Nồng thắm nghĩa tình quân dân

“Bà con dân bản biết ơn các chiến sĩ biên phòng lắm”. Đó là những lời nói xuất phát từ tận đáy lòng những già làng, trưởng bản đối với những chiến sĩ mang quân hàm xanh đang ngày đêm gắn bó máu thịt, sát cánh cùng họ bảo vệ biên cương.

Những lời tâm sự mộc mạc đầy chân tình tại cuộc gặp mặt những tấm gương tiêu biểu nhân kỷ niệm 20 năm ngày “Biên phòng toàn dân” và 50 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 – 3/3/3/2009) giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về tình quân dân gắn bó như cá với nước ở nơi phên dậu của Tổ quốc.                                     

Già làng Điểu Gay (dân tộc M’nông, tỉnh Đắk Nông): “Nhờ Đảng, Nhà nước và bộ đội biên phòng, chúng tôi có của ăn, của để”

Xã Đắk Bút So của già Già làng Điểu Gay (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) có 2 bon: bon Bu Bong và bon N'Rung tập trung chủ yếu là người dân tộc M'Nông, Đây là hai bon được thành lập từ năm 1990 khi mới hình thành điểm kinh tế mới Đắk Rung.

Ông Điểu Gay đang say sưa nói về cuộc sống đổi thay trên quê hương mình
Ngày đầu về vùng đất mới này bà con trong bon còn nghèo đói và lạc hậu lắm. Dân không biết chữ, đau ốm chỉ biết đến thầy cúng chứ không biết đến viên thuốc. Một số bà con nghe lời kẻ xấu dụ dỗ, mua chuộc, vượt biên sang Campuchia mơ tưởng cuộc sống sung sướng giầu sang. Chỉ có ít người được kẻ xấu đưa sang Mỹ, còn lại đều phải ở trong trại tị nạn, sống cuộc sống khổ cực, đói rét, bệnh tật, nhiều người bị đánh đập hành hạ. 

Phát huy vai trò và uy tín của già làng đối với bà con trong bon, Đảng uỷ, Chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng Đồn 767 đã mời và giao nhiệm vụ cho già làng Điểu Gay tuyên truyền vận động đồng bào M'Nông đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, giữ gìn an ninh trật tự.

Nhận nhiệm vụ này, già mất nhiều đêm trăn trở và suy nghĩ: phải làm gì để bon làng hiểu rõ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bà con đồng bào dân tộc Tây Nguyên, thấy được âm mưu phá hoại của kẻ địch từ đó cảnh giác đấu tranh không mắc mưu, không tham gia biểu tình, không vượt biên trái phép.

Bằng tình cảm của người cha đối với con, ông đối với cháu, già không quản đêm ngày tiếp cận với những người vượt biên trở về. “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người quay lại”, già đã vận động gia đình, vợ con và bà con trong bon dang rộng vòng tay đón nhận những người con lầm lỗi biết quay trở về con đường phục thiện. 

Già cũng đề xuất với chính quyền và bộ đội đồn 767 giúp đỡ đất đai, phương tiện sản xuất cho những người vượt biên trở về gặp khó khăn trong đời sống. Nhờ vậy, họ nhanh chóng xoá được những mặc cảm, hoà nhập với cộng đồng. Nhiều người trong số đó không những làm ăn khấm khá mà còn tích cực tham gia các công việc của bon làng, nhất là phong trào "Quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn, bon". Điển hình như: trường hợp Điểu San, bon Bu Bong. 

Già Điều Gay cho biết: “Sự xuất hiện của các chiến sĩ biên phòng cùng ăn, cùng ở, cùng làm, đã giúp bà con chấm dứt được tập tục du canh, du cư. Bộ đội giúp bà con trồng lúa nước, cây cà phê, cây tiêu, cây cao su, giúp dân làm đường, có điện thắp sáng, con em được học hành.

Nhiều gia đình đã hết nghèo có cái ăn, cái để, mua sắm ti vi, xe máy…. Bà con không nghe kẻ xấu lợi dụng, làm những việc xấu, mà chăm chỉ làm ăn. Cùng bộ đội bảo vệ, tuần tra, canh gác đường biên, cột mốc để các anh đỡ phần vất vả”.

Ông Ma Hồng Phủ, dân tộc Mông (tỉnh Lào Cai): Bảo vệ biên giới là bảo vệ thành quả của chính mình.

Năm 1989, gia đình ông Ma Hồng Phủ cùng với 12 hộ dân từ xã Tả Ngải Chồ xuống thôn Choán Ván xã Mường Khương theo kế hoạch ổn định dân cư của huyện Mường Khương. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhà ở tạm bợ, đất canh tác chưa có, gia đình ông cùng bà con khai phá những mảnh đất gần nhà trồng cây ngắn ngày để có cái ăn, khai phá ruộng cấy lúa nước, gieo lúa nương, phát triển cây thảo quả, xây dựng thôn bản văn hoá.

Quân và dân cùng tham gia bảo vệ biên giới, đường biên Tổ quốc

Cuộc sống dần đi vào ổn định, dưới sự hướng dẫn của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 241 Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai. Ông Ma Hồng Phủ là một trong số  những bà con thôn Choán Vân tích cực tham gia vào công tác bảo vệ biên giới Tổ quốc. 

Trong quá trình ấy, nhiều lần ông đã phát hiện nhân dân nước bạn trồng quá canh sang đất Việt Nam. Được sự chỉ đạo hướng dẫn của cấp uỷ, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng 241, ông cùng bà con trong thôn vận động nhân dân phía bạn nhận tiền hỗ trợ mua cây, con giống rồi trả lại diện tích trồng cây thảo quả quá canh cho ta.

“Tổ tự quản đường biên, cột mốc" do gia đình ông Phủ cùng bảy hộ khác ở xã Mường Khương có ruộng sát đường biên giới thành được thành lập với cam kết: Hàng tuần tự tổ chức tuần tra, ngăn chặn các hoạt động xâm lấn đất đai, trộm cắp tài nguyên, vượt biên trái phép, chăn thả gia súc qua biên giới; cung cấp tin về đường biên, cột mốc và những hoạt động trái phép cho đồn biên phòng.

Vì những thành tích trong quá trình tham gia bảo vệ biên giới, ông Ma Hồng Phủ được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen.

Qua việc tham gia bảo vệ đất đai biên giới, ông Ma Hồng Phủ rút ra kinh nghiệm: “ở đâu có biên giới, ở đó phải có dân, dân bảo vệ biên giới là bảo vệ chính thành quả lao động sản xuất của mình. Không có bộ đội biên phòng, chúng tôi khó lòng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.

Già làng Hồ Kính, dân tộc Chứt, Trưởng bản Rào Tre (Hương Khê, Hà Tĩnh): “Dân làng mình nghe bộ đội biên phòng lắm”

Kể về những tháng ngày cơ cực trong hang đá, già làng Hồ Kính ngậm ngùi: “Trước tê, tụi mình sống khổ lắm. Có thì ăn không có thì thôi. Cuộc sống dựa vào con cá bắt ngoài suối, con thú, trái cây trong rừng. Có mùa lũ dữ, cả bản đói kiệt đến chết người”.

Khi mới được bộ đội biên phòng đưa về bản Rào Tre, bà con chưa quen làm ruộng, bởi chưa biết trồng lúa. Trồng ngô thì bị trâu phá hết, dân bản lại vào rừng đào củ mài, củ ấu để ăn cho đỡ đói. Người lớn không biết chữ, trẻ em không được đi học, lớn lên theo cha mẹ vào rừng kiếm mớ rau, bát canh, đau ốm không có thuốc, mà nhờ thầy làm lễ đuổi con ma rừng, ma suối. Thanh niên đi làm thuê đổi lấy rượu uống. 

Bộ đội biên phòng dạy bà con bản Rào Tre cấy lúa

Từ ngày có bộ đội Biên phòng về bản bày cho cách làm ruộng, cấy lúa, chặt cây để làm hàng rào, không cho trâu, bò phá hoại. Cả bản Rào Tre, ngày ra ruộng, tối được thầy giáo dạy con  chữ.

Bản Rào Tre của già Hồ Kính cũng có tổ dân quân gồm 8 người cùng bộ đội biên phòng bảo vệ cột mốc, đường biên giới. Nương rẫy đều trồng nhiều loại cây để làm  hàng rào bảo vệ biên giới.

Bây giờ, già Hồ Kính không còn buồn vì dân làng bị đói nữa. Già hồ hởi khoe: “Dân làng mình nghe Bộ đội biên phòng lắm. Trước đây, dân bản toàn uống rượu, uống say thì cãi nhau, đánh nhau, có người say thì nằm ở nhà 3- 4 ngày không dậy. Bộ đội đến tận nhà khuyên nhủ, bà con đã không uống rượu nữa. Khi đau ốm đã có bác sĩ Sơn đến tận nơi khám và phát thuốc, cho gạo ăn”.

Kinh tế của bà con dần khá hơn khi đã có thêm con lợn, con gà, vườn có cây bưởi, cây chuối, có cây gió trầm. Bộ đội cùng dân xây nhà, lợp ngói lại còn cho bàn ghế để ngồi, làm đường xi măng, làm mương nước, làm điện sáng, xây nhà họp dân, khám bệnh, được làm giấy khai sinh… Bộ mặt Rào Tre bây giờ khác xưa nhiều là nhờ ơn bộ đội biên phòng đấy”./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên