Đôi chân kỳ diệu

4 tuổi người vẫn mềm như sợi bún, 5 tuổi biết ngồi và 15 tuổi mới biết ú ớ gọi mẹ… Tuổi thơ của Tô Văn Dũng (thôn Sơn Du, xã Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội), không bình lặng như những đứa trẻ cùng trang lứa.  

Chưa một lần đến trường, vậy mà từ khi có chiếc máy tính cũ, Dũng đã “thuần phục” nó như một… “kỹ sư” phần mềm, chỉ bằng một đôi chân nguệch ngoạc.

Từ thợ phá “phần cứng”…

Cất tiếng khóc chào đời khi chưa đầy 7 tháng nằm trong bụng mẹ, Dũng chỉ nặng 1,4kg. Hơn một tháng nằm trong lồng kính tại Bệnh viện Xanh Pôn, Dũng được đón về trong niềm vui, chen lẫn nỗi buồn của gia đình. “Cháu sinh thiếu tháng nên cả mẹ và con đều rất yếu! Thương con, tôi chỉ biết ôm con khóc, chứ đâu biết cháu bị nhiễm chất độc da cam, nhưng may còn giữ được cháu” - chị Trần Thị Giang, mẹ Dũng nhớ lại.

Chị Giang cho biết, lúc nhỏ Dũng vẫn bình thường, chứ chưa bị “lệch mặt”, chân tay co quắp như bây giờ. Nhưng dần dần, Dũng bắt đầu có những biểu hiện “khác thường”. Cơ hàm mỗi ngày một cứng lại, rất khó khi uống nước, nhai cơm. Đôi chân ngày càng dài ra như chân sếu, 2 cánh tay như có ai kéo bẻ ngoặt về đằng sau, rồi cuối cùng cũng bị liệt, không thể cử động nữa. Thương con, vợ chồng chị dốc hết gia sản, vay mượn thêm bạn bè để chữa trị cho con, nhưng đi đến đâu bác sỹ cũng đều lắc đầu. “Bác sỹ bảo cháu bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nên không thể chữa được. Tuyệt vọng, vợ chồng tôi đành đưa cháu về, cố giấu nước mắt trong lòng khi hằng ngày phải chứng kiến con vật lộn với bệnh tật”. Dũng đã bị nhiễm chất độc da cam từ ông ngoại, một thương binh hạng 2/4, đã từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên Huế.

Năm 2006, một tổ chức phi chính phủ của Pháp đã tài trợ kinh phí mổ kéo cánh tay về đằng trước cho Dũng. Nhưng chỉ được 3-4 tháng sau, hai tay của em lại quay trở lại vị trí cũ. Dũng bảo (được chị Giang “phiên dịch” lại): “Sau khi phẫu thuật tay, mặc dù không cầm nắm được gì, nhưng nó giữ thăng bằng đi lại còn dễ. Chứ hồi trước, cháu nhiều lần bị ngã vì mất thăng bằng, luyện tập mãi mới ngồi được ghế như bây giờ!”. Tay không thể cử động, mọi việc, Dũng chỉ còn biết nhờ vào đôi chân không lành lặn còn lại. Vậy là, hằng ngày, Dũng bắt đầu tập luyện bằng cách dùng chân kẹp những viên đá sỏi, rồi kẹp que để vẽ lên mặt đất, rồi kẹp cốc, chén để tự rót nước... Đến nay, đôi chân ấy đã điêu luyện chẳng khác gì đôi bàn tay khéo, Dũng đã có thể cầm nắm tất cả các đồ vật dù là nhỏ như… cái kim.        

Chưa một ngày đến trường, tuổi thơ của Dũng chỉ quen với cái giường và mấy gian nhà chật chội. Dũng không nói được nhiều, chỉ vài ba câu ấp úng, nhưng trí não thì vẫn không bị ảnh hưởng nhiều. Chị Giang vốn là giáo viên mầm non, thương con ở nhà mãi “tù chân”, thi thoảng lại đưa con lên trường chơi với mấy đứa trẻ ở trường. Nhưng cũng vì thế mà nhiều lần chị phải rơi nước mắt vì thương con. “Bây giờ các cháu quen rồi còn đỡ, chứ mấy lần trước đưa con lên, các cháu nhìn thấy chân tay loằng ngoằng, đầu thì cứ lắc lư, thế là “tá hoả” thi nhau khóc thét lên, nghĩ vừa thương con lại vừa thương các cháu”, chị Giang giọng ngấn lệ.

Có lẽ những lần theo mẹ lên lớp, Dũng đã học được một vài con chữ cùng các cháu mẫu giáo. Bởi chị Giang cũng không thể biết làm cách nào mà đến giờ, Dũng đã có thể viết được tên bố mẹ, anh chị, chú bác trong gia đình và nhớ hàng chục số điện thoại của người thân. Năm 2004, chị  Giang tích góp mua được một cái máy tính cũ để soạn giáo án. Thấy có nhiều trò chơi hay, Dũng đòi mẹ cho chơi bằng được. “Hôm đó, tôi về muộn, mở cửa ra thì thấy chiếc máy tính đã bị cháu tháo tung tóe mỗi nơi mỗi mảnh, bày khắp nhà. Tôi định quát thì cháu bò lại ôm lấy chân mẹ líu ríu: Mẹ đừng mắng con, con sẽ lắp lại trả mẹ ngay! 2 ngày sau cháu lắp lại như cũ và máy vẫn chạy bình thường”. Rồi ở nhà có cái ổ điện hỏng, máy móc hỏng nào Dũng đều đem ra sửa lại. Điều đáng nói là, tất cả các thao tác vặn xoáy ốc, tháo ra lắp vào đều được Dũng làm bằng chân.

Hằng ngày, Dũng vẫn say mê bên bàn vi tính

 … Đến “kỹ sư” phần mềm

Không chỉ thế, khả năng lướt web, điều khiển chuột bằng chân, rồi dùng phần mềm photoshop chỉnh sửa ảnh, cắt dán, dựng thành CD… của Dũng mới thật đáng ngạc nhiên. Khi tôi nhờ Dũng chỉ cho vài thao tác máy tính, Dũng dùng ngón chân cái mở máy, chân phải giữ chuột, chân trái lướt trên bàn phím, 2 chân kết hợp nhau rất ăn ý.

Rồi Dũng dùng chân mở khóa tủ lấy ra 3 album CD, “vol 1, vol 2…” vừa mới “phát hành” và mở cho tôi xem. Đó là những CD cưới, sinh nhật... được quay, chụp từ máy ảnh, điện thoại của gia đình và một vài đồng nghiệp chị Giang nhờ làm. Chị Giang tiết lộ, Dũng có một CD hay và đầu tư công phu lắm, nhưng ít ai được xem. Vốn rất yêu quý các em nhỏ nên mỗi lần theo mẹ lên lớp, Dũng lại lấy điện thoại của mẹ để quay, chụp lại những hình ảnh rất dễ thương của các bé. Sau đó, Dũng dùng kỹ xảo phần mềm photoshop dựng thành CD, có cả ảnh động và nền nhạc thiếu nhi.

Chị Giang cho chúng tôi xem cuốn sách “Các tính năng xử lý ảnh cao cấp trong Adoben Photoshop 7.0 và 8.0” của Dũng. Sách được chia ra từng chương, từng mục… như người ta chia các chữ cái trong các cuốn từ điển một cách rất khoa học. Nhìn cuốn sách nhàu nhĩ, hẳn Dũng đã giở ra rất nhiều. Nhưng cũng chủ yếu là nhìn theo các thao tác trong hình vẽ, vì nhiều chữ Dũng không đọc được. Rồi một lần, máy tính bị "dính" vi-rút “chúa”, chị Giang phải nhờ thợ về sửa, loay hoay mãi, anh thợ đành “bó tay” ra về. Thế mà 2 hôm sau, khi chị đi làm về, chiếc máy tính đã được Dũng “phẫu thuật” lại và hoạt động bình thường. Đến nay, Dũng đã có thể tự cài đặt phần mềm, tải phần mềm diệt vi-rút BKV của Bách khoa trên mạng về và áp dụng nhiều tính năng khác trên máy tính.

Thường thì Dũng mày mò trên máy tính cả đêm, thương con, chị Giang lại nhắc con đi ngủ sớm. Nhưng thấy Dũng đầy nghị lực và quyết tâm, chị không nỡ cản. “Thấy sản phẩm của Dũng hay, nhiều người muốn “đặt hàng”, cháu bảo mẹ cứ nhận để con làm kiếm thêm vài đồng trả tiền điện, tiền mạng… Tính nó cầu toàn lắm, làm cái gì là phải “hoàn hảo” mới thôi. Tôi sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ cháu nên không nhận” - chị Giang kể.

Đặc biệt hơn, Dũng còn có thể đánh được một số bài hát thiếu nhi bằng những ngón chân từ chiếc đàn Organ mà mẹ mang từ trường về. Bản nhạc du dương và rất “có hồn” khiến nhiều người nghe xong không thể cầm được nước mắt.

Chị Giang tâm sự, “Cháu tình cảm lắm, lúc nào cũng lo lắng cho mẹ”. Thấy mẹ khoe với khách, Dũng cười, điệu cười tuy ngô nghê, nhưng tràn đầy hạnh phúc. Chất độc dioxin đã huỷ hoại thân xác Dũng, nhưng không thể hủy hoại được ý chí, nghị lực và quyết tâm của người thanh niên trẻ tuổi này. Và Dũng đã biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể. Trong nỗi đau về đứa con tật nguyền, vợ chồng chị Giang vẫn còn niềm vui, niềm tự hào về khả năng và nghị lực của con.

Mặc dù bị nhiễm chất độc da cam, nhưng Dũng vẫn chưa được hưởng chế độ ưu đãi nào. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Đắc Điền, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh cho biết: “Theo Thông tư số 08/2009/TT- BLĐTBXH ngày 07-/04/2009 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì trường hợp của cháu Dũng thuộc đời cháu (đời thứ 3), gián tiếp bị ảnh hưởng từ ông ngoại. Đến nay, mới chỉ có chủ trương giải quyết chế độ đời thứ 2, nên chúng tôi mới chỉ lập danh sách, khi nào có chỉ đạo của cấp trên sẽ thực hiện”.

Trước khi tôi ra về, Dũng mở tủ lấy ra một hộp giấy có ghi đầy đủ tên, địa chỉ mail dungtohuu@gmail.com,  và số điện thoại đưa cho tôi. Dũng bảo: “Khi nào rỗi, chú nhớ mail cho cháu nhé!”. Và tôi nhận ra rằng, đằng sau con người đầy nghị lực kia vẫn là một niềm khát khao được tâm sự, sẻ chia và làm bạn với tất cả mọi người./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên