Nghịch lý giá sữa bột nhập ngoại ở Việt Nam:

Bài 1: Giá sữa bột nhập ngoại tại Việt Nam đắt nhất thế giới?

Giá cả và chất lượng sữa vẫn đang là đề tài nóng được dư luận đặc biệt quan tâm. Một tuyên bố của chuyên gia người Bỉ mới đây khiến không ít người giật mình: “Người tiêu dùng Việt Nam đang phải mua sữa ngoại nhập với giá cao nhất thế giới!”.

LTS: VOVNews xin giới thiệu phóng sự 4 kỳ "Nghịch lý giá sữa bột nhập ngoại ở Việt Nam" của nhóm tác giả: Trần Đức Thành, Hà Nho, Thanh Trường (Hệ Thời sự- Chính trị- Tổng hợp VOV1- Đài TNVN). Tác phẩm đoạt Giải B Giải Báo chí Toàn quốc 2009.

Nghe âm thanh tại đây

Nghịch lý đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là trong hơn 3, 4 năm qua, giá bán sữa ngoại tại thị trường trong nước chỉ tăng chứ không giảm. Giá sữa bán lẻ tại Việt Nam hiện nay là 1,4 USD/lít, trong khi đó tại Trung Quốc chỉ là 1,1 USD/lít, Ấn Độ là 0,5 USD/lít và các nước Âu chỉ từ 0,5 – 0,9 USD/lít. Theo điều tra của Nhóm chuyên gia Dự án bò sữa Việt Nam – Bỉ thì lợi nhuận kinh doanh sữa, tùy từng chủng loại nhưng có thể lên tới gần 86% - mức siêu lợi nhuận.

Nghịch lý thứ hai là thuế nhập khẩu sữa chúng ta đang áp dụng chỉ là từ 10 - 15% tùy từng mặt hàng, thấp hơn mức cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) áp dụng từ năm 2009 là 18%. Nhưng các hãng sữa nước ngoài vẫn tìm đủ mọi lý do để tăng giá. Lấy ví dụ, sữa sản xuất trong nước Dielac Alpha 900g, giá chỉ 124.000 đồng, thì sản phẩm cùng loại của nước ngoài có giá đến 425.000 đồng.

Tiến sĩ Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phải thốt lên: "Người tiêu dùng đang chịu giá sữa trên trời!”. Ông Thắng cho biết, tuy mức sử dụng sữa trung bình ở nước ta thấp hơn nhiều, chỉ là 9 kg/người/năm, so với 1 số nước khác như Thái Lan là 25 kg, Pháp: 130 kg, Australia: 320kg, nhưng sữa Việt Nam lại đắt nhất thế giới. Trong đó tập trung vào sữa bột cho trẻ em.

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Đối ngoại của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk cho rằng, giá bán có lẽ đã được làm giá từ nước ngoài. “Theo tôi nghĩ lợi nhuận của nhà phân phối chỉ ở mức nào đó thôi còn khi giá đã được làm ở nước ngoài đưa vào Việt Nam thì phải chịu áp lực. Một hãng sữa nước ngoài vào Việt Nam chỉ thông qua một nhà phân phối duy nhất cho nên người tiêu dùng không có quyền lựa chọn”, bà Hương cho biết.

Với mức giá nhập nguyên liệu hiện nay, 1kg sữa bột đã bổ sung các chất vi lượng và khoáng chất chỉ từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, cộng thuế và chi phí đóng gói, vận chuyển… cũng chỉ lên tới 120.000 - 150.000 đồng/hộp 900g. Nhưng giá của các hãng sữa ngoại đang ở mức 305.000 - 425.000 đồng/hộp 900g, gấp 3 lần so với chi phí thực tế.

Sự chênh lệch lớn giữa giá sữa nội và sữa ngoại lại chủ yếu do tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng hay nói cách khác, là chính tâm lý này đã đẩy giá sữa cao đến vô lý.

Ông Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý ĐHSP TP HCM cho rằng: Sản phẩm ở nước ngoài rõ ràng không hoàn toàn tốt một cách quá đẳng cấp so với sản phẩm một số quốc gia khác cùng loại ở trong nước. Nhưng đa phần người tiêu dùng Việt Nam vẫn chuộng sản phẩm nước ngoài vì họ cho rằng đó là sản phẩm tốt nhất và họ có một sự quy án tương đồng rất đặc biệt  là: sản phẩm đắt nhất là sản phẩm tốt nhất. Chính vì vậy họ lại ưa chuộng hàng ngoại.

Một thông tin rất đáng lưu ý là các công ty sữa nước ngoài đã bỏ ra một số tiền khổng lồ để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm. Tại Việt Nam năm 2008, các hãng sữa nước ngoài đã chi ra khoảng 30 triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình và 60 - 70 triệu USD cho các hoạt động quảng bá, hội thảo khoa học, hoa hồng tiếp thị… Chính vì vậy, thị phần sữa bột ngoại đã chiếm tới hơn 80%, trong đó riêng hãng Abbott (Hoa Kỳ) chiếm tới 32% thị phần.

Chủ một đại lý sữa dấu tên ở Hà nội cho biết: “Hiện nay người tiêu dùng chủ yếu mua các sản phẩm nhập ngoại của một số hãng như sữa Abbott, Mead Johnson, XO, Dumex, Friso. Nếu tính số lượng bán theo đơn vị thì Abbott chiếm khoảng 40% thị phần”.

Chị Đoàn Đam Ca, khách hàng mua sữa nói: “Cháu nhà tôi 3 tuổi toàn uống sữa Australia, giá của hơn 400.000 đ/hộp. Ngày trước giá chỉ 350.000 đồng nhưng giá càng ngày càng tăng dần lên. Còn chị Nguyễn Thị Nga cho rằng: “Đang trong tình trạng khủng hoảng kinh tế như thế này mà giá lại cao như vậy thì thật là vô lý. Giờ các cửa hàng nói là cao thì người tiêu dùng cũng chỉ biết vậy và chấp nhận mua vì con cái chúng tôi thôi”.

Tuy nhiên, rất ít người tiêu dùng, trong đó có cả chị Nga và chị Ca biết rằng, tất cả các chi phí quảng cáo trên được các nhãn sữa ngoại đẩy ngược lại vào giá bán tới tay người tiêu dùng.

Tiến sĩ Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thông tin: Chúng ta chưa kiểm soát tốt vấn đề quảng cáo. Một số hãng sữa nước ngoài đầu tư nhiều tiền bạc vào quảng cáo để làm sao cho thương hiệu sữa của họ thâm nhập vào người tiêu dùng. Việc thông tin cho thêm chất này, chất khác nhằm đánh vào tâm lý tiêu dùng là mong muốn cho con mình phải tăng chiều cao, phát triển trí tuệ, khả năng miễn dịch tốt. Do đó, người tiêu dùng cứ bỏ tiền ra mua sữa, và như vậy giá sữa trong nước thấp hơn nhiều so với giá sữa nước ngoại nhưng người tiêu dùng vẫn mua sữa ngoại.

Một quốc gia đang phát triển, còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, thu nhập bình quân đầu người thấp, nhưng người dân lại phải mua nhiều loại hàng hoá như sữa, kể cả những hàng hoá thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày với cái giá đắt nhất thế giới! Quả là quá nghịch lý. Thế nhưng, nghịch lý đó vẫn tồn tại vì nhiều lý do.  

Bài 2: Bí mật siêu lợi nhuận của các hãng sữa nước ngoài

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên