Những người thầy của tôi ở VOV

VOV.VN - Giờ thì chú Thắng không còn vỗ vai tôi nữa, chú Hùng cũng thế, bác Quyết
thì ẩn cư lâu lắm rồi. Những bác tài già, những người thầy của tôi.

Gần 20 làm nhà báo "qua loa", tôi có duyên học được rất nhiều điều từ những bác tài già của VOV. Họ dạy tôi từ những kỹ năng sống, đến kỹ năng tác nghiệp. Họ cũng đã hỗ trợ tôi một cách tuyệt vời khi bị cản trở. Họ là những người thầy của tôi.

Tháng 11/1996. Chuyến công tác đầu tiên của tôi khi về VOV, thầy Đình Lương, sếp trực tiếp của tôi cử đi Thanh Hóa viết về giáo dục. Lần đầu tiên được đi viết bài bằng xe công, hồi hộp lắm! Đội xe hôm đó cạn xe trực, chỉ còn xe của Tổng Giám đốc Phan Quang ở nhà, không hiểu thế nào mà thầy Đình Lương điều tạm được. Lên xe rón rén lắm! Lính mới tò te, lại ngồi xe sếp Tổng.

Bác tài VOV Phạm Đức Thuận (ngoài cùng bên trái) trong chuyến công tác cùng phóng viên Ban Thời sự tại Hà Giang năm 1998

Thế nhưng, chỉ sau ít phút, sự cởi mở của chú Hùng lái xe đã giúp tôi tự tin trở lại. Đến địa danh nào, một cây cầu, một khúc cua, chú đều hỏi: "Có biết ở đây có điều gì đặc biệt không?". Chú kể, tận tường mọi câu chuyện chú nhặt nhạnh từ những chuyến đi. Những câu chuyện của chú Hùng khi đó, với tôi chỉ là sự thích thú cho đường xa gần lại.

Song, sau này, khi đã có cùng nhau nhiều chuyến đi hơn, tôi biết mình đã ngấm nỗi đam mê của sự xê dịch và khám phá từ người đàn ông có giọng kể thì thầm như thực như mơ ấy.

Nhưng, chú Hùng không chỉ gây ấn tượng với tôi qua những câu chuyện dọc đường. Chú là một chuẩn mực về sự chu đáo. Bài học đầu tiên của tôi về nghiệp vụ phát thanh đã được học từ chú, về việc phỏng vấn ngoài hiện trường mà tránh được tạp âm. Hóa ra, chú đã luôn quan sát và ghi nhớ những kinh nghiệm của mọi phóng viên để sẵn sàng hỗ trợ các lính mới như tôi. Chú bảo: không phải vì chúng mày, mà vì uy tín Đài Quốc gia.

Mỗi bác tài già ở VOV mỗi phong cách khác nhau. Trái với sự chu đáo, cẩn trọng của chú Hùng là bác tài Quyết ngang tàng và hào hoa. Khi tôi quen bác thì bác đã già, sắp hưu. Vậy nhưng, tiếp xúc với bác, người ta thấy tuổi trẻ không bao giờ mất đi khi trong lòng luôn có bầu nhiệt huyết.

“Làm báo, bắt tin là ưu tiên số một!” - bác luôn nói thế mỗi khi thấy lũ phóng viên chúng tôi rón rén điều xe ngoài kế hoạch, hoặc không kịp xin lệnh. Là đội phó đội xe, nhưng khi cần điều xe khẩn cấp, bác tự mình lái để "tránh phiền bọn trẻ, vướng bận gia đình".

Có lần, để kịp dự một phiên tòa ở Quỳ Hợp, Nghệ An lúc 8h sáng, bác đã lên đường cùng chúng tôi lúc nửa đêm. Đeo kính lão, kéo vô lăng vào sát người, bác lái một mạch hơn 300 cây số "cho chúng mày kịp nghỉ ngơi, ăn sáng, cafe đàng hoàng con người".

Đi với bác Quyết rất thi vị. Bác sẵn sàng đạp phanh mỗi khi cơn đa cảm của tôi bất chợt xuất hiện. Ngắm trăng trên cầu Giát, gạt mưa uống rượu bến Âu Lâu... những lúc ấy bác đọc thơ Đường, hàm râu bạc vểnh ngược lên trời như chân dung Lý Bạch. Cuốn sách bác mang theo là “Đường thi tam bách thủ”. "Phóng viên chúng mày cần phải biết lái xe để làm chủ hành trình". 15 năm trước, bác dạy tôi lái xe khi chiếc ô tô là mơ ước xa vời.

Chú Thắng cũng là người cùng tôi trải qua những kỷ niệm khó quên. Chú là người ít nói, không hay bộc lộ cảm xúc, nhưng vô cùng chân thành. Bởi thế, chú cũng là người đi cùng tôi những chuyến đi cam go nhất. Những chuyến đi mà chúng tôi luôn xác định sẽ phải đương đầu với những kẻ manh động và liều lĩnh…

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là trong chuyến đi viết loạt bài "Địa chủ mới ở Thạch Thành, Thanh Hóa." Cuối những năm 1990, nông trường Thạch Thành nằm trong lõi rừng. Lãnh đạo Lâm trường tác oai tác quái, phát canh thu tô đẩy công nhân trở thành các tá điền cùng khổ.

Để tiếp cận nhân chứng rất khó khăn. Đường độc đạo, mọi biểu hiện bất thường, sự xuất hiện của người lạ đều bị phát giác. Tôi buộc phải giả làm người đi tìm đất để trồng cây thuốc, vào làm việc với lãnh đạo lâm trường, rồi nhờ đưa đi gặp gỡ tìm hiểu dấu vết những loài thuốc quý bản địa để gặp được nhân chứng. Khó khăn là xe biển xanh sẽ bị nghi ngờ.

Nhưng chú Thắng đã chủ động đề xuất lắp biển giả. Việc này có nguy cơ chú sẽ bị kỷ luật nặng. Song, chú bảo "chúng mày mạo hiểm cả tính mạng cơ mà. Vì dân thôi!".

Đến ngày cuối cùng chúng tôi được người dân cho biết là đám lãnh đạo lâm trường đã phát giác được sự giả danh. Một ổ phục kích đã được lập ở cửa rừng. Chú Thắng bảo: “Dù thế nhưng chúng có mặc cảm bị săn đuổi hơn mình. Nếu mình tự tin và quyết đoán thì sẽ thoát”.

Chúng tôi từ tốn lái xe ra cửa rừng, cửa kính hạ xuống, thò đầu ra, chủ động dừng xe, đưa tay vẫy khi gặp chốt phục kích. Khi một gã thanh niên lại gần, chú Thắng xuống xe, bảo: Có kích không, xe sắp gẫy trục. - Gã thanh niên nở nụ cười kín đáo, hỏi: Không đi được à? Chú Thắng bảo: Nếu đi cố thì hỏng hẳn, giúp bọn mình, giá nào cũng được. - Gã thanh niên bảo "chờ tý" rồi vẫy lũ đồng bọn sau lùm cây với gậy gộc ra hội ý. Quan sát thấy cái dây giữ barie tạm đã được buông lỏng, và cây tre vừa bổng lên, chú Thắng vào xe, đạp lút ga vọt đi trong bụi đỏ thoát nạn.

Giờ thì chú Thắng không còn vỗ vai tôi nữa, chú Hùng cũng thế, bác Quyết thì ẩn cư lâu lắm rồi. Những bác tài già, những người thầy của tôi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên