Đăk Glei: Bất lực trước nạn khai thác vàng trái phép

VOV.VN -Đã có hiện tượng cát cứ, bảo kê khiến an ninh trật tự nông thôn đảo lộn.

Tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra  từ nhiều năm nay trên địa bàn huyện Đắc Glei, tỉnh Kon Tum và ngày càng trở nên nhức nhối. Đào đãi vàng khiến  sông suối lệch dòng, đồi núi nham nhở. Đã có hiện tượng cát cứ, bảo kê khiến an ninh trật tự nông thôn đảo lộn. Trong khi đó thì chính quyền địa phương tỏ ra bất lực, dẫn đến buông lỏng quản lý đối với tài nguyên quốc gia.

Một bãi vàng ở Đăks Glei

Từ thành phố Kon Tum, mất hơn hai tiếng ngồi ô tô ngược đường Hồ Chí Minh hướng Tây Bắc, cộng với hơn hai tiếng đi bộ xuyên rừng giữa trời mưa tầm tã, chúng tôi tiếp cận được một lán trại của người dân làng Nú Vai, xã Đắc Kroong, huyện Đắc Glei.

Ngay sau lời đề nghị dẫn đường vào bãi vàng, anh Đinh Công Hưng thẳng thừng từ chối với lý do là sợ: “Dân bình thường không dám vào. Vào người ta đánh đập cho, rồi nhiều lúc người ta bắn cho cũng sợ nên không ai dám vào”.

Theo chỉ dẫn của anh Hưng, mất thêm gần một tiếng đi bộ trên con đường  rừng, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được bãi khai thác của “vàng tặc”. Trên suốt đoạn suối dài nhiều cây số, hàng trăm hầm hố đào vàng với đất đá bị lật tung khiến lòng suối lở loét, biến dạng. Đi thêm hơn 500 m lên phía thượng nguồn, gặp ngay hai lán trại  của “vàng tặc” với hai máy nổ, máng đãi chình ình giữa “thanh thiên bậch nhật” với những hố đào mới tinh, rộng hoác ăn vào phía núi. Phải đến lúc trên đường trở ra, tình cờ gặp anh Bùi Văn Huy đi rẫy làm cỏ mì, thắc mắc vì sao đi gần cả ngày mà không gặp người làm vàng của chúng tôi mới được giải đáp: “Hầm trong núi dài cả cây số. Vào đấy nếu mà không cẩn thận là họ đánh chết. Bốn giờ chiều là họ bắt đầu nổ máy đến hết đêm”.

Cũng giống như nhiều điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện Đắc Glei, bãi vàng Đắc Brót không hiểu sao vẫn ngang nhiên tồn tại từ nhiều năm nay, cho dù để con người, phương tiện, lương thực thực phẩm đến được bãi vàng hàng ngày, chỉ có một con đường độc đạo gần UBND xã Đắc Kroong, và đi qua ngay trước nhà vị chủ tịch xã này.

Trong khi đó thì trả lời phóng viên, bà Y Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Kroong không giấu nguyên nhân khiến “vàng tặc” lộng hành, đó là sự bất lực của chính quyền địa phương:  “Chúng tôi không làm được gì khi đến thì họ cũng chấp hành. Thu gom máy rồi che bạt phủ, rồi hứa là sẽ đưa máy về. Nhưng khi chúng tôi về họ lại tiếp tục. Cũng có khi một số người khiêng máy trốn vào rừng, chúng tôi không làm  gì được”.

 Không thể không đặt câu hỏi có hay không về sự bảo kê cho việc khai thác vàng trái phép, khi mà các bãi vàng vẫn ngang nhiên tồn tại dù chính quyền xã và huyện đều biết. Điển hình như bãi vàng Đắc Pét một thời “vàng tặc” làm mưa, làm gió dù chỉ cách trụ sở UBND huyện Đắc Glei chưa đầy 10km đường nhựa. Gần đây là việc Công ty cổ phần Phúc Kim Tâm trên danh nghĩa xây dựng thủy điện Đắc Brót, ở xã Đắc Nhoong tổ chức khai thác vàng trái phép từ năm 2009, sau gần 3 năm mới được phát hiện. Nhức nhối hơn là những hầm vàng thọc sâu vào núi đồi ngay trong khu vực biên giới ở xã Đắc Blô. Thế nhưng theo ông Nguyễn Phúc Phận, Chủ tịch UBND huyện Đắc Glei, vì nhiều lý do khiến chính quyền huyện không thể ngăn chặn triệt để được tình trạng khai thác vàng trái phép. “ Bây giờ giống như đá bóng, cứ đá qua đá lại. Tôi đề xuất mấy lần rồi mà tỉnh vẫn không quyết. Gốc vấn đề là có cho làm hay không? Nếu làm ráo riết, tất cả đều bị tịch thu tang vật, xử lý hành chính, mạnh hơn nữa là xử lý hình sự”.

Điều mà ông  Nguyễn Phúc Phận, Chủ tịch UBND huyện Đắc Glei trả lời trước máy ghi âm của chúng tôi thể hiện sự bất lực của chính quyền cấp xã, đến buông lỏng quản lý ở chính quyền cấp huyện. Đây là cơ hội để “vàng tặc” tại huyện Đắc Glei, tỉnh Kon Tum lộng hành.

Tài nguyên quốc gia bị bòn rút, môi trường bị huỷ hoại, hậu quả không lường đã hiển hiện trước mắt, đó là lũ quét, lũ ống dồn dập; là sự xuất hiện của dịch bệnh khi những con suối con sông bị hoá chất ô nhiễm./.


Tình hình khai thác vàng trái phép không chỉ diễn ra ở Kon Tum mà ở nhiều nơi của Tây Nguyên. Mới nhất là vụ việc khai thác vàng trái phép ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pách, tỉnh Đắc Lắc. Nếu việc khai thác vàng tiếp tục bị thả nổi không biết sẽ còn những hệ lụy gì sau những vụ sâp hầm vàng chết người, hồ chưa nước bị bồi lấp và người dân sống quanh khu vực khai thác phải sống chung với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kon Tum: Vàng tặc hoành hành
Kon Tum: Vàng tặc hoành hành

Chỉ riêng trên đoạn sông Đắk Blo đang có khoảng hơn 30 máy với hàng trăm người dân ngang nhiên khai thác vàng suốt ngày đêm.

Kon Tum: Vàng tặc hoành hành

Kon Tum: Vàng tặc hoành hành

Chỉ riêng trên đoạn sông Đắk Blo đang có khoảng hơn 30 máy với hàng trăm người dân ngang nhiên khai thác vàng suốt ngày đêm.