Chuyện về người ám sát hụt Ngô Đình Diệm (Phần 3)

(VOV) - Tiếng hát đầy ý chí và tình thương nên mọi người gọi ông là Thương, phòng giam số 10 nên gọi là Mười Thương.

Sau khi bị bắt, chúng đưa ông vào đánh đập, điều tra ngay tại Buôn Mê Thuột. Ngô Đình Nhu, Trần Kim Tuyến và viên sĩ quan biệt bộ Phủ Tổng thống (Phạm Ngọc Thảo –tình báo của ta) cũng theo vào điều tra.

Chúng hỏi “Ai tổ chức anh ám sát Tổng thống?”. Với kế hoạch đánh địch bằng đòn li gián, Hà Minh Trí trả lời “Thiếu tướng Mai Hữu Xuân và Cao Đài liên minh ở Tây Ninh”. Thiếu tướng Mai Hữu Xuân lúc này đang là Giám đốc Nha an ninh quân đội ngụy. Ngô Đình Nhu đã ra lệnh “tất cả những người có mặt ở đây, phải tuyệt đối giữ bí mật tin này”.

Để kiểm tra xem Hà Minh Trí có đúng là Cao Đài hay không, chúng đã đưa Tạ Thành Long –trung tá Phủ đặc ủy Trung ương tình báo ngụy ở Sài Gòn lên hỏi cung Hà Minh Trí. Vì ông này trước đây vốn là thầy giáo dạy đạo đức học đường ở Tòa Thánh Tây Ninh, Hà Minh Trí đã nhận ra ông đã dạy mình lúc còn đi học lớp 2 (năm 1950).

Tạ Thành Long hỏi “Mày khai Cao Đài, vậy mày có học trường đạo Lê Văn Trung hay đạo đức học đường không? Ban giám đốc các trường đó là ai?” Hà Minh Trí đã trả lời vanh vách. Nghe xong, ông Long không còn hỏi gì nữa đứng dậy đi ra.

Hôm sau, chúng đưa tướng Mai Hữu Xuân vào điều tra Hà Minh Trí. Mai Hữu Xuân hỏi “Mày khai Cao Đài, vậy mày biết người này không?” Vừa hỏi, hắn vừa móc trong túi ra một tấm ảnh 4x6.

Hà Minh Trí nhìn tấm ảnh trả lời “Đây là thiếu tướng Nguyễn Văn Mạnh, Phó Tư lệnh quân đội quốc gia liên minh, em rể của cố trung tướng Trịnh Minh Thế. Ông Mạnh lấy chị Trịnh Thị Nhan, em gái của cố Trung tướng, nhà ở Cẩm Giang”. Mai Hữu Xuân bỏ tấm ảnh vào túi và đứng dậy đi luôn.

Nhà của Anh hùng LLVT Phan văn Điền (Mười Thương)

Sau đó chúng còng tay, bịt mắt đưa Hà Minh Trí ra sân bay về Sài Gòn. Chúng đưa ông đến trụ sở đặc biệt của mật vụ Phủ Tổng thống ngụy để tra tấn hỏi cung. Cho đến năm 1958, chúng đưa Hà Minh Trí về Trại giam Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn. Hà Minh Trí được giam ở phòng số 10, phòng đặc biệt luôn có 3 tên lính đứng gác. 

Mặc dù bị đánh đập, tra tấn suốt ngày đêm với những chiêu độc ác hết sức dã man, đầu óc của Hà Minh Trí luôn căng ra để trả lời những câu hỏi cung của địch nhằm làm li gián kẻ thù, có lợi cho cách mạng. Dù bị đòn roi, tra tấn chết đi sống lại nhưng ông vẫn hát. Hà Minh Trí không phải hát cho mình, mà hát để động viên những bạn tù ở phòng khác bị đưa đi điều tra, tra tấn trở về phòng.

Tiếng hát của Hà Minh Trí đã cũng cố thêm tinh thần và ý chí cách mạng của những chiến sĩ khác như Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư và những nữ sinh trường Gia Long bị bắt trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn. Tiếng hát đầy ý chí và tình thương nên mọi người gọi Hà Minh Trí bằng tên Thương. Ở phòng giam số 10 nên gọi là Mười Thương. Và từ đó đến nay, cái tên Mười Thương đã trở thành tên thường gọi thân mật.

Tháng 8/1962, chúng đưa ra tòa án xét xử kín Mười Thương, do tên đại tá Khoa- Chánh án Tòa án quân sự đặc biệt trực tiếp xét xử. Chúng hỏi “Tại sao anh giết Tổng thống?”. Mười Thương trả lời “Ngô Đình Diệm là kẻ ác nhất miền Nam. Kéo về Tây Ninh bao vây định bắt trung tướng Trịnh Minh Thế và đàn áp Cao đài. Ngô Đình Diệm càn quét dân chúng miền Nam. Tôi giết một con mèo độc để cứu vạn con chuột”. Mười Thương bị tuyên án tử hình.

Tháng 10/1963, chúng quyết định đày Mười Thương đi Côn Đảo cùng 41 đồng chí khác bị chúng tuyên án tử hình theo luật 10/59. Trước khi đi, ông có bài thơ khắc trên chiếc can nhựa tặng cho người bạn tử tù Võ Duy Quang tại khám Chí Hòa: “Đêm lui, nắng đã ửng rồi/Cành sai trái ngọt, rộng trời cờ sao/Vườn xuân đỏ rực hoa đào/Chim hồng tung cánh bay vào bình minh”.

Anh hùng LLVT Phan Văn Điền vừa vượt qua cơn bạo bệnh

Ý chí, tinh thần đấu tranh bất khuất của người cộng sản trẻ tuổi không chỉ làm cho giặc nao núng, mà còn rung động trái tim của cô nữ sinh Gia Long- người bạn tù trong phong trào đấu tranh của sinh viên. Mối tình đẹp như trong huyền thoại giữa Mười Thương và Nguyễn Kim Hưng (Nhã Nam), người vợ thuỷ chung của ông, đến tận bây giờ đã làm biết bao nhiêu người xúc động.

Năm 1963, Ngô Đình Diệm bị đảo chính, nhiều người ở Côn Đảo được thả ra. Đầu năm 1964, sau vụ Nguyễn Khánh làm đảo chính, ông được giải về đất liền nhưng vẫn đưa tiếp vào trại giam. Tại đây, Hà Minh Trí được gặp Trần Quốc Hương (Mười Hương), Nguyễn Đình Quảng (Minh Vân) từ trại giam 9 hầm Huế đưa vào.

Mười Hương đã chỉ đạo Hà Minh Trí một số nhiệm vụ và cơ sở bắt liên lạc sau khi ra tù. Cuộc đảo chính lật đổ Nguyễn Khánh tháng 2/1965, Phan Khắc Sửu, người bị Diệm bắt giam trong vụ đảo chính năm 1960 ở chung dãy trại B của Trung tâm thẩm vấn, đã nhận Hà Minh Trí là đồng đạo được lên làm quốc trưởng. Cũng chính vì vậy, ngày 10/3/1965, Mười Thương được trả tự do.

Ra tù, Mười Thương tiếp tục hoạt động trong Ban An ninh khu Sài Gòn –Gia Định, Ban An ninh Trung ương cục miền Nam, Ban An ninh tỉnh Tây Ninh, Văn phòng Bộ Nội vụ ở phía Nam. Năm 1976 về công tác lại ở Công an Tây Ninh, nơi mà trước đây Mười Thương công tác và nhận nhiệm vụ của Ban địch tình Tỉnh uỷ Tây Ninh diệt Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Sau này vì yêu cầu công tác, Đại tá công an Phan Văn Điền (Mười Thuơng) được điều sang làm Phó Ban Nội chính Tỉnh uỷ Tây ninh, rồi Phó Ban dân vận Tỉnh uỷ, Trưởng Ban tôn giáo tỉnh Tây Ninh. Dù ở cương vị công tác nào, ông cũng luôn giữ vững phẩm chất đạo đức của người cách mạng, nhiệt tình, xông xáo, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Năm 2005, kỷ niệm 60 năm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân, ông Phan Văn Điền (Mười Thương) được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Nay ông đã gần 80 tuổi, vừa vượt qua một cơn bạo bệnh, sức khỏe còn rất yếu nhưng đầu óc ông vẫn rất minh mẫn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chuyện về người ám sát hụt Ngô Đình Diệm (Phần 2)
Chuyện về người ám sát hụt Ngô Đình Diệm (Phần 2)

(VOV) - Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn và nguy hiểm, nếu không hy sinh thì cũng bị bắt, nhưng Phan Văn Điền không hề chùn bước.

Chuyện về người ám sát hụt Ngô Đình Diệm (Phần 2)

Chuyện về người ám sát hụt Ngô Đình Diệm (Phần 2)

(VOV) - Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn và nguy hiểm, nếu không hy sinh thì cũng bị bắt, nhưng Phan Văn Điền không hề chùn bước.

Chuyện về người ám sát hụt Ngô Đình Diệm (phần 1)
Chuyện về người ám sát hụt Ngô Đình Diệm (phần 1)

(VOV) - Trong quá trình hoạt động, ông còn có nhiều tên khác như Đinh Dũng, Phạm Công Phú, Hà Minh Trí, Triệu Thiên Thương.

Chuyện về người ám sát hụt Ngô Đình Diệm (phần 1)

Chuyện về người ám sát hụt Ngô Đình Diệm (phần 1)

(VOV) - Trong quá trình hoạt động, ông còn có nhiều tên khác như Đinh Dũng, Phạm Công Phú, Hà Minh Trí, Triệu Thiên Thương.