“Cát tặc” hoành hành trên sông Đáy

Vài tháng trở lại đây, trên sông Đáy đoạn chảy qua địa bàn xã Bột Xuyên (Mỹ Đức - Hà Nội) trở thành điểm nóng về tình trạng khai thác cát trái phép, gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng đến các công trình đê kè của Nhà nước.

"Công trường" khai thác cát

Theo chân ông Nguyễn Công Lung, cán bộ địa chính xã Bột Xuyên, chúng tôi có mặt trên tuyến đê thuộc thôn Phúc Khê khi đã gần trưa. Tiếng máy nổ từ các thuyền hút cát phá tan sự yên bình của làng quê ven sông này. Ông Lung cho biết: “Những thuyền khai thác cát hoạt động công khai ngay giữa ban ngày ban mặt mà chẳng sợ ai”.

Đoạn sông Đáy chảy qua địa bàn thôn Phúc Khê có chiều dài gần 2km. Trước đây khoảng chục năm, tình trạng khai thác cát đã xuất hiện, nhưng với cách làm thủ công nên cát bị khai thác không nhiều, do vậy, tình trạng sạt lở không trầm trọng như bây giờ. Còn hiện nay, bọn khai thác cát đầu tư máy móc hiện đại để hút được nhiều cát bán kiếm lời.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, “cát tặc” hoạt động liên tục từ 5 giờ đến 17 giờ. Trung bình mỗi ngày có từ 10 - 15 chiếc thuyền lớn nhỏ ra vào hút cát tại khúc sông này và lấy đi 1.000m3 cát, trong đó chủ yếu là thuyền của các xã Mỹ Thành, Phúc Lâm… thuộc huyện Chương Mỹ. Việc hút cát trái phép đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm rỗng khoảng hơn 50m chân đê và sạt đất hai bên dòng sông khiến hàng chục nhà dân bị sụt lún, nứt nẻ.

Anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Phúc Khê, bức xúc: “Do sạt lún, ngôi nhà cũ của tôi đã bị nhiều vết nứt, sợ nguy hiểm, tôi đã phá bỏ nhà cũ, gom góp được chút tiền cất ngôi nhà mới, ai dè, nhà chưa đưa vào sử dụng thì tường và trần nhà đã nứt toác…”.

Cùng chung cảnh ngộ với anh Sơn là hơn 60 hộ dân sống bên trong đê. Nhà họ đang có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào nếu tình trạng khai thác cát vẫn còn tiếp diễn.

Ông Nguyễn Hữu Liêm - Trưởng thôn Phúc Khê - cho biết: “Vài tháng trở lại đây, tình trạng khai thác cát bắt đầu nóng. “Cát tặc” hoạt động thường xuyên và cường độ khai thác cát ngày càng tăng. Chúng biến nơi đây thành một “công trường” khai thác với những tiếng máy hút kêu ầm ĩ, khiến người dân mất ăn mất ngủ”.

Chính quyền xã bó tay

Ông Lê Ngọc Thực, Phó Chủ tịch UBND xã Bột Xuyên, cho biết: “Chúng tôi đã bố trí lực lượng phối hợp với thôn Phúc Khê trong việc tuần tra kiểm soát, xử lý hành chính hàng trăm vụ khai thác cát trái phép nhưng tình trạng này vẫn không chấm dứt”. Lý giải về nguyên nhân không mấy hiệu quả trong công tác chống nạn hút cát trái phép, ông Thực cho biết, do việc sử dụng và quản lý đoạn sông được phân chia đều cho cả hai xã. Bên này là Bột Xuyên (Mỹ Đức) còn bên kia là của Viên Nội (ứng Hoà) nên khi thấy bóng của lực lượng chức năng hay những “đoàn người đi có tổ chức” là bọn “cát tặc” lại dịch thuyền sang bên phía bờ của xã Viên Nội, vì vậy rất khó bắt giữ và xử lý các thuyền hút cát trái phép(?) Trong khi đó, việc tổ chức, phối hợp chống “cát tặc” của hai xã chưa hiệu quả, nên cứ bên Bột Xuyên đuổi, thuyền “cát tặc” chạy sang Viên Nội, khi thấy lực lượng chức năng rút, chúng lại đưa thuyền sang hút cát.

Tháng 6/2009, Sở Tài nguyên - Môi trường TP. Hà Nội, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đã về xem xét giải quyết nhưng chỉ dừng lại ở mức độ phạt hành chính vài chiếc thuyền trong xã, với mức xử lý 200.000 đồng/thuyền. Ông Thực cho rằng: “Mức xử lý như vậy là quá nhẹ, không đủ sức răn đe…”.

Với lợi ích từ việc khai thác cát trái phép, các chủ thuyền ở đây đã dùng nhiều thủ đoạn như: thuê những đối tượng “số má” làm công tác bảo vệ nên trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng công an xã gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ có vậy, những đối tượng này thường xuyên tìm đến “hỏi thăm” những người dân dám đứng ra ngăn cản bọn chúng.

Chính quyền xã đã bó tay với những thuyền hút cát trộm, những người dân nơi đây phải tự chống lại các thuyền “cát tặc” này. Chúng tôi quan sát thấy dọc bờ sông có rất nhiều đống đá to nhỏ, mỗi gia đình đều có vài ba khẩu súng cao su để “chiến đấu” xua đuổi bọn khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, người dân cho biết, bọn chúng vô cùng liều lĩnh và hung hãn, sẵn sàng chống trả người dân quyết liệt. Trên mỗi thuyền, bọn chúng thường có tuýp sắt, gậy, đá, kiếm để tấn công mỗi khi người dân xua đuổi. Theo ông Thực: “Để ngăn chặn tình trạng này, rất cần sự phối kết hợp giữa chính quyền hai xã Vân Nội và Bột Xuyên và sự hỗ trợ của lãnh đạo cấp trên, chứ một mình xã Bột Xuyên thì không thể giải quyết”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên