Chuyện rùng rợn ở Nhà tù Phú Quốc (Phần 2)

Có lẽ, chưa bao giờ và ở đâu, những đòn đánh đập, tra tấn, hành hạ lại độc ác, rùng rợn  như những ngón đòn mà bọn cai ngục nhà tù Phú Quốc đã trút lên mình các tù nhân cộng sản.

  • Sống mãi những linh hồn bất tử (phần cuối)
  • Vừa nhặt xương người vừa khóc (phần 7)
  • Nhà ngoại cảm Bích Hằng và cuộc tìm kiếm 4.000 hài cốt đầy nước mắt (Phần 6)
  • Sự thật về những vụ thảm sát đẫm máu trong nhà lao Cây Dừa (phần 5)
  • Tên cai ngục tàn bạo và kỹ nghệ… giết người (Phần 4)
  • Đòn tra tấn tàn độc triệt đường sinh sản tù nhân cộng sản (Phần 3)
  • Chuyện rùng rợn ở Nhà tù Phú Quốc (Phần 2)
  • Nhà tù Phú Quốc- “địa ngục trần gian” với những người cộng sản
  • Trong hồ sơ của Trại giam Phú Quốc, hiện còn lưu trữ 24 ngón đòn tàn khốc mà tương truyền, các viên cai ngục đã đúc kết, lưu truyền và thực hành trong suốt mấy chục năm.

    Những ngón đòn mà chỉ điểm tên thôi, nhiều người đã rùng mình: dùng chày vồ đập nát vụn mắt cá chân, dùng dùi đục đục từng miếng xương bánh chè, dùng ván gỗ chắc nịch và đinh vít ép vỡ lồng ngực, tẩm dầu đốt cháy dương vật. Rồi bẻ răng, luộc người trong chảo nước sôi hay nướng người trên lửa than rực hồng….

    Khi gặp gỡ, tiếp xúc với hàng chục cựu tù nhân tàn phế, một thời bị đoạ đày nơi địa ngục trần gian, ngồi nghe họ kể lại một cách tận tường và chậm rãi về những cực hình mà bọn cai ngục trút lên thân xác họ, tôi vẫn không thể kìm được những dòng nước mắt và cả những tiếng kêu kinh hoàng trước nhiều ngón đòn tàn độc khác nữa mà sử sách ngục tù chưa từng nhắc đến…

    Từ những ngón đòn đầu tiên phải nếm ở cửa “địa ngục trần gian”

    Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đã từng nhiều lần ra nhà tù Côn Đảo, ngược nhà ngục Sơn La, Bắc Mê, Nghĩa Lộ. Tôi cũng đã từng đọc nhiều trang sách viết về chốn lao tù, gặp gỡ, trò chuyện với nhiều bậc lão thành cách mạng vốn là tù nhân của các nhà ngục trên.

    Bọn cai ngục đánh phủ đầu các tù nhân cộng sản

    Tôi rút ra một điều: Thời chống Pháp, khi bắt được các chiến sĩ cách mạng, địch thường đánh đập, tra khảo để khai thác tổ chức hoạt động của ta rồi tống vào nhà giam. Chúng không có những hoạt động khủng bố chính trị tàn bạo mặc dầu chế độ cai trị tù nhân vô cùng hà khắc.

    Nhưng đến thời Mỹ nguỵ, địch đúc rút được nhiều kinh nghiệm hơn trong việc đánh phá cách mạng nên ở tất cả các nhà tù chính trị và trại giam tù binh, ngoài việc kìm kẹp thật chặt tù nhân không cho vượt ngục, chúng còn dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn vô cùng thâm độc nhằm huỷ diệt tinh thần và thể xác các chiến sĩ cách mạng kiên trung.

    Chúng dụ dỗ, đe doạ, khủng bố, đánh đập bằng những nhục hình tàn khốc hơn thời trung cổ, thậm chí nã súng cối, đại bác vào trại giam, gây nên những thảm kịch đẫm máu. Trong đó, tàn khốc nhất, phải kể đến Trại giam tù binh Phú Quốc. Vì là trại tù với số lượng tù binh đông nhất (khoảng 40.000 người), lại xa đất liền, bốn bề mịt mùng biển cả nên bọn Mỹ nguỵ khủng bố rất ác liệt.

    Vừa bước chân xuống sân bay An Thới (Phú Quốc), các chiến sĩ của ta đã bị một trận mưa đòn đánh phủ đầu bằng báng súng, dùi cui hay những cú đá lật hàm bằng mũi giầy đinh cứng như sắt.

    Chưa kịp mở mắt, chúng đã áp lên xe vận tải quân sự về Bộ chỉ huy trại giam để khám xét, làm thủ tục nhập trại rồi lại tiếp tục lên xe đến phân khu trại giam. Cứ mỗi lần lên xe, xuống xe như thế là những trận đòn liên hồi kỳ trận vào mặt, vào đầu, vào lưng những tù nhân vốn xác xơ, tiều tuỵ sau thời gian tra khảo, khai thác hồ sơ. Đó là “món đòn đầu tiên phải nếm” cho “thủ tục nhập trại” trước khi vào nhà tù Phú Quốc.

    Kể về thủ tục nhập trại khốc liệt ấy, ông Ba Toản, cựu tù nhân Phú Quốc giọng đầy uất hận như câu chuyện vừa mới xảy ra hôm qua: “Tôi quê ở Đan Phượng, (Hà Tây cũ), vào Nam chiến đấu năm 1966 trong binh chủng đặc công. Tôi bị bắt vào đợt 3 cuộc Tổng tấn công năm Mậu Thân. Sau 3 tuần bị giam cầm, đánh đập, tra khảo ở Nhà lao Hố Nai (Biên Hoà), tôi cùng 200 người nữa bị địch đưa ra sân bay, dồn tất cả lên chiếc C.130. Chừng nửa tiếng sau, chúng tôi bị lùa xuống một hòn đảo mà nhìn xung quanh tứ bề thấy rừng núi xám xịt một màu. Lúc ấy, chưa ai biết đó là Phú Quốc. Đang hoang mang không biết mình ở đâu thì bỗng “bốp”. Một cú dùi cui bổ thẳng giữa đỉnh đầu khiến tôi choáng váng, ngã quỵ. Gượng đứng dậy, mở mắt nhìn, tôi thấy mọi người đều bị nện như thế.

    Một tên đại uý còn trẻ, râu ria xồm xoàm, ác ôn khét tiếng, dạng chân, giọng rít lên từng chặp: “Đánh chơi một chút để chúng mày hiểu rằng: chúng mày đang sống ở đâu, đang dưới bàn tay cai trị của ai.? Đây là đảo Phú Quốc, chúng mày nghe rõ chưa? Cách đất liền hàng trăm km, xung quanh toàn cá sấu, rắn rết, bom mìn. Thằng nào muốn trốn, xin mời. Hừ! Vào đây, chúng mày chỉ có hai con đường: tuyệt đối ngoan ngoãn chấp hành mọi quy định của nhà lao hoặc là chết thê chết thảm, chết đau chết đớn, chết không toàn thây. Nghe rõ chưa, bọn phiến cộng”.

    Bất ngờ có một tù nhân trẻ bước ra, quắc mắt, quát lớn: “Chúng tôi không phải là phiến cộng. Chúng tôi là tù binh chiến tranh”. Tên đại uý cười gằn: “Hả? Cái gì? Tù binh chiến tranh hả? Giỏi. Thằng này giỏi. Mày tới số rồi con ơi”. Đột nhiên, hắn thét lên: “Lại gần đây. Lại!”.

    Người tù nhân trẻ chưa kịp phản ứng gì thì hắn đã sải bước đến. “Rắc”. Nhanh như chớp, cây gậy bịt đồng trong tay hắn vung lên. Người tù nhân trẻ ngã gục xuống, giơ hay bàn tay bụm chặt lấy miệng. Máu trong mồm túa ra, hai chiếc răng cửa gãy văng xuống đất.

    Uất quá, chúng tôi định lao vào quyết tử với chúng. Nhưng không kịp. “Đoàng. Đoàng. Đoàng”. Khói súng mù mịt từ trong tay tốp quân cảnh. Ba người tù nhân ngã lăn quay ra đất, giãy đành đạch một hồi rồi nằm im.

    Tên đại uý tàn ác gõ gõ cái đầu gậy bịt đồng vào lòng bàn tay: “Thế nào? Đã ra đây tính mạng của chúng bay không bằng con rệp. Cứ liệu hồn. Điên tiết lên là ông cho chúng mày về chầu ông bà ông vải hết”. Đó là đòn phủ đầu, chúng đánh cho biết mặt. Cú phủ đầu này thâm độc lắm. Ai nhát gan sẽ bị quỵ ngay hoặc tinh thần suy sụp”.

    Từ sân bay, địch áp giải đoàn tù binh vào trại. Ông Ba Toản kể tiếp: “Chúng tôi đi bộ chừng 1 km thì tới một khu nhà san sát toàn tôn. Hàng rào kẽm gai tầng tầng, lớp lớp. Những báng súng và cả những tiếng chửi tục đẩy nhanh tôi và 20 người vào một căn phòng dài 12 m, rộng chừng 5 m. Một mùi hôi thối xộc lên khiến tôi nôn ộc ra. Trong căn phòng nhờ nhờ sáng, tôi thấy chật cứng người. Người nằm, người ngồi trên hai bệ dãy xi măng chạy dài sát tường tôn. Ngay lối đi nhỏ ở giữa cũng ninh ních người. Tôi đảo mắt một lượt. Ước chừng hơn 100 tù nhân gầy đét. Không khí ngột ngạt, nóng bức hầm hập như cái hoả lò.

    Ngay bữa ăn đầu tiên, tôi đã thấm thía tận cùng thế nào là cơm tù Phú Quốc. Mười người một xô cơm to bằng cái phích nước một lít. Chia đều, mỗi người được một thìa xới. Những thìa cơm ẩm mốc, hôi xì mùi gián nhai nhống nháo với mấy con cá bé bằng ngón tay út, nát nhũn, thum thủm và nửa cà mèn canh lõng bõng.

    Nhiều đêm nằm, giòi bọ bò túa ra khắp phòng, chui cả vào mồm, vào mũi. Sáng sáng, xì mãi, khạc nhổ mãi, lũ giòi bọ mới chịu chui ra. Ấy nhưng, do chen chúc ngộp thở quá, người nào ốm yếu mới được… ưu tiên nằm cạnh cái thùng phuy phân lúc nhúc loài động vật kinh khủng đó.

    Có tháng, nhất là sau Tết Mậu Thân 1968, nhiều chiến sĩ của ta sa vào tay giặc, tù nhân đông quá, địch nhồi nhét mỗi phòng lên đến 150 người, trong khi sức chứa tối đa một phòng giam là 60 người.

    Thế là, ba người chung nhau một chỗ nằm. Nếu một người nằm thì hai người kia, một phải ngồi hờ trên ngực người nằm, một phải quỳ ở dưới chân, đưa hai chân của người nằm gác lên vai mình.

    Mỏi quá thì luân chuyển cho nhau. Nếu kiểu ngồi hờ hay quỳ không ổn thì chuyển sang đứng. Một người nằm, hai người đứng dạng chân ở đầu và cuối. Nhìn từ bên ngoài vào trông như những diễn viên xiếc đang diễn trò. Khổ thế mà mãi cũng thành quen.

    Lại kể chuyện tắm trong tù. Trước năm 1968, do tù nhân còn ít, mỗi tù nhân còn được một ca in-ốc nước. Thật tằn tiện cũng đủ dùng. Về sau, đông quá, nước cháy, mỗi người chỉ được một đít ca, ăn xong, nhấp nhấp gọi là cho khỏi khát rồi giữ lại, đổ vào túi ni lông. Tích cóp cả tháng cũng được chừng 1 lít. Thế là tắm.

    Trước tiên, nhúng ướt bàn tay rồi kỳ khô một lượt cho bở hết ghét. Xong, ngồi vào cái chậu tôn do anh em trong tù cắt xén những chỗ đầu thừa đuôi thẹo trên mái, trên tường khum lại. Một người dội, một người kỳ tiếp. Người dội, người kỳ phải khéo léo sao cho không vương ra ngoài một giọt nước. Người này tắm xong, người kia ngồi vào, tận dụng thứ nước thải nổi váng của người trước. Rồi tiếp tục đến người thứ ba. Với những người tù cộng sản, lúc đó, giọt nước quý như giọt máu.

    Vì nước khan hiếm như thế nên cực nhất trong tù có lẽ là chuyện đi “ngoài”. Nước không có mà rửa, giấy không có mà chùi. Đành xé áo quần ra vậy. Xé từng miếng nhỏ chùi đít hết rồi, miếng cuối cùng đành phải dùng chùi đi chùi lại. Thế mà nhiều lúc bạn tù bị đánh đập tàn bạo, bể mặt sưng mày, đành lấy ngay miếng giẻ lau đùi lau đít ấy mà lau vết thương cho bạn”.

    …đến những cực hình tàn độc của lũ quỷ đội lốt người

    Ngồi trước mặt tôi đây là cựu tù nhân cộng sản Trần Hồng, người đã từng gây chấn động trong lịch sử nhà tù Phú Quốc bằng cuộc vượt ngục có một không hai – vượt 18 lớp rào kẽm gai giữa thanh thiên bạch nhật dưới hàng ngàn con mắt cú vọ của bọn cai ngục.

    Nhưng giờ đây, ngót 40 năm sau, giữa đất Sài Gòn, ông lại gây chấn động trong tôi bằng những câu chuyện kể rùng rợn về những ngón đòn tra tấn tàn độc mà ông đã từng chết đi sống lại nhiều lần.

    Giật phăng chiếc áo trên người, để lộ vòm ngực chằng chịt dọc ngang những vết sẹo to, sâu như những vết dao chém, ông cười gằn: “Cậu thấy rõ không? Chuồng cọp, chuồng chó đó. Đây nữa…”.

    Nói đoạn, cúi xuống, vén hai ống quần lên, để lộ hai bắp chân trần sùi lên những đống sẹo như những ụ mối, ông lại cười gằn: “Nướng sắt đỏ xuyên bắp chuối đó”. Tôi bỗng hoa mắt, ù tai, người nôn nao như say nắng.

    Vẫn tiếng ông cười gằn: “Hầu hết những ngón đòn tra khảo độc địa nhất ở nhà tù Phú Quốc, tôi đều nếm đủ. Kể với anh có mà cả ngày chẳng hết. Khủng khiếp lắm!”.

    Những tù binh bị thương tật do những đòn tra tấn dã man

    Trần Hồng là người gốc Bình Định, rất giỏi võ cổ truyền. Ông bị địch bắt năm 1968 ở mặt trận Huế và đày ra Phú Quốc khi vừa tròn đôi mươi. Tuổi trẻ, máu nóng, lại sẵn khí phách của người thượng võ nên ông đụng độ liên tục với bọn quân cảnh. Thế là chúng tống ông vào phòng biệt giam khu 2 – “địa ngục” kinh hoàng nhất ở nhà tù Phú Quốc.

    Đó là căn phòng rộng 3m, dài 8m. Tổng cộng 24 m2. Hai mét-vuông ngoài cùng, chúng dùng để làm phòng tra tấn. Như vậy, phòng biệt giam chỉ còn vỏn vẹn 22 m2. 22 m2 mà chúng tống vô đó đến… 197 tù nhân. 197 con người ghẻ lở, phù thũng, bệnh tật, máu me hôi hám…

    Tính trung bình, 8 người chồng chất nhung nhúc lên nhau trên 1 m2. Nằm không được, đứng hết hay ngồi hết cũng không được. Khổ cực vô cùng. Đã thế, cứ nhằm vào dịp lễ Tết, chúng lại lôi ông ra phòng tra tấn đập vỡ móng tay, bẻ từng chiếc răng.

    Ông kể: “Chúng bắt tôi đặt ngón tay lên cạnh bàn rồi dùng búa đinh hoặc chày, nện đốp một cái rất mạnh. Chúng nện hơi chếch. Móng tay bựt ra, có khi văng hẳn xuống đất, có khi còn dính lòng thòng, máu tuôn ròng ròng. Tôi đau đớn đến run rẩy, mặt tái xám. Mặc! Chúng lần lượt ghè móng này xong lại đập móng khác”.

    Chuyện bẻ răng cũng đau đớn vô cùng. Chúng bắt ông đứng úp mặt vào tường, chìa miệng ra cái ô tròn như miệng chén của vỉ sắt rồi kề một đầu của chiếc thước kẻ bằng đồng vào chiếc răng cần bẻ, đầu kia, chúng dùng bàn tay vỗ “bộp” vào cái chuôi thước. “Cắc”. Chiếc răng văng xuống nền xi măng khô khốc. Mỗi lần vỗ “bộp” là một lần chiếc răng nữa văng ra. Nhưng chỉ hai ba lần vỗ là mồm miệng nhoe nhoét máu. Có lần, uất quá, ông vừa nuốt máu, vừa chửi: “Mẹ chúng mày. Oai gì cái lối trói người lại đánh. Giỏi thì ra ngoài bìa rừng kia, một mình tao chấp cả chục”.

    Đáp lại lời thách đố oai hùng ấy là tiếng cười sằng sặc của lũ cai ngục. Ngay buổi chiều, chúng quẳng ông vô chuồng cọp, chuồng chó./.

    Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên