Người “mua việc”

Đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Nguyễn Lê Định, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đồng cảm số 7, xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên vẫn miệt mài trên cuộc hành trình “cứu rỗi những cuộc đời”

Nỗi đau từ những bãi vàng

Đến thăm ông vào một ngày thu, nắng trải vàng trên những thảm cỏ. Trong căn nhà nhỏ ở xã Huống Thượng, với dáng vẻ tất bật, ông hồ hởi: “Tôi đang chuẩn bị cho ngày sinh hoạt hàng tháng của Câu lạc bộ, chút nữa mời các chú đi vận động cùng cho vui”.

Con đường làng vắt qua những cánh đồng bao năm nay dường như đã quen với bước chân của vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đồng cảm số 7. Ngồi nhà này một chút, ghé nhà kia giây lát, rồi lại sang nhà khác nữa. Ở mỗi nhà, dù chỉ là chút thời gian ít ỏi, ông cũng kịp giảng giải cho mỗi người hiểu về sự nguy hiểm cũng như trách nhiệm của từng công dân với vấn đề phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS. Ban đầu, có người không hiểu, còn nói ông là “mua việc”, là “người vác tù và hàng tổng” bởi công việc không công mà lại tốn nhiều thời gian. Nhưng rồi, từ những việc làm và tấm lòng vì mọi người của mình, ông đã khiến nhiều người cảm phục, quý mến.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo Đồng Hỷ, đồi núi và những cánh rừng nơi đây đã nuôi ông khôn lớn, vì thế, ông hiểu con người và mảnh đất quê ông như chính bàn tay mình vậy. Hồn hậu, chất phác như cây rừng, những người dân nơi đây quanh năm chỉ biết cần cù, chăm chỉ làm ăn. Nhưng từ những thập niên 80 của thế kỷ trước, khi cơn lốc đào vàng, tìm đá quý bùng phát, người dân quê ông cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của cơn lốc dữ. Người người, nhà nhà rủ nhau đi đào bới, với mong ước một lúc nào đó được đổi đời.

Giàu có đâu chẳng thấy, chỉ thấy phần lớn những thanh niên quê ông “khi đi trai tráng, lúc về bủng beo”. Người may mắn thì còn đủ sức lực trở về cày cấy, lao động. Còn đa phần thì đều dính vào nghiện ngập, chích choác, bệnh tật… Cảm thông với những thanh niên lầm đường lạc lối ấy, khi có dự án nhằm giảm thiểu tác động của HIV/AIDS tại Việt Nam (gọi tắt là VIEO11), ông đã cùng với Hội Người cao tuổi của xã đứng lên lập Câu lạc bộ Đồng cảm số 7. Câu lạc bộ được thành lập vào ngày 1/4/2006, bao gồm 58 hội viên. Với cương vị chủ nhiệm, ông luôn tích cực vận động mọi người trong thôn, xã, đặc biệt là những gia đình có con em bị nghiện, vì thế, có cụ đã 90 tuổi nhưng vẫn rất nhiệt tình tham gia làm hội viên.

Người “vác tù và...”

Toàn tỉnh Thái Nguyên có 15 câu lạc bộ “Những người đồng cảm” thì riêng xã Huống Thượng quê ông đã có 2 câu lạc bộ. Từ những bãi vàng một thời tung xới, nhiều thanh niên nơi đây đã rơi vào con đường nghiện ngập. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn xã có tới 22 người nghiện ma tuý, trong đó 6 người đã bị mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Những thanh niên mới ngày nào còn tráng kiện, vạm vỡ, chăm chỉ làm ăn, vậy mà giờ đây, họ dặt dẹo như cái bóng và thần chết có thể mang họ đi bất cứ lúc nào. Cả đời gắn bó với mảnh đất quê hương, ông không đành lòng khi phải chứng kiến những sự thật đau lòng ấy.

Theo chân ông đến những gia đình có người mắc nghiện mới thấy hết sự vất vả và kiên trì của người chủ nhiệm Câu lạc bộ. Hầu hết những gia đình này thường giấu diếm, tránh né không nhận gia đình mình có người mắc bệnh, mắc nghiện, hoặc có nhận nhưng cũng không hợp tác. Ông kể: “Những ngày đầu đi vận động, có hôm trở về nhà mà tôi buồn đến phát khóc. Có khi đến nhà, họ còn không ra tiếp. Một lần không được, tôi kiên trì đến vận động nhiều lần. Rồi dần dần, tôi đã lấy được niềm tin ở họ”. Ngừng một lát, ông tiếp: “Ở thôn bên có anh Hà, gia đình ngày trước khá giả lắm. Vậy mà nghe người ta dụ dỗ rằng đi vào các bưởng, các bãi làm ăn thì chẳng mấy chốc mà giàu, anh bán hết gia sản, nhà cửa, đưa tất vợ con vào bãi vàng. Sau gần hai năm trở về với hai bàn tay trắng, không những thế người chỉ còn có da bọc xương vì đã mắc nghiện. Được sự giúp đỡ của Hội Người cao tuổi và những  thành viên trong Câu lạc bộ Đồng cảm số 7, anh Hà cũng hiểu ra và quyết chí làm lại từ đầu. Hiện anh đã là chủ của mấy ao cá, kinh tế gia đình cũng đang khấm khá dần. Nhưng may mắn nhất là anh đã dứt ra khỏi được sợi dây oan nghiệt của cái chết trắng”.

Hiện nay, toàn xã Huống Thượng có tới 22 người nghiện ma tuý, trong đó 6 người mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Những thanh niên mới ngày nào còn tráng kiện, vạm vỡ, chăm chỉ làm ăn, vậy mà giờ đây, họ dặt dẹo như cái bóng và thần chết có thể mang họ đi bất cứ lúc nào. Cả đời gắn bó với mảnh đất quê hương, ông Định không đành lòng khi phải chứng kiến những sự thật đau lòng ấy…

Ngay trong gia đình nhà ông, hai đứa cháu họ là Hoàng và Hà cũng bị “nàng tiên nâu” cám dỗ. Nhìn hai đứa cháu ngày càng tiều tuỵ, dặt dẹo bởi làn khói trắng, ông không cầm được nước mắt. Mỗi khi chứng kiến cảnh hai đứa cháu lên cơn vật vã, lòng ông đau như xát muối. Ông Nguyễn Kim Hùng - cha của Hoàng, Hà là một thương binh nặng, chiến tranh đã cướp đi 1/3 sức khoẻ của ông, nhưng điều đó với ông không thấm vào đâu so với nỗi đau có hai đứa con nghiện ma túy. Có lần, vào buổi trưa, cả nhà đang ngủ, Hoàng lên cơn phê thuốc, về nhà xúc trộm thóc mang đi bán. Bị cha phát hiện, Hoàng còn cãi và định chống lại cha mình. Quá bất ngờ, ông Hùng lên cơn đau tim rồi quay ra đổ bệnh. Căn nhà từ đấy luôn chìm trong u buồn, vắng lặng… 

Nhìn gia cảnh người anh họ, ông Định quyết tâm giúp hai đứa cháu thoát khỏi bàn tay quỷ dữ. Ông đã động viên người anh họ đưa Hoàng và Hà đi cai nghiện. Sau thời gian cai nghiện, Hoàng và Hà đều đã cắt được cơn nghiện. Nhưng nhận thấy nguy cơ tái nghiện là rất cao, vì những bạn nghiện cũ của hai đứa cháu vẫn luôn lảng vảng quanh nhà, ông Định đã đưa Hoàng và Hà vào tận Tây Nguyên học nghề. Ba năm ở Tây Nguyên, hai đứa cháu ông đã dứt hẳn với ma tuý.

Giờ đây, tất bật với công việc của một người “vác tù và hàng tổng”,  dù còn nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm, nhưng chưa bao giờ ông thấy nản lòng hay chùn bước. Tuy công việc không đem lại cho ông chút kinh tế nào, nhưng ông coi đó chính là nghĩa vụ, trách nhiệm của mình - một người con đối với mảnh đất quê hương.

Chia tay chúng tôi khi chiều buông xuống, người đảng viên già lại lặng lẽ sải bước trên con đường làng. Dường như với ông, mỗi ngày đều là một cuộc hành trình - cuộc hành trình “cứu rỗi những cuộc đời”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên