Rừng Tướng Giáp

(VOV) -Hẳn phải có nguyên nhân đặc biệt khiến cánh rừng bản Nhọt – Phù Yên (Sơn La) không “biến mất”?

Ai đã từng qua những cánh rừng Tây Bắc đều không khỏi xót xa, khi gỗ quý bị chặt phá, rừng bị xâm hại bởi những công trình thủy điện cũng như loang tróc, sạt lở theo những mùa bão lũ. Thế nhưng, khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La từ bao đời nay vẫn xanh tươi, rậm rạp như thời cha ông của người Mường, người Thái đưa cơm nuôi bộ đội trên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Huyền thoại “Rừng ông Giáp”

Khu rừng bản Nhọt được hình thành từ hai dãy núi bao bọc, cây cối xanh tốt, quanh năm mây phủ nên hơn nửa thế kỷ trước. Đây là điểm dừng chân an toàn của đoàn quân Tây Tiến trên đường hành quân lên Điện Biên Phủ đánh Pháp.

Đó là trung đoàn 57; đại đoàn 312; đại đoàn 315; trung đoàn pháo cao xạ 105 với hàng chục ngàn bộ đội, dân công tham gia chiến dịch. Họ đã được nhân dân Phù Yên đùm bọc, tiếp tế, được rừng xanh bản Nhọt che chở.

Ông Đinh Linh, dân tộc Mường, một trong số ít cán bộ người địa phương từng theo bộ đội công tác ngày đó, nay sống dưới chân đèo bản Nhọt kể: “Khi giặc Pháp cố thủ ở Điện Biên, bộ đội của ta hành quân lên đằng này. Dân được sự giáo dục của cán bộ, người dân hiểu phải bảo vệ khu rừng cho bộ đội có nơi trú ẩn. Khu rừng được giữ nguyên từ lúc bấy tới giờ. Giữ được rừng thì nước sẽ chảy ra, vì ở đấy có con suối sản sinh ra nước để phục vụ cho cả cánh đồng. Nếu bảo vệ được rừng đấy thì tốt quá”.     

Đặc biệt, ngày 5/1/1954, đồng chí Võ Nguyên Giáp và một bộ phận chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trên đường đi Tây Bắc, đã vượt đèo Khế (Yên Bái) sang Phù Yên, dừng chân nghỉ tại rừng bản Nhọt.

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, ông được phong Đại tướng, thì người dân nơi đây đã gọi khu rừng bản Nhọt bằng một cái tên rất giản dị mà hàm chứa bao tình cảm của mình: “Rừng ông Giáp”. Đến tận bây giờ, nằm sâu trong khu rừng, căn hầm trú chân của người anh cả Quân đội nhân dân Việt Nam năm xưa vẫn được bảo toàn nguyên vẹn.  

Người dân bản Nhọt, người dân Phù Yên trân trọng, giữ gìn từng kỷ vật, từng ngọn cỏ, nhành cây trong khu rừng, xem đó là một cách thể hiện tình cảm trân trọng của mình đối với Đại tướng.

Nhớ lại những ngày đưa cơm cho bộ đội, bà Lò Thị Yêu, 82 tuổi ở bản Thon, xã Gia Phù kể: “Ngày đánh Pháp, bộ đội kéo lên. Người dân ai cũng mừng khấp khởi, phen này bọn phìa, tạo sẽ bị đánh tơi bời. Chúng tôi dẫn đường cho bộ đội vào bốt đánh phìa, tạo tại bản Trát. Rồi bộ đội lên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Chúng tôi hàng ngày giã gạo, nấu cơm cho bộ đội ăn ngay dưới tán rừng già. Cũng từ ngày đấy, nhớ về bộ đội cụ Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dân bản chúng tôi cùng nhau giữ lại cánh rừng này”.

Cuộc sống bình yên dưới khu rừng

Điểm nhấn giữ chân du khách

Bây giờ, đi vào rừng, du khách sẽ rất thích thú với những gốc chò chỉ to vài ba người ôm, những cây pơ mu cổ thụ cao mấy chục mét, thẳng đứng lên trời như thách thức thời gian, khẳng định công sức người dân bảo vệ khu rừng.

Mấy mươi năm qua, đã có những lần khu rừng này bị đe dọa bởi nạn cháy rừng. Bộ đội, kiểm lâm, dân bản cả mấy trăm người kéo lên chữa cháy, nhờ đó rừng vẫn giữ được màu xanh cho đến tận bây giờ.

Ông Lò Nhài, dân tộc Thái ở bản Nhọt cho biết: “Năm 2010, dân đốt nương cháy lan sang khu rừng. Tất cả dân bản cùng đi chữa cháy vì ai cũng hiểu rằng cháy rừng như cháy da thịt mình”.

Đường điện cao thế vắt qua rừng

Rừng thì giữ được, nhưng ông Nhài và nhiều người già ở bản Nhọt buồn lắm, vì chim thú bị săn bắt hết. Tiếng róc rách của con suối nghe sao lạc lõng giữa vắng lặng rừng chiều. Ông Nhài nói trong luyến tiếc: “Ngày trước thú rừng có rất nhiều, cứ chiều về chúng tôi vào rừng hái rau, cỏ vẫn gặp chim yểng, chim sáo, chim khiếu… bay trên đầu. Nhưng rừng bây giờ cứ vắng tanh, thú rừng không còn nữa. Chúng tôi cũng buồn và tiếc cho rừng lắm”.

Vì vậy, bảo tồn và phát triển đa dạng hệ sinh thái động thực vật như vốn có của khu rừng là nhiệm vụ cấp thiết của các cấp, ngành và người dân huyện Phù Yên. Từ những nét đẹp nguyên sơ, từ ý nghĩa lịch sử và cả tình cảm vẹn nguyên của đồng bào Thái, Mường với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyện Phù Yên đang xây dựng đề án phát triển du lịch, mà rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điểm nhấn để giữ chân du khách.

Bà Đinh Thị Thùy Ngân-Trưởng phòng Văn hóa huyện Phù Yên cho biết:  “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Những người già nói rằng, cánh rừng đã ôm trọn cánh quân ở trong, máy bay địch không thể phát hiện được quân ta nghỉ chân ở chỗ nào. Huyện đang xây dựng chương trình gắn du lịch từ hồ Suối Chiếu đi rừng Noong Cốp đến Ao Bua ra rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cuối cùng là du lịch lòng hồ sông Đà”.

Một ngày bách bộ trong “Rừng ông Giáp”, thả hồn theo tiếng suối róc rách, căng lồng ngực hít luồng không khí trong lành của rừng nguyên sinh, du khách như còn nghe đâu đây thậm thịch tiếng bước chân của những đoàn quân Tây Tiến năm nào băng đèo vượt núi, góp máu xương làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…

Tết này, “Rừng ông Giáp” sẽ lại tấp nập người qua lại. Đồng bào Mường bản Nhọt vẫn giữ lệ rủ nhau vào rừng ngày đầu năm, hứng giọt nước suối đầu nguồn trong vắt mang về cho cả nhà rửa mặt để rửa trôi mọi ưu tư năm cũ, cầu chúc cho năm mới được mọi điều tốt lành, cùng nhau ôn lại câu chuyện về những ngày cha ông tham gia kháng chiến chống Pháp, về đoàn quân Tây Tiến và cả huyền thoại về vị tướng già-Đại tướng Võ Nguyên Giáp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tăng cường lực lượng bảo vệ rừng ở vườn Quốc gia Ba Bể
Tăng cường lực lượng bảo vệ rừng ở vườn Quốc gia Ba Bể

(VOV) -Tỉnh Bắc Kạn huy động lực lượng chức năng thực hiện túc trực tại các điểm chốt quan trọng để bảo vệ rừng.

Tăng cường lực lượng bảo vệ rừng ở vườn Quốc gia Ba Bể

Tăng cường lực lượng bảo vệ rừng ở vườn Quốc gia Ba Bể

(VOV) -Tỉnh Bắc Kạn huy động lực lượng chức năng thực hiện túc trực tại các điểm chốt quan trọng để bảo vệ rừng.

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt bảo vệ rừng ở Tây Nguyên
Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt bảo vệ rừng ở Tây Nguyên

Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các bộ, ngành và các tỉnh Tây Nguyên quyết liệt tập trung ngăn chặn nạn phá rừng.

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt bảo vệ rừng ở Tây Nguyên

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt bảo vệ rừng ở Tây Nguyên

Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các bộ, ngành và các tỉnh Tây Nguyên quyết liệt tập trung ngăn chặn nạn phá rừng.

Tây Nguyên "nóng" vấn đề bảo vệ rừng
Tây Nguyên "nóng" vấn đề bảo vệ rừng

(VOV) -Trong năm, toàn tỉnh có tới 1.600 vụ vi phạm tài nguyên rừng được phát hiện, với 182 ha rừng bị tàn phá.

Tây Nguyên "nóng" vấn đề bảo vệ rừng

Tây Nguyên "nóng" vấn đề bảo vệ rừng

(VOV) -Trong năm, toàn tỉnh có tới 1.600 vụ vi phạm tài nguyên rừng được phát hiện, với 182 ha rừng bị tàn phá.