Quản lý an toàn thực phẩm: Vẫn còn là phía trước

PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng, công tác ATTP chưa được quan tâm đầy đủ. Kinh phí về quản lý ATVSTP trung bình chỉ đạt… 780 đồng/người/năm.  

Có thể nói, an toàn thực phẩm (ATTP) đang là vấn đề gây bức xúc đối với người tiêu dùng và đang là một bài toán hóc búa đối với các đơn vị quản lý. Các quy định, chế tài chưa thực sự rõ ràng, chặt chẽ, cộng với ý thức về ATTP của người dân chưa cao là những nguyên nhân chính dẫn đến việc quản lý ATTP chưa đi vào hiệu quả. Trong khi đó, Dự thảo Luật ATTP vừa được đưa ra lấy ý kiến vẫn chưa quy định thật sự rõ ràng, đặc biệt là trách nhiệm của các Bộ liên quan.

Thiếu đầu tư, thưa nhân lực

Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Văn phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Trần Hữu Huỳnh nhấn mạnh: “Chúng ta không thể không ăn, dù nhiều khi chẳng biết độ an toàn của sản phẩm đến đâu”. Cũng chính vì thế, để đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng, Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra những quy định và chế tài cụ thể, rõ ràng và phải hiệu quả hơn những quy định đã có.

Theo con số ban soạn thảo Dự thảo Luật ATTP đưa ra tại Hội thảo góp ý cho Dự luật này cho thấy, nhận thức của người dân về ATTP đã được nâng lên rõ rệt từ năm 2005-2008. Theo đó nhận thức của người xuất khẩu tăng từ 47,8% lên 55,7%; Của người kinh doanh từ 38,6 lên 49,4% và của người tiêu dùng tăng từ 38,3% lên 48,6%.

An toàn thực phẩm đang là vấn đề bức xúc hiện nay (Ảnh:PNO)

Số lượng các có sở đảm bảo điều kiện VSATTP trong cả nước cũng ngày càng tăng (từ 1.106 năm 2006 lên 17.592 năm 2008). Số ngộ độc thực phẩm có chiều hướng giảm. Trung bình mỗi năm tiến hành thanh tra được gần 299.000 lượt; Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP cũng đã được thành lập và do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng ban.

Ông Trần Hữu Huỳnh cho biết, ước tính hang năm có khoảng hơn 8 triệu người Việt Nam bị ngộ độc. Song, theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP Bộ Y tế thì con số này còn cao hơn rất nhiều và rất đáng báo động.

Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, việc đầu tư cho công tác quản lý ATTP chưa được quan tâm đúng mức. Số liệu từ ban soạn thảo Luật ATTP cho thấy, từ 2004-2008, số tiền đầu tư cho công tác ATTP chỉ 329 tỷ đồng, tính bình quân đầu người cả nước chỉ đạt 780đ/người/năm (bằng 1/19 của Thái Lan và 1/136 so với đầu tư cho công tác VSATTP của một cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc - FDA của Mỹ).

Tiền thiếu, tất yếu dẫn đến thiếu người chuyên trách. PGS.TS Nguyễn Đăng Vang cho biết, hiện tại, mỗi tỉnh chỉ có 1 người phụ trách về ATTP kiêm công tác thanh tra kiểm tra, điều đó có nghĩa là chỉ có… ½ người lo việc ATTP của một tỉnh. Do đó, công việc không thể thực hiện được. Còn ở cấp Bộ, nhân lực chuyên trách về ATTP còn “hẻo” hơn với 12 người (Bộ NN&PTNT 3 người, Bộ Y tế 9 người).

Trong khi đó, qua 6 năm thực hiện, Pháp lệnh VSATTP vẫn còn có những bất cập như có sự chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp; Nhiều vấn đề nảy sinh nhưng chưa có văn bản quy định; Nhiều khái niệm chưa rõ…

Dự thảo mới vẫn vướng khâu trách nhiệm

Hầu hết các ý kiến góp ý tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật ATTP do VCCI tổ chức ngày 10/9 đều cho rằng, cần phân định rõ trách nhiệm của 3 Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Y tế và Công Thương, nếu không sẽ dẫn đến việc kiểm soát không hiệu quả, gây phiền hà bởi các bộ, ngành sẽ dễ dàng nể nang, thỏa hiệp. Theo TS Nguyễn Tử Cương, Giám đốc Trung tâm chuyển giao Công nghệ và Dịch vụ thuỷ sản Việt Nam, Dự thảo Luật, những quy định trong Dự luật nếu so sánh với các quy định SPS, quy định ATTP của Mỹ, EU thì… chẳng giống ai. Thậm chí, nhiều quy định trong Dự thảo còn chưa khách quan, chủ yếu “tập trung hành nhau” khi hầu hết các nội dung đề ra trong Dự thảo đều “nhắm” vào doanh nghiệp nội địa (chỉ khoảng 1,5 trang quy định đối với doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài).

Về quy định trách nhiệm trong việc quản lý ATTP, theo TS Nguyễn Tử Cương, “chúng ta đã làm phức tạp hoá vấn đề”, bởi lẽ, theo thực tế nhiều nước đã quy định và đối chiếu với cơ cấu của Việt Nam, chỉ nên quy trách nhiệm về hai Bộ: NN&PTNT và Bộ Y tế. Theo đó, Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm toàn bộ khâu sản xuất thực phẩm (Từ ao nuôi đến lô cuối cùng…; Thực hiện kiểm tra chứng nhận điều kiện sản xuất ATTP, chất lượng và ATTP cho lô hang trước khi xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước, các lo nguyên liệu nhập để chế biến; Đăng ký nhãn hiệu và công bố chất lượng cho các cơ sở).

Bộ Y tế chịu trách nhiệm toàn bộ Kho lưu trữ và phân phối thực phẩm tiêu thụ nội địa, chợ thực phẩm (bao gồm

Bà Trần Thị Quang Hồng: Trách nhiệm phải rõ ràng 
cửa hàng bán lẻ và siêu thị), nhà hang ăn đường phố, bếp ăn khách sạn… Ngoài ra, giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công Thương cũng cần có sự phối hợp để xây dựng chiến lược, chính sách quy hoạch, kế hoạch bảo vệ sức khoẻ nhân dân Việt Nam trước nguy cơ thực phẩm không an toàn.

Cùng chung quan điểm trên, bà Trần Thị Quang Hồng, thuộc Viện Khoa học pháp lý cho rằng Dự thảo Luật ATTP cần quy định rõ các chủ thể để quy trách nhiệm, áp dụng các chế tài xử phạt, tránh tình trạng “ai cũng chịu trách nhiệm nhưng cuối cùng trách nhiệm chẳng thuộc về ai”.

Về vấn đề kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, theo Ths Trần Thị Quang Hồng, Dự thảo chưa thể hiện một cách hiểu đầy đủ khi quy định chủ thể thực hiện kiểm soát là các bộ quản lý chuyên ngành và đối tượng bị kiểm soát là thực phẩm bị nghi ngờ gây ô nhiễm. Theo đó, Kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm cần được hiểu là hạn chế, ngăn ngừa cho nguy cơ không xảy ra và nếu có xảy ra thì phải giảm thiểu. Kiểm soát ô nhiễm thực phẩm do đó phải được thực hiện ở tất cả các cấp độ: Chủ thể cung cấp thực phẩm cho người tiêu dung, cơ quan nhà nước, cơ quan truyền thông…

Tuy vậy, cũng cần khẳng định một điều rằng, Dự thảo Luật ATTP dù “ra đời” hơi muộn nhưng chắc chắn sẽ tạo một niềm tin cho người tiêu dùng. Dự kiến Dự thảo sẽ được Quốc hội xem xét vào đầu tháng 11 năm nay. Và nếu mọi việc thuận lợi, Luật ATTP sẽ được thông qua vào đầu năm 2011. Điều đó có nghĩa, từ giờ tới lúc đó, người tiêu dung vẫn phải chấp nhận và chờ đợi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên