đốm lửa nhỏ mang lại chút hồng hào tạm bợ cho khuôn mặt xạm đen vì sương gió. Đó là một khuôn mặt khác của Hà Nội những ngày đầu năm 2011. Một khuôn mặt dường như không ăn nhập vào đâu với góc phố nơi họ dừng chân.

 Những góc phố Hà Nội đang bập bùng ngọn lửa của giới cần lao có giá trị rất cao, mỗi mét vuông được thị trường định giá từ 200 đến 300 triệu đồng, và một ngôi nhà nhỏ cũng trở thành tài sản của triệu phú đô la. Phía sau những khuôn mặt đang cố gắng hồng lên nhờ ánh lửa là ánh đèn rực rỡ của các cửa hiệu thời trang cao cấp, của những gian hàng bày bán những thứ đồ xa xỉ mà trong năm 2010 vừa qua, người Việt đã bỏ ra tới 10 tỷ USD để nhập về.

9 độ C, cái rét tái tê dường như khiến Hà Nội trở nên quyến rũ với những hàng cây se sắt tạo dáng u hoài trầm mặc bên phố cũ. Nhưng cái rét tái tê của mùa đông cũng làm người ta thấy Hà Nội thật hơn với dáng vẻ những con người cần lao đốt lửa sưởi dưới đường.

Ngày đông có những đốm lửa hồng khiến chúng ta nhớ rằng có những câu chuyện thời sự đáng quan tâm hơn rất nhiều so với cái đồng hồ hoa trị giá 20.000 đô la vừa tắt thở. Đó là người nghèo đô thị, là sự chênh lệch về mức sống của những con người cùng thành phố. 

Người nghèo ở Hà Nội không phải là cá thể, bởi những đốm lửa hồng kia không chỉ xuất hiện ở một vài góc phố. Những con đường dài hun hút gió, bất cứ góc khuất nào cũng có những đốm lửa, mấy anh xe ôm ở vỉa hè đường Giải phóng, chị bán mũ bên đường Láng, những người bán hoa tươi trên đường Hồ Tùng Mậu, những người lao động tự do chân dốc Bưởi, họ sưởi ấm thân phận mình bằng cỏ rác bỏ đi. Chỉ trong cái rét tái tê như thế này, chỉ dưới những ánh lửa thì người ta mới dễ nhận ra một phần của Hà Nội dưới dáng vẻ co ro đến thế. 

Khoảng cách giàu nghèo là điều tất yếu phải nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế. Song, vẫn thật khó để quen khi khoảng cách này bỗng dưng quá lớn. Thật khó quen khi sự chênh lệch đó không phải lỗi ở những người nghèo mà ở chính sự quyết tâm kéo gần khoảng cách giàu nghèo còn quá thiếu. Chương trình nhà ở cho người có thu nhập thấp thực hiện đã lâu không hiệu quả vì sao? Vì chúng ta quá băn khoăn đến việc làm thế nào thu hút được các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này, tức là quá băn khoăn đến vấn đề của người giàu. Đó chỉ là một trong số rất nhiều điều mâu thuẫn trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của chúng ta, những chính sách được hình thành mà không có tiếng nói của chính những người nghèo. Sự tham gia của người nghèo vào các chương trình phát triển chưa hề được chế định, và thậm chí rất ít người nghèo biết đến các chương trình, chính sách ấy, kể cả khi nó đã được ban hành. 

Khi tiếng nói của người nghèo không tác động được tới những chương trình, chính sách dành cho chính họ, những chính sách ấy sẽ trở nên méo mó, và khó lòng tiếp cận với thực tiễn. Và khi đó, người nghèo chỉ có thể tìm những cơ hội nhỏ nhoi để tồn tại và thoát nghèo, đó là hy vọng sẽ có những đứa con ngoan, học giỏi để đổi đời. Niềm hi vọng ấy cũng nhỏ bé vô cùng, nhỏ bé như những đốm lửa hồng mùa đông nơi góc phố./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên