Sẵn sàng đối phó với bão số 9

Nhiệm vụ quan tâm hàng đầu của các tỉnh miền Trung trong công tác phòng tránh bão số 9 là phải đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trên biển cũng như các phương tiện đang neo đậu tại các bến bãi, chằng chống nhà cửa giúp dân

>> Hoàn tất việc sơ tán dân trước 12 giờ đêm nay

** Tối 28/9, tại Hà Tĩnh, có 11 tàu hàng chở than, phôi sắt, xi măng trên hành trình đường biển vào Nam ra Bắc đã vào cảng Vũng Áng và cảng Xuân Hải để tránh bão số 9. Thuỷ thủ đoàn đã lên bờ.

Tại cảng Vũng Áng các tàu Vinashin Inco 27, Hải Xuân 169, Thuận Phước chở 8.170 tấn than từ Quảng Ninh vào một số tỉnh phía Nam đã vào cảng. Tàu Vinashin Inco 27 bị chết máy từ ngày 25/9 vào cảng để sữa chữa. Hai tàu khác vào gần bờ và đang được cảng vụ hướng dẫn sử dụng hai neo và dùng máy đẩy để chống chọi với sóng gió khi bão đổ bộ vào. Có 5 sà lan không tự hành phục vụ việc thi công cầu cảng 2 sẽ được đánh chìm khi bão vào và sau khi bãi tan sẽ bơm rút nước, trở lại hoạt động.

Tại cảng Xuân Hải có 8 tàu hàng đã được đưa vào nơi tránh trú bão. Hơn 100 tàu cá của Hà Tĩnh và một số tỉnh lân cận cũng đã vào cảng Vũng Áng. Việc chuẩn bị phòng chống bão số 9 tại khu kinh tế Vũng Áng và huyện Kỳ Anh đang được khẩn trương triển khai.

** Tối nay, vùng ven biển Thừa Thiên - Huế gió đã mạnh dần lên, kết hợp với triều cường dâng cao gây sạt lở tại một số địa điểm, đe doạ đến một số vùng dân cư thuộc các huyện Phú Vang, Hương Trà, Phú Lộc. Tại xã Phong Bình (huyện Phong Điền), chiều nay còn xảy ra cơn lốc làm tốc mái 15 nhà dân; phần lớn trong số đó hiện được di chuyển đến nơi trú ẩn an toàn, có thể sau khi bão tan mới có thể khắc phục được thiệt hại.

Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Đến 20 giờ tối nay, trong tổng số 21.30 hộ, gần 90.000 nhân khẩu thuộc diện phải di dời thì có hơn 60% di dời đến nơi trú ẩn an toàn. Trong đó, huyện Hương Trà hoàn thành sớm nhất, di dời được 760 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu; huyện Phong Điền hơn 3.000 hộ dân, đạt gần 100% số hộ dân trong diện phải di dời. Nhiều vùng, thay vì phải tập trung đưa các hộ dân đến nơi tập trung, chính quyền cơ sở có sáng kiến đưa ở xen kẽ, lồng ghép trong nhà dân để thuận tiện trong sinh hoạt, nhất là chủ động được vấn đề lương thực, thực phẩm, chất đốt... nếu bão lũ diễn biến dài ngày.

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập 2 trạm chỉ huy, đồng thời huy động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ, hàng chục ca nô và xe lội nước, 100 nhà bạt sẵn sàng giúp dân di dời. Công an thành phố Huế thành lập trung đội cơ động gồm 60 chiến sĩ xuống các địa bàn vùng ven thành phố giúp dân chằng chống lại nhà cửa và di dời đến nơi trú ẩn an toàn. Biên phòng tỉnh bố trí 4 tàu tuần tra trên khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đầm Thuỷ Tú và khu vực cụm cảng Chân Mây, sẵn sàng đối phó với mọi tình huồng có thể xảy ra. Chi nhánh lương thực phía nam Huế dự trữ 150 tấn gạo, 200 tấn mì ăn liền đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong vùng bão lũ. (TTXVN)

** Tại Quảng Nam, mưa to làm giao thông lên một số huyện miền núi tỉnh Quảng Nam như Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My bị tắc cục bộ một số nơi do đất đá sạt lở. Khu vực Dốc Kiền, giáp ranh giữa thành phố Đà Nẵng và huyện Đông Giang bị sạt lở cả một ngọn núi xuống làm tắc nghẽn việc đi lại. Đường từ xã Lăng lên các xã vùng cao của huyện Tây Giang cũng bị sạt lở nhiều nơi. Đối phó với bão số 9, các huyện miền núi Quảng Nam tập trung chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lương thực dự trữ tại các xã vùng cao, phòng khi bị chia cắt, đồng thời tập trung lực lượng, phương tiện để khắc phục ách tắc giao thông do đất đá sạt lở. Ông Bling Mia, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: Đã chỉ đạo các xã chuẩn bị đủ trên 50 tấn lương thực, mỗi xã có một kho thóc dự trữ, chuẩn bị cho việc ứng cứu lương thực kịp thời. Riêng các tuyến giao thông chúng tôi bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực, nhất là tuyến từ A Zich đến xã Lăng và trung tâm hành chính huyện sửa chữa, khắc phục sự cố kịp thời. Tiếp tục chỉ đạo việc di dời dân khẩn cấp ở các khu tái định cư có tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất và lũ quét, vận động nghiêm cấm người dân hoạt động trên sông suối, những nơi đe dọa lũ quét, lũ ống để đảm bảo an toàn tính mạng”. (Thanh Hằng)

** Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cứu hộ 2 tàu cá của ngư dân. Tối 27/9, sau khi nhận được tin báo, Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng đã điều tàu của Hải đội 2 ra cứu hộ thành công 2 tàu cá và 20 ngư dân của thành phố.

Sau khi xác định tọa độ 2 tàu của ông Hồ Văn Trường và Hồ Văn Nhái, cùng ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, cách bờ khoảng 4 hải lý, Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng điều cán bộ, chiến sĩ và phương tiện tiếp cận các tàu này. Mặc dù, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng có chủ trương khi cứu nạn bỏ phương tiện, tập trung cứu ngư dân. Tuy nhiên lực lượng cứu hộ quyết tâm vượt qua điều kiện sóng to, gió lớn, đưa phương tiện cùng 20 ngư dân vào bờ an toàn vào lúc 23 giờ 45 đêm qua. Đại tá Nguyễn Hải, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cho biết: Hiện nay, Bộ đội biên phòng Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với các địa phương chằng chống nhà cửa giúp dân, sẵn sàng mọi phương án phòng chống bão 9. (Hải Sơn).

** Tại Quảng Ngãi, trên địa bàn các huyện ven biển có mưa to và gió mạnh. Sóng biển đã nhấn chìm 6 tàu cá của ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn đang neo đậu tại bờ. Ngoài ra, 3 tàu cá của các ngư dân: Trương Văn Quang, Nguyễn Tẩn, Nguyễn Tàu ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu đã bị mất thông tin liên lạc với đất liền.(Quang Huy)

** Tại Nghệ An, mưa lũ và lũ quét ở huyện miền núi Quỳ Hợp, làm 8 người chết và 1 người mất tích, ước thiệt hại hơn 183 tỷ đồng. Riêng thiệt hại về giao thông hơn 90 tỷ đồng. Hơn 1.440 nhà bị ngập, gần 60 nhà bị đổ sập và cuốn trôi.  Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở gần 13 nghìn mét khối đất đá, gây chia cắt các huyện trên tuyến Quốc lộ 48, cô lập 3 xã của huyện vùng cao Quỳ Châu, 66 cầu cống, tràn các loại bị hư hỏng, 1 đập đang thi công bị vỡ, 79 đập tạm bị cuốn trôi, hơn 21.000 km kênh mương bị hư hại, hơn 7.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, đổ.

Điều đáng quan tâm là sau lũ quét, nhiều hộ gia đình của các huyện miền núi không còn lương thực. Để sớm ổn định cuộc sống cho những hộ gia đình bị thiệt hại, ngoài sự hỗ trợ, tỉnh Nghệ An hỗ trợ mỗi gia đình có nhà bị cuốn trôi 10 triệu đồng; gia đình có nhà bị sập 5 triệu đồng, hỗ trợ cho gia đình có người bị chết 3 triệu đồng, những hộ bị mất lương thực sẽ được hỗ trợ gạo cứu đói.

Chiều nay (28/9), Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã họp chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ và bàn biện pháp ứng phó với cơn bão số 9. Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng tất cả các cuộc họp và thành viên Ban chỉ đạo tỉnh trực tiếp xuống các huyện, các xã chỉ đạo các địa phương sẵn sàng di dời dân khỏi vùng nguy hiểm. (Văn Toàn)

** Phú Yên chủ động phòng tránh bão số 9
Trong 3 ngày qua, Bộ đội biên phòng Phú Yên đã triển khai bắn pháo hiệu báo bão liên tục tại 2 điểm phường 6 và An Ninh Đông để thông tin cho ngư dân. Đến sáng 28/9, Phú Yên vẫn còn 205 phương tiện với 1.364 lao động đang hoạt động trên biển. Đại tá Nguyễn Trúc Thơm, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy biên phòng Phú Yên cho biết: Trong số này có 65 phương tiện với 663 lao động hành nghề câu cá ngừ đại dương ở vùng biển đang có gió Tây Nam hoạt động mạnh, do vậy lực lượng Biên phòng Phú Yên đang vận động gia đình các ngư dân thông tin cho các chủ tàu trên biển không thể chủ quan, cần đề phòng sóng lớn có thể gây phá nước.

Đối với các phương tiện trên bờ và các bến bãi, đêm qua tại các vùng biển đã có sóng lớn kết hợp với triều cường, rất nguy hiểm cho tàu thuyền. Thực hiện thông báo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các đồn biên phòng ngăn không cho tàu thuyền ra khơi, một mặt sắp xếp cho các tàu thuyền neo đậu an toàn. Tại bến cá phường 6, trong đêm qua sóng lớn kết hợp với triều cường đã uy hiếp nhiều tàu thuyền tại khu vực này, trong đó có 3 tàu bị thủng và phương tiện PY 90312 TS bị hỏng hỏng hệ thống lan can trên tàu. Để tránh va đập và sóng đánh chìm ngay tại bến, trong đêm ngư dân phường 6 đã đưa gần 200 phương tiện công suất lớn di chuyển về neo đậu tại bến Đông Tác, các tàu còn lại tiếp tục di chuyển trong sáng 28/9, trong đó, một số tàu chạy lên phía sông Chùa để tránh bão. Tuy nhiên cho đến sáng 28/9 ở Phường 6 (Thành phố Tuy Hoà) vẫn còn gần 10 phương tiện đang tiếp tục neo buộc tại khu vực này trong điều kiện sóng to, rất nguy hiểm.  Bà Nguyễn Thị Cơ, chủ phương tiện PY 2025  cho biết: “Nhà tôi liên tục theo dõi thông tin của bão từ đài duyên hải và đài TNVN. Trong đêm qua, thấy sóng lớn quá nên gia đình đã đưa tàu từ cửa Đà Diễn sang bến Đông Tác thuộc phường Phú Đông để tránh gió. Một mặt dùng bánh xi và mua xốp để bạ mạn thuyền, tránh bị va đập khi sóng lớn. Nhưng tàu thì đông mà bến chật, giữ được lúc nào thì giữ, ngư dân cũng chẳng biết cách nào khác…!”.

Trong điều kiện khó khăn về nơi neo đậu, Bộ đội biên phòng Phú Yên đang triển khai cho các đồn kết hợp với địa phương nơi có tàu thuyền hướng dẫn bà con neo buộc an toàn. Theo dự báo, do ảnh hưởng của bão số 9, vùng mưa tiếp tục mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh Phú Yên và khả năng triều cường có thể xảy ra, nhất là khu vực phía Bắc tỉnh. Hiện, Bộ đội biên phòng Phú Yên đã tổ chức cho cán bộ chiến sỹ các đồn biên phòng đóng ở phía Bắc tỉnh nắm lại những hộ nằm trong vùng xung yếu, vùng có khả năng bị ảnh hưởng nặng và sẵn sàng các phương án di dời dân khi tình huống xấu xảy ra. (Lê Biết)

Nhiều tàu thuyền tại Phú Yên đã được neo đậu an toàn (Ảnh Lê Biết)

** Quân khu 4: Cùng với chính quyền các địa phương ở miền Trung, Lãnh đạo Quân khu 4 và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã huy động lực lượng tham gia khắc phục hậu quả do mưa lớn mấy ngày qua. Quân khu 4 chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, nhân lực giúp dân các tỉnh ở miền Trung sơ tán đến nơi an toàn. Đồng thời, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão nhằm giảm đến mức thấp nhất tổn thất do cơn bão số 9 gây ra. Theo yêu cầu của tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 28/9, Quân khu 4 đã điều động 350 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 968 tham gia giúp dân ở 4 huyện ven biển là Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc di dời đến nơi an toàn. Thiếu tướng Hồ Ngọc Tỵ, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 cho biết: “Hiện nay, Quân khu chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển liên tục bắn pháo hiệu và kêu gọi tàu thuyền đánh bắt cá về nơi trú ẩn an toàn; di chuyển lên phía Bắc hoặc phía Nam để tránh bão đổ bộ vào. Tập trung di dời dân ở sát biển đến nơi an toàn. Nếu như bão đổ bộ vào lớn, thì Quân khu sẽ thành lập sở chỉ huy ở phía Nam tại tỉnh Quảng Trị để cùng với các địa phương chỉ đạo chung”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên