Những người đi về phía biển

(VOV) - Những công nhân mặc áo lính ngày đêm đối mặt với sóng gió biển khơi, xây nên những công trình giữa trùng khơi.

Chưa đầy 10 năm, Công ty xây lắp Thành An 96 thuộc Binh đoàn 11 đã để lại dấu ấn sâu đậm trên nhiều công trình xây dựng ở mọi miền đất nước. Đặc biệt là những công trình thuộc chương trình Biển đông hải đảo. Giữa thời bình nhưng những công nhân mặc áo lính của Công ty Thành An 96 ngày đêm đối mặt với sóng gió biển khơi, xây dựng những công trình phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng ở những vùng biển đảo của Tổ quốc. Mỗi bước chân các anh đi qua, đất nước như rộng hơn, vững chãi hơn bằng những công trình sáng tạo, thể hiện lòng dũng cảm và đức hy sinh của người lính. Các anh đang viết tiếp những bản hùng ca trên mặt trận mới. Ghi chép của Nguyễn Vân Thiêng

13h chiều từ cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, xuống thuyền ra Cô Tô. Tàu cao tốc lướt êm giữa hàng chục đảo đá lung linh trên vịnh Bái Tử Long. Cảm giác thật hồi hộp khi con tàu đang chạy êm đột nhiên tròng trành, chồm lên sau từng đợt sóng dồn dập. Tàu đã tới cửa Đối. Bóng đảo thưa dần, biển mênh mông khoáng đạt trước mắt. Có gió, sóng cũng mạnh hơn. Tuy nhiên cảm giác ấy không lâu, một dãy núi nhấp nhô đã hiện ra phía trước giữa ngăn ngắt một màu xanh của biển. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng bảo: tới Cô Tô rồi đó. Tôi nhìn phía tay phải mạn tàu, một con đê hình vòng cung vươn ra biển, ôm lấy vùng nước mênh mông áp sát cầu cảng Cô Tô.  Xa xa, nhà cửa, trụ sở cơ quan trên đảo mỗi lúc một rõ dần.     

Lãnh đạo Binh đoàn 11 kiểm tra Công trình thi công đê chắn sóng Cô Cô.

Sau 3 năm khẩn trương thi công trong điều kiện hết sức khắc nghiệt của thiên nhiên, bão gió, con đê chắn sóng dài 900m được xây dựng bằng đá hộc cùng các cấu kiện bê tông như một cánh tay khổng lồ đang ngạo nghễ vươn dài ra biển, che chắn cho vũng neo đậu kết hợp làm nơi tránh trú bão cho tàu thuyền khai thác hải sản khu vực vịnh Bắc Bộ. Để có được kết quả này là cả một sự nỗ lực không ngừng của hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân Công ty xây lắp Thành An 96 suốt 3 năm qua. Nhiều năm gắn bó với các công trình xây dựng trên biển, anh Nguyễn Khắc Xuyên, Giám đốc chi nhánh Công ty tại Quảng Ninh, trực tiếp phụ trách thi công đê chắn sóng chia sẻ: “Thi công trên biển, phải linh hoạt theo chế độ thủy văn. Những phần ngập nước như chân đê, phải tranh thủ lúc triều rút cạn, có khi 12 giờ đêm cũng phải xuống đá ngay, chậm chân là phải chờ đến hôm sau. Giữa biển, mất một ngày là tiếc một ngày, bão gió không biết đến bất cứ lúc nào mà. Vất vả là vậy, nhưng làm riết rồi cũng quen”.

Công trình đê chắn sóng là hạng mục lớn nhất trong toàn bộ Dự án Vũng neo đậu tàu thuyền kết hợp Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ. Mùa mưa bão, đây là nơi trú tránh an toàn cho khoảng 2000 tàu thuyền khai thác hải sản trên vịnh Bắc Bộ, giúp ngư dân yên tâm bám biển dài  ngày. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, các công trình của Khu dịch vụ hậu cần nghề cá tiếp tục được xây dựng, nay mai khu dịch vụ hậu cầy này sẽ cung cấp dầu máy, nước đá, nước ngọt, ngư cụ cho ngư dân. Ông Mai Tuấn Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô lạc quan: “ Huyện tôi có hơn 500 phương tiện đánh bắt hải sản. Việc xây dựng Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc bộ sẽ mở ra cơ hội để Cô Tô phát triển mạnh nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản, du lịch”.

Đê chắn sóng Cô Tô- Một trong những công trình do Công ty 96 thi công.

Công trình đê chắn sóng Cô Tô chỉ là một trong rất nhiều công trình mà Công ty xây lắp Thành An 96 đã thi công trong những năm gần đây. Quá trình xây dựng và phát triển của Công ty là một chặng đường đầy gian nan, thử thách và phấn đấu liên tục của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên và người lao động trong đơn vị. Từ một xưởng mộc của quân đội, Công ty đã vươn lên thành một doanh nghiệp mạnh của Tổng Công ty Thành An, hoạt động khắp các tỉnh thành miền Trung và cả nước, sang cả nước bạn Lào, đảm nhận thi công nhiều công trình giá trị lớn, kỹ thuật phức tạp, trong điều kiện thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là những công trình thuộc Chương trình Biển đông hải đảo. Hầu hết công trình hạ tầng tại các đảo ven biển từ bắc chí nam đều có bàn tay của những người thợ Thành An xây dựng. Từ công trình Cảng cá, Kè chống sạt lở xã đảo An Vĩnh huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Cầu cảng và các công trình hạ tầng trên huyện đảo Cồn Cỏ, đê chắn sóng Cửa Tùng - tỉnh Quảng Trị, cầu cảng Cù Lao Chàm - tỉnh Quảng Nam, cảng cá Đề Gi – Bình Định, các công trình kinh tế kết hợp quốc phòng của Vùng 3, Vùng 4 hải quân, Vùng 2 Cảnh sát biển, các gói thầu đường tuần tra Biên giới thuộc dự án 47 của Bộ Quốc phòng, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, các công trình hạ tầng biển đảo tại Phú Quý, Phú Quốc, Bệnh viện Tôn Phơng (tỉnh Pò Kẹo – Lào); Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các công trình thủy điện Hương Điền, A Vương... và mới đây  là Công trình đê chắn sóng kết hợp xây dựng Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh bắc Bộ tại huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

Hoạt động chủ yếu tại miền Trung, mảnh đất “sáng chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa”, thời tiết diễn biến phức tạp, người lính Công ty Thành An 96 biết chấp nhận những gian nan phải đối mặt để hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình. Không đơn thuần là hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm với đất nước, với xã hội. Ở đâu có các anh, ở đó biển đảo như vững vàng hơn giữa muôn trùng sóng gió. Những con đê chắn sóng ở Cửa Tùng, Cô Tô; những bờ kè giữ đảo, cảng cá...ở Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý...đã trở thành điểm tựa vững chắc để những con tàu của ngư dân Việt Nam tự tin cưỡi sóng vươn khơi, mang về những khoang thuyền lấp lánh muôn vàn ánh bạc. Cuộc sống của hàng triệu con người, tương lai, vị thế của đất nước cậy trông vào những cánh tay rắn rỏi, những tiếng cười át cả sóng gió biển khơi của ngư dân. Đất nước ngày càng rộng dài hơn theo bước chân những người đi về phía biển. Ông Võ Xuân Huyện- Bí thư huyện ủy Lý Sơn, Quảng Ngãi nói về những người lính của Công ty Thành An 96 thế này:“ Chỉ có những người lính như các anh mới chịu đựng được sự khắc nghiệt của thời tiết ở huyện đảo để đảm bảo những công trình được thi công đúng tiến độ, đạt chất lượng, vững vàng trước sóng gió biển khơi. Nhờ công trình kè do các anh xây dựng mà Lý Sơn đã hạn chế được đáng kể tình trạng xâm thực của biển cả”. 

Bờ kè giữ đảo ở Cồn Cỏ

Có theo chân các anh đến nhiều công trình xây dựng trên biển, đảo từ bắc chí nam, từng say mềm với những con sóng trong mùa biển động mới hiểu hết nỗi vất vả gian truân mà người thợ xây dựng trên biển phải nếm trải. Đó là những mùa hè rát bỏng da người trong cái nắng như thủy tinh của miền Trung; đó là những cơn gió Lào khô khốc sau khi đã đi qua đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ; đó là  những ngày rét buốt thịt da với gió mùa đông bắc trên biển Cô Tô; những cơn bão biển ạt ào, những con sóng quăng quật như thú dữ trong mùa giông bão....mà người lính Thành An 96 phải vượt qua, để từng viên đá, từng khối cát từ trong bờ vượt bao sóng gió ra khơi, xây nên những công trình cho biển đảo Tổ quốc ngày càng vững vàng trong bão táp phong ba. Chắt chiu gầy dựng, các anh đã mang về những thành quả thật đáng tự hào. Tăng trưởng bình quân 30% mỗi năm, doanh thu tăng từ 45 tỉ đồng lên trên 700 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người trên 5 triệu đồng/tháng. Cuộc sống của người lao động trong công ty nhờ đó mà ngày một khấm khá hơn.   

Trong chiến tranh, mỗi nơi các anh đi qua, một túp lều tranh cũng trở thành kỷ niệm của thời trai trẻ sống giữa lòng dân. Giờ hòa bình, theo mỗi công trình xây dựng, các anh có dịp được tri ân những hy sinh mất mát, sự chở che đùm bọc mà người dân miền Trung đã dành cho ngày nào. Mỗi năm, Công ty đóng góp hàng trăm triệu đồng cho chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội và chính sách hậu phương quân đội ở các tỉnh miền Trung; tặng gần 20 ngôi nhà tình nghĩa cho đình liệt sĩ, thương binh nặng, cựu chiến binh ở Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, cứu trợ cho học sinh và đồng bào miền núi Quảng Nam…

Theo Đại tá Võ Cửu Long, Giám đốc Công ty Thành An 96, làm ăn trong môi trường cạnh tranh hết sức khốc liệt, nên trong kinh doanh, cần sự tỉnh táo, cạnh tranh bình đẳng để đôi bên cùng có lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích: “với nhà nước: phải nộp thuế đầy đủ; với doanh nghiệp: phải ổn định để phát triển; với người lao động: phải đảm bảo thu nhập nâng cao đời sống, với các cổ đông: phải làm sao để cổ tức hàng năm phải đạt 20% mỗi năm”. Năm qua, bất chấp khó khăn của nền kinh tế, doanh thu của Thành An 96 vẫn tăng trưởng trên 20%, chính thức gia nhập Câu lạc bộ doanh nghiệp 1.000 tỷ đồng. Có lẽ vì vậy mà khi hỏi về thành tích của doanh nghiệp, anh chỉ nói về những cộng sự của mình như Nguyễn Ngọc Huệ, Trần Văn Thìn, Nguyễn Khắc Xuyên, Hoàng Văn Khương ...với một tình cảm ấm nồng tinh thần đồng đội. Họ đã và sẽ còn nắm chặt tay nhau trên con đường chinh phục những công trình mới.

Mùa xuân này, các anh lại khởi công xây dựng kè chống xói lở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), tiếp tục thi công các công trình hạ tầng tại huyện đảo Lý Sơn(Quảng Ngãi). Trước mắt các anh, biển đảo thiêng liêng đang chờ sức trai  chinh phục. Các anh sẽ còn hướng biển mà đi, còn vất vả nhiều nơi đầu sóng ngọn gió để những công trình giữ biển ngày càng vươn xa những cánh tay Phù Đổng giữ vững biển trời Tổ quốc. /.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đề nghị 150 tỷ đồng xây đê biển trên đảo Lý Sơn
Đề nghị 150 tỷ đồng xây đê biển trên đảo Lý Sơn

Việc xây dựng các tuyến đê biển trên huyện đảo Lý Sơn là rất cần thiết và cấp bách, nhằm kết nối hệ thống đê biển xung quanh đảo, chống sạt lở…  

Đề nghị 150 tỷ đồng xây đê biển trên đảo Lý Sơn

Đề nghị 150 tỷ đồng xây đê biển trên đảo Lý Sơn

Việc xây dựng các tuyến đê biển trên huyện đảo Lý Sơn là rất cần thiết và cấp bách, nhằm kết nối hệ thống đê biển xung quanh đảo, chống sạt lở…  

Hơn 600 tỷ đồng xây dựng đê biển huyện đảo Lý Sơn
Hơn 600 tỷ đồng xây dựng đê biển huyện đảo Lý Sơn

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các tuyến đê chống sạt lở bờ biển tại huyện đảo Lý Sơn.

Hơn 600 tỷ đồng xây dựng đê biển huyện đảo Lý Sơn

Hơn 600 tỷ đồng xây dựng đê biển huyện đảo Lý Sơn

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các tuyến đê chống sạt lở bờ biển tại huyện đảo Lý Sơn.

Gần 1.000 tỷ đồng xây dựng tuyến đê biển Đông - Cà Mau
Gần 1.000 tỷ đồng xây dựng tuyến đê biển Đông - Cà Mau

Nguồn vốn thực hiện dự án này từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo chương trình mục tiêu, vốn vay ODA và một số nguồn vay

Gần 1.000 tỷ đồng xây dựng tuyến đê biển Đông - Cà Mau

Gần 1.000 tỷ đồng xây dựng tuyến đê biển Đông - Cà Mau

Nguồn vốn thực hiện dự án này từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo chương trình mục tiêu, vốn vay ODA và một số nguồn vay