Về chuyện “áp vong tìm mộ”

Kỳ 2: Có dấu hiệu lừa đảo?

Có hiện tượng lừa đảo ở một vài trung tâm tìm mộ ở Nghệ An; Nguy cơ xảy ra hiện tượng cảm ứng tiêu cực tập thể: tâm thần, hoảng loạn... khá cao.

Hy vọng mong manh

Theo Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người Việt Nam, tìm kiếm mộ bằng phương pháp ngoại cảm là có thực tế. Khả năng này chỉ có ở rất ít người và kết quả phải được kiểm nghiệm qua thông tin từ những nhân chứng, chứng cứ khoa học và xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, những kết quả mà các điểm tìm kiếm mộ ở Nghệ An có được đều chưa qua kiểm chứng bằng các phương pháp khoa học. Đáng nói hơn, qua tìm hiểu của phóng viên, những người tự xưng có khả năng tìm mộ này sau khi “triệu vong” liệt sỹ về thì dường như hết trách nhiệm. Việc áp vong có thành công hay không và thông tin về hài cốt có được hay không chủ yếu phụ thuộc vào cơ duyên của thân nhân liệt sỹ.

Thực tế, có trường hợp thông tin do “vong” liệt sỹ “cung cấp” trùng khớp với những gì đã tìm kiếm. Nhưng điều đó cũng chưa đủ khẳng định liệu hài cốt đó có đúng là người cần tìm hay không. Không ít gia đình phải bằng lòng với kết quả do các điểm tìm kiếm xác định, mặc dù chưa tìm được hài cốt của người thân hoặc chỉ khai quật được nắm đất đen, chùm rễ cây... Có trường hợp đã bốc nhầm mộ của người khác, thậm chí hao công, tốn của đi tìm nhưng phải tay không trở về.

Như trường hợp của gia đình ông Đinh Xuân Trường ở xóm 5, Xuân Hòa tìm mộ anh trai là liệt sỹ Đinh Xuân Cầu. Gia đình được vong “thông báo” và “chỉ” mộ hiện nay đang nằm ở rừng Bình Dương. Thế nhưng, hai đồng đội là Nguyễn Công Thành và Trần Văn Thường ở Nam Đàn (Nghệ An) đều khẳng định liệt sỹ Đinh Xuân Cầu hy sinh tại Lào trong khi đang vượt sông Se-băng-hiêng, tại tỉnh Xa-Na-Khệt (hạ Lào) và chính hai ông đã an táng liệt sỹ tại Lào thì làm sao có mộ ở Bình Dương để gia đình cất bốc?

Nhiều điểm tìm kiếm mộ liệt sỹ đã đặt ra khoản thu trái quy định

Trong khi đó, tình trạng thương mại hóa, lợi dụng tâm lý của gia đình thân nhân liệt sỹ để “móc túi” tại các điểm tìm kiếm mộ đang diễn ra rất phức tạp. Theo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, chi phí cho việc tìm kiếm mộ bằng phương pháp “áp vong” rất tốn kém. Một số gia đình phải vay mượn tiền bạc, cầm cố tài sản để theo đuổi việc tìm kiếm mộ (trung bình mỗi trường hợp đi tìm mộ phải tiêu tốn từ 40 - 80 triệu đồng). Qua kiểm tra và báo cáo của các huyện, thành, thị, các cơ sở tìm kiếm mộ liệt sỹ bằng con đường “áp vong” đã đặt ra nhiều khoản thu trái quy định pháp luật, gây khó khăn cho các gia đình thân nhân liệt sỹ khi đến làm lễ. Cụ thể, họ tự đặt hòm công đức, quy định tiền lễ cúng, tiền chỗ ngồi, thuê xe... để trục lợi. Đặc biệt, hầu hết “các vong” khi nhập đều yêu cầu đi xe của cơ sở với giá thuê cao ngất ngưởng(!?). Hay khi liệt sỹ “áp vong” không nói được, các điểm tìm kiếm mộ tự “chữa bệnh” cho liệt sỹ, như trường hợp một gia đình ở thị trấn Hưng Nguyên, một liều thuốc chữa bệnh cho liệt sỹ, gia đình phải mất 1,2 triệu đồng.

Nguy kịch vì "đuổi vong"

Nguy hiểm hơn là từ các điểm tìm kiếm mộ liệt sỹ ở Nam Đàn, Yên Thành, Hưng Nguyên còn xuất hiện tình trạng đánh đập người trái phép, cố ý gây thương tích. Dù đã trải qua cơn nguy kịch, nhưng chị Nguyễn Thị Xuân ở TP. Vinh vẫn chưa hết bàng hoàng. Nằm trên giường bệnh để truyền nước, ánh mắt chị vẫn chứa đầy sự hoảng hốt lẫn âu lo. Nghe chúng tôi nói đến chuyện “áp vong, gọi hồn”, chị bỗng rùng mình và co người lại như để tự vệ. Đôi mắt chị đẫm lệ hoà với tủi hờn khiến khuôn mặt chị như bị biến dạng. Anh Võ Gia Hiệp, chồng chị ngồi bên cạnh như cảm thông được nỗi đau của vợ, an ủi: “Thôi mình đừng nói nữa. Chuyện đã qua rồi mà”. Để cho vợ nghỉ, anh Hiệp chậm rãi kể về hành trình khổ ải vợ anh vừa trải qua.

Chị Xuân vẫn chưa hết hoảng hốt khi nằm viện điều trị

Theo lời anh Hiệp, chị Xuân có người bác ruột là liệt sĩ Nguyễn Văn Nguyên hy sinh trong chiến tranh. Mấy chục năm qua, cả nhà chị vẫn cứ đau đáu là sớm tìm được phần mộ của bác để an táng tại quê nhà. Đầu năm nay, tại khối 1, thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) có ông Hồ Xuân Bình, tự xưng là nhà ngoại cảm giúp tìm mộ liệt sĩ. Cả gia đình chị Xuân đã không quản ngại nắng gió đến hầu ông Bình. “Ngồi thiền” được mấy buổi, toàn thân chị đã rệu rã, mệt lả đi. Chị không tự kiểm soát được hành vi của mình. Người nhà ông Bình bảo, ông bác “nhập” vào chị Xuân. Những người ngồi xung quanh mừng như bắt được vàng. Ai cũng hỏi xem “hồn” ở đâu? Nơi hy sinh chỗ nào để gia đình đi tìm.

Mọi người chưa kịp vui thì chị Xuân không trả lời được mà lên cơn điên loạn. Ngay cả khi đã về nhà, cơn hoảng loạn vẫn chưa dứt. Chị la hét, chửi bới chồng con té tát. Không dừng lại ở đó, chị lao vào đập phá, đánh mắng mọi người… chẳng coi ai ra gì. Quá hoảng hốt, anh Hiệp ra báo với ông Bình về tình trạng của vợ mình. Ông Bình phán rằng, đó là do “vong” nhập và ông cử đệ tử vào giải “vong” cho chị Xuân. Họ dùng tay ấn mạnh vào lòng bàn tay và bàn chân của chị Xuân. Bệnh tình không thuyên giảm mà chị Xuân càng gào thét kinh hơn. Anh Hiệp đi khắp nơi mời các pháp sư cao tay ấn về giải “vong” cho chị Xuân. Có pháp sư còn dùng roi dâu quật khiến chị Xuân tím tái mặt mày. Dường như con “ma” trong người chị rất cứng đầu, nên dù các thầy cúng còn dùng biện pháp mạnh là đấm, đá, tát… nhưng đều bất lực.

Suốt cả tháng trời chạy chữa khắp nơi hao tiền tốn của, ấy vậy mà con “ma” vẫn chưa chịu buông tha chị Xuân. Nhìn vợ với thân hình teo tóp, tinh thần hoảng loạn khiến lòng anh Hiệp quặn đau. Khi đã hết cách cứu chữa, anh Hiệp mới đưa vợ đến Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Rất may là nhờ có sự cứu chữa kịp thời của các bác sĩ, chị Xuân mới qua cơn nguy kịch.

Trường hợp chị Xuân không phải là cá biệt. Theo bác sỹ Phạm Ngọc Ngô, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, có không ít trường hợp bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện trong tình trạng tím tái toàn thân. Nguyên nhân do "giải vong" không được, nên người của trung tâm đã dùng roi dâu đánh đập để đuổi tà ma. “Đến nay đã có 20 bệnh nhân tâm thần nhập viện, nguyên nhân là do đi "áp vong" tìm mộ liệt sĩ. Họ đến bệnh viện trong tình trạng sức khoẻ yếu ớt”, bác sĩ Ngô cho biết thêm. Còn theo bác sỹ Nguyễn Đức Toàn, Trưởng khoa Bán cấp tính nữ (Bệnh viện Tâm thần Nghệ An), số người đến xin điều trị tại nhà đông gấp nhiều lần.

Cần phải tỉnh táo

Từ ngày xứ Nghệ xuất hiện hàng loạt nhà ngoại cảm, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An phải có riêng một danh sách là những bệnh nhân tâm thần mắc bệnh do đi gọi hồn. Khi chúng tôi gặp ông Phan Kim Thìn, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An để trao đổi với ông về số bệnh nhân nhập viện do bị “vong” nhập, câu đầu tiên ông nói với chúng tôi là: “Vào những nơi đó thì ngay cả tôi cũng bị tâm thần…”.

Bác sỹ Phạm Ngọc Ngô cho rằng, hiện tượng "áp vong" ở các trung tâm tìm kiếm mộ liệt sỹ thực chất là hiện tượng lên đồng. “Chính trong môi trường gây hiệu ứng tiêu cực: đông đúc, nắng nôi, mệt mỏi do chờ đợi lâu, ai cũng khóc, ai cũng cười..., bệnh phát sinh là không thể tránh khỏi. Nét chung ở môi trường này là cảm ứng tiêu cực lây sang nhau, cảm giác như có "vong linh" nhập vào. Có bệnh nhân thấy tê người, rồi có những người không kìm được khóc luôn, khóc vật vã, nói lung tung. Có người đang từ nói giọng này chuyển sang nói giọng khác, không trùng lặp, lai tạp. Sau đó, người ta không nhớ mình đang ở trạng thái đó” - bác sỹ Ngô nhấn mạnh.

Theo bác sỹ Ngô, khi không may bị bệnh rối loạn tâm thần thì thân nhân liệt sỹ phải đi điều trị, không nên làm bùa phép hay đánh đuổi vong mà phải cách ly ngay môi trường, để người đó yên tĩnh, nghỉ ngơi, ăn uống bồi dưỡng và phải dùng thuốc, liệu pháp tâm lý. Bác sỹ Ngô cũng khuyến cáo các thân nhân liệt sỹ phải tỉnh táo, nếu các trung tâm có khả năng đặc biệt về ngoại cảm hay tâm linh thật thì mình cũng phải bình tĩnh, nghe ngóng, tránh bị lừa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên