Từ dâu Nhơn Ái mà suy

VOV.VN -Mùa trái chín, thương lái ghé thuyền tận mé vườn thu mua, nhưng vì sao sống trên vựa trái cây mà dân chưa đủ đầy.

Từ thành phố Cần Thơ theo con lộ vành đai huyện Phong Điền đến trụ sở xã Nhơn Ái xe chúng tôi chạy một mạch. Đường bê tông “nông thôn mới” rộng rãi dưới nắng hè chói chang. Từ trụ sở xã vào miệt vườn Nhơn Phú non vài cây số phải đi xe “ôm”. Cũng là đường bê tông, rộng chừng 1m, có nhiều khúc ngoặt chưa đầy nửa mét, lại leo qua hơn chục cầu bê tông trơ trọi, không có tay vịn, ai cũng thót tim, “ôm” chặt tài xế. Đến chiếc cầu gỗ xập xệ, xe máy chui vào rặng cây tránh nắng thì 6 con người từ thủ đô Hà Nội vào, từ thành phố Cần Thơ đến dắt tay nhau men theo bờ mương rồi sững lại trước vườn dâu đang độ chín, vàng ươm. Quả dâu chín mọng trĩu chịt từ gốc lên, từ ngọn xuống. Mỗi cây áng chừng vài tạ quả.

Người Hà Nội vào mê mết với dâu

Ông chủ vườn Nguyễn Văn Hạn trông trẻ hơn tuổi 50 hái chùm dâu Xiêm đầu mùa tươi rói mời khách, giọng rỉ rả: Cha mẹ để lại cho 5.000 thước vuông vườn, vợ chồng, con cái sống nhờ ba loại cây dâu. Dâu Da Xanh chín rộ từ tháng 5 đến tháng 6, kế đến là dâu Xiêm và cuối cùng là dâu Hạ Châu nổi tiếng chín từ tháng 7 đến tháng 10.

Giống dâu dễ trồng, dễ nuôi, tốn ít phân bón, thuốc trừ sâu, nhưng năng suất lại cao nên tính ra một cân dâu Xiêm bán tại vườn 10.000 đồng/kg thì lời đến 8.000-9.000 đồng. Tính bình quân, mỗi năm ông Hạn thu hoạch được 28 tấn quả. Năm ngoái ông thu về 135 triệu tiền dâu, năm nay được mùa, ước tính được vài trăm triệu bỏ túi. Khách thành thật chia vui, nhưng chủ vườn không cười mà nhấn từng lời: “Năng suất tăng 3 lần, nhưng rớt giá tới 5 lần đó mấy anh?”

Thì ra là vậy. Bí thư đảng ủy xã Nguyễn Hữu Nghị cho biết thêm là cả xã Nhơn Ái năm ngoái thu hoạch 896 ha cây ăn trái được 12.648 tấn, đạt 108% kế hoạch, nhưng không mấy ai vui vì “rớt giá”. Năm nay xem ra còn buồn hơn vì vào vụ dâu Da Xanh chín rộ, giá chỉ bằng 1/3 năm ngoái, vì bỗng dưng thị trường Campuchia và Trung Quốc quen thuộc không mua nữa. Đã lâu rồi, bà con nông dân ở miệt vườn trù phú ven sông Phong Điền này quen với điệp khúc “được mùa rớt giá”, “được giá mất mùa”, đã ngán ngẩm với kiểu làm ăn “chụp giựt” được chăng hay chớ, rủi nhiều hơn may.

Vườn cây ăn trái ông Nguyễn Văn Hạn trù phú là vậy, nhưng không nuôi nổi con cháu. Con gái lớn phải lên thành phố làm công nhân kiếm kế sinh nhai. Căn nhà đơn sơ, lợp tôn, vách lá, giếng nước, nhà vệ sinh còn quá thô sơ. Trời cho đất vườn rộng rãi, đẫm phù sa màu mỡ. Mùa trái chín, thương lái ghé thuyền tận mé vườn thu mua, nhưng vì sao sống trên vựa trái cây mà dân chưa đủ đầy, thậm chí hộ nghèo, cận nghèo toàn xã Nhân Ái lên gần 6%.

Vậy nên, từ vườn dâu Nhơn Ái mà suy:

1.  Đất nhiều, vườn rộng mà làm ăn manh mún, nông dân tự bơi.

Anh Chín Quang từng là Bí thư huyện ủy Châu Thành, Hậu Giang, nay nghỉ hưu nhớ lại một thời “bứt phá” thử nghiệm trồng cây cà phê trên đất vườn Sông Hậu. Cây tốt bời bời, được lá mà quả lưa thưa, đã thế “chất” cà phê lại kém. Vậy nên chặt hạ cà phê chuyển sang thâm canh chuối. Chuối được mùa, nhưng bí đầu ra, “rớt giá”, lập tức thay chuối trồng cam. Không chỉ ở Hậu Giang mà cả vùng cây trái nổi tiếng như Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ đều chịu cảnh “chặt” – “trồng” – “chặt”. Không chỉ diễn ra một vụ, một năm mà triền miên mấy chục năm nay.

Ông Chín Quang với chủ vườn Nguyễn Văn Hạn ở Nhơn Phú

Nhìn rộng ra, diện tích cây ăn trái của đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay hơn 288.000 ha, chiếm 35% diện tích cả nước. Mỗi năm thu hoạch 3.180.000 tấn, bằng 48% sản lượng cả nước. Quả là một vựa trái cây phong phú, đa dạng, đậm hương vị nhiệt đới, không có nhiều trên thế giới.

Đồng bằng Sông Cửu Long có thừa trái cây, nhưng thiếu một điều rất căn bản, đầu tiên là quy hoạch. Quy hoạch cho từng loại cây, cho từng vùng đất, tạo ra thương hiệu cho từng loại trái cây. Làm sao cho vú sữa Lò Rèn, dâu Hạ châu, xoài cát Hòa Lộc… đi lên làm ăn lớn, tập trung, bền vững qua hàng năm, hàng vụ không chịu cảnh “được mùa rớt giá”.

Ông Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có lần nói trước Quốc hội rằng: hãy để cho nông dân tự suy nghĩ trên mảnh đất của mình. Bà con thấy có lợi thì làm, nhà nước chỉ tư vấn kỹ thuật. Câu nói không sai nhưng thiếu vế quan trọng là quản lý, điều hành của Chính phủ, chính quyền các cấp mà Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Tư lệnh ngành, tham mưu cho Chính phủ.

Thực tế cho thấy để mặc cho nông dân phát triển tự phát thì không thể có sản xuất hàng hóa tập trung, không thể đầu tư thích đáng khoa học và công nghệ, càng không thể tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất hàng hóa từ nông nghiệp nói chung và ngành cây trái Đồng bằng sông Cửu Long trù phú nói riêng

2.       “Bốn nhà”  có “liên” mà “kết”chưa chặt.

Mấy năm nay, Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện “Liên kết 4 nhà”. Những ngày đầu thực hiện chính sách, bà con thấy phấn chấn như được luồng gió mới, tạo sinh khí làm ăn. Nhưng càng thực hiện, càng thấy kẽ hở, càng thiếu chặt chẽ. Nhà nước quản lý lỏng lẻo, thậm chí có nơi buông xuôi, mặc cho nông dân tự bơi, doanh nghiệp chạy theo lợi ích của doanh nghiệp, thiếu quan tâm đến quyền lợi của nông dân. Nhà khoa học bị kẹt, không thể chen chân, đầu tư công nghệ mới cho nông nghiệp một cách kịp thời, hiệu quả bởi quá nhiều rào cản. Đến nay, cả Đồng bằng Sông Cửu Long rộng lớn mới có 25 mô hình trồng cây ăn trái bảo đảm tiêu chuẩn Việt GAP và Global GAP.

Trong câu chuyện làm ăn ở vườn dâu Nhơn Phú, khách hỏi chủ vườn Nguyễn Văn Hạn là sao chưa bán, ông bảo còn chờ giá. Giá nhích lên chút nữa sẽ bán. Khách hỏi tiếp: “Không có hợp đồng với doanh nghiệp hay sao mà phải chờ giá”? Chủ vườn cười hồn nhiên: “Làm gì có doanh nghiệp, chỉ làm ăn với thương lái thôi, không ai bày đặt cam kết hợp đồng, không giấy má chi hết, chỉ thỏa thuận miệng với nhau thôi hà”.

Không chỉ ở Nhơn Phú, không chỉ mình ông Hạn đâu mà có tới 55% số nhà vườn toàn Đồng bằng Sông Cửu Long hợp đồng miệng với thương lái. “Dễ mình dễ ta, khó mình khó ta”, lỏng lẻo như vậy nên khi dâu Xanh chín rộ, chủ vườn cần bán thì thương lái quay đi vì lý do đơn giản là thị trường Trung Quốc và Campuchia “bỗng dưng” không ăn hàng nữa. Vậy là ế, phải bán tống bán tháo với giá bèo.

3.       “Một ngoài, chín trong” mà không có trái ăn.

Đến Ô Môn, Cần Thơ, khách từ Hà Nội đội trời nắng chang chang và khát, được mời nếm thử dâu Xanh. Quả dâu Xanh đậm, tròn trịa như táo ta. Khách cắn ngon lành, nhưng liền nhăn mặt vì vừa chua, vừa đắng. Ấy chết, ăn dâu Xanh như dâu da rừng, như bứa, như măng cụt, chứ không như ăn táo đâu. Loại quả giải khát mùa hè chua chua, ngòn ngọt, giàu “sinh tố chua” như thế mà có thấy bán ở Hà Nội đâu. Chưa biết ăn cũng phải thôi. Không chỉ có dâu xanh đâu mà nhiều loại trái cây khác ê hề ở các chợ Nam Bộ thì quá hiếm hoặc không có mặt ở Miền Trung, Miền Bắc.

Thời buổi đường sá, giao thông như hiên nay thì không thể nói là ách tắc do địa lý. Hay như dạo tháng 4 năm nay, dưa hấu Miền Nam ngập tràn cửa khẩu Lạng Sơn, không kịp thông quan sang Trung Quốc để thối rửa thì ở Hà Nội giá dưa vẫn cao. Nguyên do vì đâu?

Xin nói ngay rằng thiếu một mạng lưới bán buôn, bán lẻ trái cây hợp lý, hiệu quả. Hàng năm hơn 3 triệu tấn trái cây thu hoạch từ Đồng bằng Sông Cửu Long thì xuất khẩu chỉ 10%, còn 90% tiêu dùng trong nước. Bà con miệt vườn gọi “một ngoài, chín trong” là vậy. Đến nay mới có 10% diện tích cây ăn trái ở đây (khoảng 300 ha) đạt chuẩn GAP, sản phẩm được xuất khẩu ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng.

Để cho trái cây Nam Bộ đến với thị trường khó tính, chất lượng cao, thanh sạch, thu lời lớn như ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu, không có cách nào khác là quy hoạch lại vùng cây chuyên canh, đưa khoa học công nghệ, khoa học quản lý vào từ khâu đầu sản xuất, cây giống đến khâu cuối thu hoạch, chế biến, xuất khẩu.

Để cho người tiêu dùng khắp cả nước được thụ hưởng cây trái Nam Bộ thì không thể phó mặc cho nông dân và thương lái làm ăn theo kiếu manh mún, cò con, vị cái lợi trước mắt, “chụp giựt” mà không biết, hoặc cố tình bỏ qua cái lâu dài, bền vững.

Hỏi đến xí nghiệp chế biến trái cây nào gần nhất, ông Hạn khoát tay: “Hổng có, thì nói chi gần với xa?”

Chủ vườn như ông Hạn, như hàng chục triệu nông dân miệt vườn Nam Bộ mong muốn được làm ăn tử tế, chắc chắn, được sống sung túc ngay trên mảnh vườn vốn trù phú của mình. Chắc chắn từ giống cây trồng, bảo đảm từ hợp đồng thu mua khi mùa trái chín, không ép giá, không để “rớt giá”

Nói như ông Nguyễn Văn Hạn ở Nhơn Phú giữa trưa đầy nắng gió bên sông Phong Điền: “Được vậy thì người miệt vườn khỏe re ha!”./.                                                                 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên