Nứt đập thủy điện Sông Tranh 2: Chuyên gia bày tỏ lo ngại

Giáo sư Cao Đình Triều, chuyên gia vật lý địa cầu cho rằng, thân đập chính của công trình thủy điện Sông Tranh 2 xuất hiện đến 4 điểm nứt, rò rỉ nước từ lòng hồ xuyên qua đập là đáng lo ngại.

Như tin đã đưa, nhiều ngày qua, dư luận huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam lo lắng về tình trạng nước chảy qua thân đập thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My. Tối 19/3, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thủy điện 3, đơn vị chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 đã họp với đơn vị giám sát, các nhà thầu thi công phần thân đập để tìm biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng nước rò rỉ qua thân đập.

Tại cuộc họp, chủ đầu tư và các đơn vị thi công khẳng định, toàn bộ lưu lượng thấm qua thân đập được xác định khoảng 30 lít/giây, không ảnh hưởng đến an toàn và ổn định của thân đập. HIện tượng nước chảy ra ở 3 vị trí phía hạ lưu đập là ở các vị trí khe nhiệt. Các khe nhiệt được thiết kế bố trí và thi công đều trên toàn tuyến đập. Mục đích bố trí các khe nhiệt này là nhằm triệt tiêu ứng suất nhiệt gây nứt bê tông trong quá trình thi công cũng như vận hành công trình sau này.

Hai bên cửa xả nước đều có vệt nước chảy

Tổng lượng nước thấm của thân đập là 30 lít/s đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đánh giá là đạt yêu cầu kỹ thuật. Ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, Tập đoàn điện lực Việt Nam khẳng định: “Việc thấm nước không ảnh hưởng đến an toàn của đập và đều nằm trong tính toán. Bất cứ đập bê tông nào cũng đều nứt và chúng tôi khẳng định là vết nứt không liên quan đến động đất”.

Chủ đầu tư và các đơn vị thi công cũng đã thống nhất biện pháp xử lý gom nước trả về các hành lang, không để nước chảy ra ngoài thân đập.

Trong khi đó, trao đổi với VnExpress, Giáo sư Cao Đình Triều, chuyên gia vật lý địa cầu cho rằng, thân đập chính của công trình thủy điện Sông Tranh 2 xuất hiện đến 4 điểm nứt, rò rỉ nước từ lòng hồ xuyên qua đập là đáng lo ngại. Các cơ quan chuyên môn cùng đơn vị chủ đầu tư cần khẩn cấp vào cuộc kiểm tra các vết nứt, rò rỉ này để tránh gây thảm họa cho vùng hạ lưu.

Giáo sư Triều nhận định, thân đập thủy điện Sông Tranh 2 nằm trên đới đứt gãy đang hoạt động mạnh nên gây ra những vết nứt, rò rỉ. Do vậy, trước mắt, các cơ quan chuyên môn cần sớm thăm dò, đo đạc mức độ nguy hiểm của vết nứt để có giải pháp xử lý kịp thời, phù hợp.

"Nếu để lâu ngày, vết nứt lan rộng, thân đập bị đứt gãy thì hàng trăm triệu mét khối treo ở độ cao 100 m so với vùng hạ lưu ào xuống thì hiểm họa thật khó lường", Giáo sư Triều lo ngại.

Báo Đất Việt dẫn lời GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam cho biết, về nguyên tắc trách nhiệm kỹ thuật của đập khi để nước thấm chảy qua là không được phép. Đã là đập là phải ngăn được nước từ thượng lưu xuống hạ du và ngăn dòng thấm xuyên qua vật liệu dù đó là bê tông đầm lăn hay bê tông thường hoặc bằng đất, đá cũng vậy thôi. Nếu đập nứt, nước chảy qua, dòng thấm sẽ gây ra xoáy ngầm làm suy giảm chất lượng của đập. Theo thời gian có thể sẽ gây ra hậu quả xấu.

Cùng quan điểm này, TS Đào Trọng Tứ, Ủy viên thường trực Mạng lưới nước Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Sông Mê Kông cho rằng, với sự cố như thế này, phải làm khảo sát ngay tức khắc. Ngoài ra phải có kế hoạch ngay trong vấn đề di dân. Có thể không xảy ra chuyện vỡ đập vì với đập bê tông khối lớn sẽ cần thời gian dài để rửa trôi, bào mòn vật liệu nhưng nếu không đánh giá, lường trước thì rất nguy hiểm.

Ở một diễn biến liên quan, chiều 19/3, UBND tỉnh Quảng Nam gửi công văn đến Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 yêu cầu khẩn trương kiểm tra thực tế, kịp thời xử lý để đảm bảo an toàn tại đập thủy điện sau khi có thông tin bị nứt.

Hiện UBND huyện Bắc Trà My đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh sớm cử các ngành chức năng vào cuộc xem xét. Nếu cần thiết, đề nghị các nhà khoa học vào cuộc để xác định chính xác mức độ rò rỉ nước và độ an toàn của thân đập./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên