Người vùng cát

Cách đây hơn 40 năm, cả thế giới bàng hoàng khi nghe tin quân viễn chinh Mỹ thảm sát 504 thường dân vô tội tại xã Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi, trong đó hầu hết là phụ nữ, người già và trẻ em.

Thời gian qua đi, nỗi đau ấy không dễ gì nguôi ngoai trong ký ức của mỗi người dân Sơn Mỹ.

Tại Nhà chứng tích Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, có tấm ảnh rất ấn tượng với du khách.

Nghe đọc bút ký Người vùng cát

Tấm ảnh mô tả một cụ già với 2 đứa bé gầy gò, ngồi khép nép phía sau, hai cặp mắt sáng ngơ ngác nhìn khách. Cánh tay bà cụ giơ lên, lộ rõ vết thương bị đạn bắn toác một mảng khá lớn. Vết thương đã lành nhưng khuôn mặt cụ thì vẫn chưa hết vẻ căm giận khi chỉ vào vết thương ấy. Đó là ảnh của bà cụ Đốc với 2 cháu nội của mình là Trần Thị Oanh và Trần Văn Nam. Ba bà cháu sống sót sau vụ quân viễn chinh Mỹ tàn sát dã man 504 thường dân vô tội của thôn Tư Cung cách đây 40 năm. Bức ảnh do một cựu binh Mỹ trở lại vùng đất này sau ngày giải phóng năm 1975 ghi lại.

Bé trai trong ảnh (Nam) giờ là nhân viên bảo vệ Nhà chứng tích Sơn Mỹ, cô chị (Oanh) giờ đã là người đàn bà 48 tuổi, có một gia đình đầm ấm với chồng và ba đứa con.

Ảnh cụ Đốc - Bà nội chị Oanh do phóng viên Mỹ chụp sau năm 1975 


Tôi gặp hai vợ chồng chị Oanh ngoài ruộng rau. Thấy tôi đi tìm, chị tạm gác công việc “để về nhà nói chuỵên cho đàng hoàng”. Trong ngôi nhà nhỏ gần trại vịt, chị kể câu chuyện đời mình. Nhắc đến bức ảnh ở bảo tàng, chị không cầm được nước mắt, hồi tưởng về buổi sáng khủng khiếp 16 tháng 3 năm 1968.“ Ngày ấy, tôi mới 8 tuổi. Chưa quen mặt chữ nhưng tiếng nổ của các loại đạn thì rành lắm. Từ sáng sớm đã nghe những tiếng nổ khác lạ nhưng cả nhà 8 người vẫn quây quần bên rổ khoai lang. Khi tiếng quần đảo của trực thăng vừa dứt, nhìn ra ngõ đã thấy lính Mỹ ập vào. Từng loạt đạn bắn xối xả vào nhà. Cha mẹ và những đứa em tôi lần lượt ngã xuống. Bà nội bị nát một cánh tay, còn tôi thì bị đứt nửa bàn chân. Ba bà cháu giả vờ chết. Nhờ vậy mà sống sót”.

Chị nghẹn ngào, hai hàng nước mắt ràn rụa. Tôi thấy mình có lỗi khi gợi lại câu chuyện đau lòng này, khẽ bảo chị: Chuỵên cũ qua rồi, bây giờ chị kể chuyện vui đi, ví như chuỵên làm sao mà từ hai bàn tay trắng, nghèo quá không dám sinh con, bây giờ chị trở thành một trong số những người giàu có ở thôn Trường Định ấy. Chị lặng lẽ quệt nước mắt: "Cái buổi sáng oan nghiệt ấy làm sao quên được, quên là có tội với bà con. Lúc lũ giặc đi rồi, ngóc đầu lên, tôi thấy đứa em gái của mình đã tắt thở nhưng trên miệng còn ngậm một miếng khoai lang ăn dở! Hình ảnh đó cứ ám ảnh tôi mãi, dẫu bây giờ nhà không còn phải ăn khoai lang nữa. Chị em tôi đã lớn lên bằng những củ khoai lang thấm máu của vùng cát này đó, hỏi làm sao mà quên cho được!".

Đau, nhưng rồi vẫn phải sống. Dựa vào nhau lớn lên trong vòng tay yêu thương của xóm làng. Đất nghèo, củ khoai vùng cát Sơn Mỹ chỉ đủ nuôi Oanh học đến lớp 4. Quần quật quanh năm chỉ mong kiếm đủ ngày hai bữa nuôi em và bà nội già yếu. Oanh ngoài 20 tuổi vẫn khẳng khiu như cây sậy. Làng bên có anh Đỗ Đoàn, thấy Oanh côi cút mà chăm chỉ làm ăn, đem lòng thương. Rồi họ lấy nhau. Chị nhớ lại: “Ban ngày thì anh xuống sông Kinh mò cua đổi gạo. Cua bắt mãi rồi cũng hết. Tôi sinh con, ăn uống thiếu thốn, bị phù thũng, ốm đau dặt dẹo luôn. Nhà anh Đoàn đông con, 12 anh em, nên cũng chẳng trông nhờ được gì. Đã có lúc định bỏ làng vào Nam kiếm sống. Nhưng rồi, đêm nằm nghĩ lại, hình ảnh rổ khoai lang năm nào lại hiện về, tôi trấn an chồng: Khổ mấy cũng bám lấy vùng cát này mà sống. Không đi đâu hết!".

Oanh quày quả về nhà mình vay bà chị họ mấy ang lúa, bán lấy tiền mua vịt về nuôi. Lấy ngắn nuôi dài, vài chục rồi vài trăm, giờ thì chị có cả ngàn con vịt đẻ lẫn vịt thịt. Trong khi nhiều người nuôi vịt phải trắng tay vì dịch cúm thì đàn vịt của chị vẫn đều đều mỗi đêm cho bảy tám trăm trứng nhờ được tiêm phòng đầy đủ. Chồng ngâm mình cả ngày dưới sông mò cua bắt ốc nuôi vịt đẻ. Vợ ngồi thâu đêm bên chòi vịt nhặt trứng, phân loại để kịp bán buổi chợ sáng. Họ không hề có khái niệm về thời gian.

Ba sào ruộng cạn cũng vã mồ hôi theo người đàn bà tần tảo này. Hết lúa lại xoay sang đậu phụng, khổ qua, bí đao, hành lá… một sào đất thu nhập cả chục triệu đồng mỗi năm. Với vùng cát Sơn Mỹ, để có một củ khoai, người dân phải đổ cả bát mồ hôi. Vì vậy, kiếm được chục triệu bạc trên một sào đất, không thể đong đếm được sự chịu thương chịu khó, một nắng hai sương của vợ chồng chị. Mỗi năm để ra được chừng 60- 70 triệu đồng, nhà thì đã xây 2 tầng khang trang. Con trai lớn học xong đại học, hai đứa nhỏ đang học phổ thông. Chị khoe: “Thằng lớn ra trường, làm cho một công ty kinh doanh máy vi tính ở thành phố Quảng Ngãi, lương tháng hơn 2 triệu. Ngoan lắm, biết cha mẹ lam lũ, nó cũng chẳng dám tiêu pha gì nhiều, tiền lương bao nhiêu đem về gửi mẹ hết. Hai đưa nhỏ đi học về là xắn quần ra đồng đuổi vịt, nhổ rau giúp mẹ”.

Chị Oanh đang trao đổi với phóng viên Đài TNVN


Những đứa bé ở Sơn Mỹ sống sót trong vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày ấy, giờ mỗi người mỗi nơi. Chị Võ Thị Liên, người thay mặt nhân dân Việt Nam đi khắp thế giới tố cáo tội ác đế quốc Mỹ, đã thành người thiên cổ gần 15 năm năm nay. Anh Võ Ba- cậu bé được 3 viên phi công Mỹ cứu thoát từ vũng máu, từng bị tù tội sau một lần trót dại, giờ đã thành người lương thiện, sống tận miền Nam. Anh Phạm Thành Công, giờ là Giám đốc Nhà chứng tích Sơn Mỹ. Chỉ còn chị Oanh kiên trì trụ lại với đồng cát Sơn Mỹ. Lặng lẽ như củ khoai lang vùng cát, chị thầm lặng thắp sáng lên bao hy vọng cho những người đàn bà nghèo ở vùng đất này.

40 năm, nỗi đau ngày ấy chưa thể nguôi ngoai. Nhưng cũng như chị Oanh, người dân Sơn Mỹ, nay là xã Tịnh Khê biết nén đau thương, gượng dậy chung tay dựng xây cuộc sống. Họ đã đem mồ hôi tưới cho đồng ruộng, biến vùng cát hoang hoá từng là vành đai trắng trong chiến tranh thành miền quê xanh mát. Tịnh Khê bây giờ đã khác xưa, đường làng ngõ xóm bê tông thẳng tắp; nhà cửa, trường học, trạm xá, công sở khang trang, kênh mương thuỷ lợi kiên cố, đảm bảo tưới tiêu chủ động cho gần 550 hec ta đất canh tác. Người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Ruộng lúa 3 vụ bấp bênh chuyển sang sản xuất 2 vụ ăn chắc với năng suất 40- 45 tạ/ ha; các loại rau màu giá trị kinh tế cao vào trồng, người dân thu nhập bình quân 50- 60 triệu đồng/ hecta mỗi năm. Bình quân lương thực đầu người 500 kg/ năm, đời sống nhân dân từng bước cải thiện, hộ đói nghèo còn hơn 10%, hộ khá giàu ngày một nhiều hơn.

Bãi bồi ven sông Kinh, ruộng nhiễm mặn được cải tạo để nuôi trồng thủy sản. Nhiều hộ trồng lúa kết hợp nuôi tôm như ông Võ Hữu Quyền, Huỳnh Hùng, Huỳnh Độ, Nguyễn Hợp, Trương Quang Giới... có lãi năm ba chục triệu đồng một năm. Nghề đánh bắt hải sản phát triển mạnh, đội tàu của xã hơn 260 chiếc, tổng công suất trên 12.400 mã lực, mỗi năm đánh bắt hơn 5.600 tấn hải sản các loại. Ngày càng nhiều ngư dân đóng tàu lớn, đánh bắt xa bờ thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm như ông Trương Văn Phương, Nguyễn Đình Toàn, Trần Hai, Trần Ba... ở thôn Cổ Luỹ. Nguyên liệu dồi dào, nhiều hộ đầu tư chế biến nước mắm, giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ với thu nhập từ 700 – 1 triệu đồng mỗi tháng.

Phát triển kinh tế, Tịnh Khê không quên chăm lo chính sách xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Tất cả nhà dân ở Tịnh Khê được dùng điện, 50% nhà xây dựng kiên cố, nhà nào cũng có phương tiện nghe nhìn hiện đại, xe máy... Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được nhân rộng. Xã có gần 50 khu dân cư tiên tiến, xuất sắc, 86% gia đình văn hoá. Gia đình chính sách, gia đình nghèo được hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất ổn định đời sống. Trường học, Bệnh viện xây dựng khang trang, nhiều em đi học đại học, cao đẳng đã trở về phục vụ quê hương.

Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ được ngành văn hoá đầu tư hơn 11 tỉ đồng nâng cấp thành Khu chứng tích đặc biệt, năm qua đón 6 vạn khách tham quan. Sông Kinh đã nối liền đôi bờ, bãi biển Mỹ Khê cát vàng óng ả, rừng dương xanh mát cong mình đón gió đang gọi mời các doanh nghịêp về đây xây dựng các khu du lịch, nghỉ dưỡng hiện đại, phục vụ du khách và đội ngũ chuyên gia, công nhân xây dựng Khu kinh tế Dung Quất. Ông Phan Thanh Dũng, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê nói: “Dân chúng tôi ai cũng kỳ vọng vào vận hội mới để quê hương mình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch- dịch vụ”.

Quốc lộ 24 B lúc nào cũng tấp nập người xe. Xe chở cá tôm, rau quả từ Sa Kỳ,Tịnh Khê ngược về thành phố, xe đưa du khách xuôi về Mỹ Khê tắm biển, thưởng thức đặc sản. Từ thôn Tư Cung đến Trường Định, Mỹ Lại, những đồng lúa ngút mắt của Tịnh Khê. Sơn Mỹ đau thương ngày nào đang trở mình dứng dậy để Tịnh Khê hôm nay bừng lên niềm hy vọng về một tương lai không xa, nơi đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn trong tam giác kinh tế - du lịch Mỹ Khê - Lý Sơn - Dung Quất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên