Bác Hồ với Đài TNVN:

Nước còn nghèo nên phải biết tự lực tự cường

VOV.VN - Đó là lời dặn của Bác lần thứ 6 thăm Đài vào một buổi tối đầu năm 1961

Mùa Thu là mùa của hoài niệm nên đi đâu về đâu tôi luôn hỏi thăm những người quen thân cũ, những người của một thời…

Cuối thu 1999 đến cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long đóng tại thành phố Cần Thơ, tôi và nhà báo Trương Cộng Hòa, giám đốc cơ quan đến ngay thị xã Vĩnh Long thăm ông Trần Hữu Hanh, thường gọi là Năm Hanh, cựu Phó giám đốc Đài phát thanh Giải phóng A. Một thời, chúng tôi là “lính” của ông.

Cuối đời được về sống giữa lòng quê hương sau mấy chục năm xa cách, nhưng ông vẫn chưa nguôi ngoai những tháng ngày ở thủ đô Hà Nội.

Ngồi trên chiếc ghế tre đơn sơ bên bờ ao nhà dưới bóng dừa râm mát, mặc cho nắng Nam Bộ chan hòa, ông hỏi tôi cây sấu trước cống 58 Quán Sứ mùa này có sai quả không, khu Bá âm 39 – 41 Bà Triệu thế nào, nói chung là Hà Nội ra sao. Tôi lan man kể, ông háo hức nghe. Đôi mắt ông đỏ hoe, rân rấn khi nhớ đến Bác Hồ. Giọng ông trầm lắng: “Khoảng 8 giờ tối ngày đầu năm 1961, tôi lúc ấy là trưởng phòng Bá âm đang khẩn trương chuẩn bị chương trình phát thanh Tết Tân Sửu thì đồng chí Trần Lâm, Tổng biên tập Đài đến thông báo là chuẩn bị đón tiếp cán bộ lãnh đạo Trung ương đến thăm. Chúng tôi vừa gấp gáp chuẩn bị vừa đoán già đoán non, chưa biết lãnh đạo cấp cao là ai thì khoảng 9 giờ tối, hai chiếc xe con vào cổng trung tâm Bá âm. Đồng chí Trần Lâm mở cửa xe.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung tâm Âm thanh (1961).

Người bước xuống xe đầu tiên là Bác Hồ.

Sững sờ, lúng túng giây lát, tất cả chúng tôi chạy lại vây quanh Bác. Đồng chí Trần Lâm mời Bác lên tầng hai, nhưng Bác lại rẽ vào tầng hầm thăm các chiến sỹ công an đang làm nhiệm vụ.

Tôi lo quá, vì trong chương trình bố trí Bác thăm những nơi quan trọng để bảo đảm sức khỏe cho Người…

Tổng biên tập Trần Lâm lúc ấy cũng rất bối rối, nhưng không còn cách nào khác là đi theo Bác. Bác nhìn kỹ vọng gác bên ngoài, cánh cửa mở cho đủ một người có thẻ, hoặc giấy giới thiệu của cơ quan, một xe đạp lách qua. Vọng gác bên trong đặt ngay trước cầu thang lên phòng phát thanh với sự kiểm soát gắt gao hơn. Bác hỏi kỹ là nếu có người ngoài vào làm việc thì sao? Các đồng chí bảo vệ thưa là cộng tác viên vào làm việc thì nhất thiết phải có biên tập viên, phóng viên đi cùng. Bác khen công tác bảo mật như thế là tốt.

Bác bảo đồng chí Trần Lâm cho thăm nơi đang thu thanh.

Bác lên tầng 2 nhà 37, anh chị em công nhân đang thu thanh. Qua khung kính Bác chăm chú nhìn hai phát thanh viên , một nam, một nữ đang đọc chương trình. Bác tỏ ra hài lòng với cách bố trí cẩn thận, tiện lợi. Bác hỏi nơi đang phát thanh ở đâu? Tôi nhìn đồng chí Tổng biên tập rồi thưa là ở tận tầng 3, sợ Bác lên cao, hơi mệt. Bác khoát tay: “Đi được. Bác còn khỏe mà.” Trước khi vào phòng truyền âm, Bác ghé thăm phòng pha âm. Anh chị em biên tập và công nhân đang dàn dựng chương trình Văn nghệ. Bác đi nhẹ nhàng, nhìn kỹ từng thao tác của công nhân mà không hỏi.

Lúc này phòng truyền âm đang phát chương trình Phát thanh Quân đội Nhân dân. Bác dừng lại trước cỗ máy thu thanh chuyên dùng đồ sộ, nhiều ngăn cao hơn đầu người đặt ở góc phòng. Tôi liền thưa với Bác là máy của Liên Xô, có độ nhạy cao, lọc được tạp âm. Chăm chú nhìn công nhân đang thao tác, Bác hỏi thăm sức khỏe, công việc, trình độ từng người. Tôi thưa với Bác hầu hết công nhân còn trẻ, đã học qua cấp 2, hiện đang theo học bổ túc văn hóa cấp 3 ban đêm. Có bốn anh đang học trường Bổ túc Công Nông và Đại học Bách khoa. Đặc biệt có hai anh Nguyễn Văn Điểm và Hồ Vĩnh Thuận đang học ở đại học Vô tuyến điện ở Liên Xô. Ngoài ra hàng tuần anh chị em công nhân được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do các anh Nguyễn Kim Huê, Trịnh Lý Thản, Đặng Trung Hiếu hướng dẫn. Bác cười, mắt sáng và khen là trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn mà biết học tập văn hóa, tự học hỏi nghề nghiệp để tiến bộ là rất tốt. Nên phát huy.

Trên đường đi vào phòng họp, Bác hỏi đồng chí Trần Lâm là tại sao Biên tập ở Quán Sứ mà Bá âm ở Bà Triệu. Ở cách xa như vậy thì rất bất tiện mà lại còn nguy hiểm khi người mang bản tin từ nơi biên tập đến chỗ phát sóng, gặp trở ngại thì sao?

Trong hồi ký “Công nhân Bá âm hai lần đươc Bác Hồ đến thăm”, nhà báo Trần Lâm viết: “Tôi thưa với Bác đây là sự bố trí bất đắc dĩ vì Đài chỉ được phân phối hai biệt thự ở Quán Sứ và phòng Luật sư ở Bà Triệu. Chúng cháu đã xin cấp đất và kinh phí để xây dựng một nhà ba tầng cạnh nhà Bá âm làm nhà Biên tập, nhưng chưa được duyệt. Bác trầm ngâm không nói gì.

Năm sau Đài được duyệt kế hoạch xây dựng nhà ba tầng ở 45 Bà Triệu cho Biên tập và một nhà 2 tầng ở 37 Bà Triệu để mở rộng và tăng thêm các phòng kỹ thuật. Phải chăng là có tiếng nói của Bác nhắc nhở Chính phủ và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước? Chúng tôi không thể biết được, nhưng một điều  mà anh chị em biên tập và công nhân biết chắc chắn là Bác rất quan tâm đến Đài”.

Ông Trần Hữu Hanh kể tiếp: “Bước qua ngạch cửa, Bác nhìn bao quát cả phòng họp. Nói là phòng họp, hay phòng Giao ban cho oai, chứ thực chất là một căn phòng rộng hơn các phòng khác chút đỉnh dùng để anh chị em công nhân học nghiệp vụ. Giữa phòng chỉ có bàn pingpông. Trên bàn có cành đào nhỏ, hoa thắm đỏ, nụ căng tròn chi chít, xen kẽ những lộc non. Bao quanh là những hàng ghế băng đã cũ. Bác không ngồi mà đứng cạnh bàn. Có lẽ, ngày đầu năm Bác không thể ở lâu, nhưng cũng có thể Bác muốn đứng để cho chúng tôi được nhìn ngắm Bác kỹ hơn. Quả tình là anh em đã kê thêm nhiều ghế băng đằng sau, nhưng ai cũng đứng, cũng muốn ngắm Bác lâu hơn, nhiều hơn. Quây quần bên Bác có anh chị em công nhân, biên tập, phát thanh viên và một số cháu nhỏ. Bên cạnh anh Trần Lâm là chị Vân Yến, phát thanh viên rồi anh Nguyễn Văn Nhất, chị Dương Thị Ngân, anh Trần Châu, Lê Võ và một số anh chị khác mà tôi không nhớ tên. Lần đầu tiên tôi được đứng gần Bác đến thế. Bác đã ngoài tuổi bảy mươi, râu tóc đã bạc, nhưng da dẻ vẫn hồng hào, đi đứng nhanh nhẹn. Đặc biệt ánh mắt sáng và giọng nói ấm áp của Bác như hút hồn chúng tôi.

Dạo ấy, ngày đông tháng giá ở Hà Nội lạnh lắm, nhưng trong phòng vẫn ấm áp. Bác vẩy tay ra hiệu mọi người yên lặng. Đồng chí Trần Lâm thay mặt anh chị em có mặt và toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập, phát thanh viên, nghệ sỹ, kỹ thuật viên, nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu. Anh chị em vỗ tay không ngớt. Bác ra hiệu trật tự rồi lấy kẹo chia cho các cháu nhỏ, đến các cô gái và tất cả mọi người. Bác khen anh chị em công nhân với biên tập biết cộng tác với nhau làm việc tốt, giữ bí mật, giữ gìn máy móc tốt.

Cuối cùng Bác dặn: “Đất nước ta còn nghèo nên phải biết phát huy sáng kiến, khắc phục mọi khó khăn với tinh thần tự lực tự cường. Phải làm việc theo kiểu con nhà nghèo, chứ đừng đòi hỏi nhiều ở nhà nước, phải sử dụng và bảo quản thật tốt những hàng viện trợ để dùng được lâu bền.”

Bác bước ra khỏi phòng họp, anh chị em công nhân lúi ríu bước theo, nhưng vì quy chế bảo mật nên chỉ có anh Trần Lâm được tiễn Bác ra xe.

Anh chị em dồn ra cửa sổ vẫy tay theo. Nhiều chị khóc vì được Bác hỏi thăm mà xúc động quá chưa kịp nói gì.

                                                        *** 

Riêng chị Nguyễn Thị Minh Lý, phát thanh viên tiếng Nam Bộ thì tiếc nuối và trách chồng.

Sau ngày Miền Nam giải phóng, gia đình chị chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Chị công tác tại Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Gặp lại chị giữa thành phố mang tên Bác sau hơn 20 năm rời xa Hà Nội, chị hỏi ngay cây muỗm già bên hầm tránh máy bay ở 58 Quán Sứ còn xanh không, quả có sai không? Chị vẫn nhớ vị chua đậm của trái muỗm già cuối mùa vàng ngậy với bát canh cá thơm lừng ngày nào ở số 5 Trần Phú.

Tôi gặp chị vào ngày giáp Tết nên cái nhớ Hà Nội, nhớ Bác càng xốn xang. Chị Nguyễn Thị Minh Lý kể:

“Tuy suốt 5 năm, năm nào cũng đi đọc chương trình tường thuật tại chỗ một vài, ba lần, lần nào cũng được nhìn thấy Bác trên lễ đài, nhưng tôi vẫn ước ao có ngày được gặp Bác gần hơn. Tôi chỉ mong một ngày nào đó, Bác đến thăm Đài.

Tết Nguyên đán Tân Sửu, 1961, đang tíu tít chuẩn bị đón Giao thừa thì anh Trần Châu, chồng tôi lặng lẽ bỏ đi, không nói một lời nào. Giao thừa qua một lúc lâu anh mới nói: “Anh Trần Lâm chỉ thị đi chuẩn bị đón Bác Hồ đến thăm phòng Bá âm.” Tôi tiếc như đánh mất một cái gì quý lắm, và tôi đâm nổi giận, trách anh Châu: “Giữ nguyên tắc chặt chẽ nhỉ? Giữ cả với tôi nữa à? Mà tôi có giấy ra vào Bá âm, ngày nào tôi chả đến đó làm việc, sao ông không rỉ tai tôi lấy một tiếng để tôi được gặp Bác Hồ như lòng mong mỏi lâu nay?”

Nghe nhắc lại chuyện cũ, ông Trần Châu cười trừ như một lần nữa nhận lỗi. Bà Minh Lý vẫn đay từng tiếng: “Đến giờ tôi vẫn còn giận đó. Ông chưa yên với tôi đâu”.

Tôi đem chuyện này kể cho ông Trần Hữu Hanh nghe, ông cười xòa: “Ngày ấy bí mật là nguyên tắc sống có kỷ cương nên Tổng biên tập chỉ ai thì người ấy đi, cũng chả trách anh Trần Châu được”.

Ông Năm Hanh bồi hồi nhớ lại: “Phòng ở của tôi luôn luôn treo ảnh Bác Hồ nơi trang trọng nhất, dưới đó Tết nào tôi cũng có cành đào thắm đỏ. Tôi ước ao một ngày không xa, dưới chân dung Bác không chỉ có cành đào Nhật Tân mà có cả cành mai vàng đẫm nắng phương Nam, cùng rước Bác vào thăm Nam Bộ, đất Thành đồng. Nay trong nhà tôi đây, giữa thành phố Vĩnh Long này, ảnh Bác được đặt nơi cao nhất. Tết nào tôi cũng sắm đủ cành mai, cành đào, nhưng Bác… không còn nữa…”

Ông Năm Hanh ngước nhìn ảnh Bác, nước mắt rân rấn.

Ngoài sân, tàu dừa đẫm nắng hoe vàng lao xao trong gió. Bất giác ông nhớ Hà Nội, nhớ Ba Đình, nhớ Quán Sứ, Bà Triệu và nhắc tôi: Sáng nay đài báo Hà Nội có đợt gió mùa Đông Bắc mới đấy. Cháu nhớ mang theo áo ấm, xuống sân bay Nội Bài là khoác vào liền”.

Thật không ngờ, đây là lần cuối cùng tôi được gặp ông. Mấy năm sau ông Trần Hữu Hanh qua đời trên đất quê nhà Vĩnh Long. Người trưởng phòng Bá âm, Đài Tiếng nói Việt Nam năm xưa từng được Bác Hồ ân cần hỏi thăm đã về với tiên tổ, lại được gặp Bác nơi vĩnh hằng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lần thứ tư thăm Đài TNVN, Bác dặn: “Đề phòng ăn đạn bọc đường”
Lần thứ tư thăm Đài TNVN, Bác dặn: “Đề phòng ăn đạn bọc đường”

VOV.VN - Bác nói: Nhiệm vụ cách mạng còn lâu dài, gian khổ, cán bộ phải giữ vững ý chí cách mạng, đề phòng những viên đạn bọc đường

Lần thứ tư thăm Đài TNVN, Bác dặn: “Đề phòng ăn đạn bọc đường”

Lần thứ tư thăm Đài TNVN, Bác dặn: “Đề phòng ăn đạn bọc đường”

VOV.VN - Bác nói: Nhiệm vụ cách mạng còn lâu dài, gian khổ, cán bộ phải giữ vững ý chí cách mạng, đề phòng những viên đạn bọc đường