Sinh viên tự rèn luyện, trải nghiệm nhiều hơn nữa

VOVNews phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam

Thế hệ sinh viên hiện nay được đánh giá là năng động sáng tạo, có điều kiện học tập và có nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều vấn đề đặt ra cho sinh viên trong vấn đề học tập, tìm kiếm việc làm và phát triển năng lực... VOVNews phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.

Chủ động trong việc tự học, tự rèn luyện

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh

PV: Là đại diện của sinh viên, tập hợp và thường xuyên tiếp xúc với sinh viên, ông có thể cho biết đánh giá tổng quát về thế hệ sinh viên hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh: Thế hệ sinh viên hiện nay được đánh giá là năng động sáng tạo, có điều kiện học hành, kế thừa được truyền thống của các thế hệ đi trước, chăm học, chịu khó và có ý chí tiến thủ.

Chỉ có một bộ phận nhỏ chưa quan tâm lắm đến chuyện trang bị kiến thức, vẫn có hình thức học đối phó. Một bộ phận các bạn sinh viên do hoàn cảnh khó khăn cũng phải giành thời gian đi làm thêm, làm các việc khác nên ảnh hưởng đến thời gian học tập.

Điểm thứ hai về hạn chế của sinh viên là sự chủ động trong việc tự học, tự tìm hiểu, vẫn có tâm lý là thầy dạy gì thì học nấy, chưa chủ động tìm tòi. Trong khi bây giờ thông tin rất nhiều, đặc biệt là thông tin khoa học, nếu các bạn chủ động, tự giác hơn trong việc tự học thì chắc chắn mức độ thành công sẽ lớn hơn.

Còn vấn đề điều khách quan là hiện nay nơi để sinh viên thu nạp thông tin còn ít, sách vở, tài liệu còn thiếu thốn. Đó cũng là điều mà nhà trường, Nhà nước cũng nên quan tâm để hỗ trợ cho các bạn sinh viên. Có như vậy sẽ giúp cho sinh viên môi trường tự học, khuyến khích quá trình tự học của các bạn.

PV: Nhiều người lo ngại rằng, hiện nay một bộ phận nhỏ trong sinh viên sống thiếu lý tưởng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh: Lý tưởng của dân tộc ta là dưới sự lãnh đạo của Đảng là lý tưởng cao đẹp nhất gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội. Nhưng đối với từng đối tượng khác nhau, đặc biệt là đối với sinh viên thì phải gắn lý tưởng với hoạt động của mình. Yêu cầu đối với sinh viên là phải học tập, rèn luyện tốt, đầu tiên là để trở thành những công dân có ích.

Thứ hai sinh viên phải là những người đi tiên phong trong lĩnh vực khoa học công nghệ, kỹ thuật, đem nhiều kiến thức mới cho nhân loại, đồng thời đem những trí thức mới của nhân loại ứng dụng cho thực tiễn ở Việt Nam. Nếu học trong nhà trường mà không chất lượng, không chịu khó, không tự nghiên cứu tìm tòi, không tự trang bị cho mình bản lĩnh, tri thức, không đi tiên phong về một lĩnh vực trong xã hội thì không hoàn thành sứ mệnh của mình và có thể nói là còn thiếu lý tưởng.

Chính vì vậy thông điệp của Hội luôn truyền tải tới sinh viên quan trọng nhất trước hết là học cho mình, để có những tri thức, kỹ năng, rèn luyện bản thân có được bản lĩnh để sau này có nhiều đóng góp cho đất nước.

PV: Thưa ông, việc làm sau khi ra trường cũng luôn là một vấn đề khán nan giải đối với sinh viên hiện nay. Nhiều người ra trường không xin được việc, người xin được việc thì lại trái ngành, trái nghề. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh: Có nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ nên tiếp cận từng nguyên nhân rồi từ đó tìm biện pháp giải quyết.

Nguyên nhân đầu tiên nói từ tự thân sinh viên. Nếu sinh viên thực sự giỏi, trình độ chuyên môn tốt, năng động, có bản lĩnh thì tôi tin rằng, cơ quan, doanh nghiệp, nhà sử dụng nào cũng cần.

Nhưng phần đông sinh viên hiện vẫn học theo kiểu trung bình chủ nghĩa, chưa có sự nổi trội trong khi đi xin việc phải gặp đối tượng cạnh tranh rất lớn, các bạn chưa vượt qua được để tìm cho mình công việc phù hợp. Cuối cùng phải làm việc trái nghề. Vì thế, mỗi sinh viên nên hiểu sở trường, sở đoản của mình để cố gắng để theo đuổi một nghề nghiệp, ngành học phù hợp với mình. Khi đã theo đuổi rồi thì cố gắng học, rèn luyện cho tốt để làm cho mình trở thành người có trình độ.

Thứ hai, nói về khía cạnh xã hội thì ngoài sự nỗ lực của sinh viên, vẫn cần sự quan tâm của xã hội. Cần phải có sự quy hoạch về ngành nghề, định hướng cho sinh viên trong việc làm để ngay khi đi thực tập, sinh viên có thể tiếp cận, để khi ra trường khỏi bỡ ngỡ. Không phải sau khi ra trường mới đi tìm việc làm mà tìm việc làm xuất phát ngay từ khi đang học. Một khi đang học mà sinh viên có ý thức như vậy thì sẽ thúc đẩy việc học và hướng sinh viên vào công việc sẽ làm trong tương lai hiệu quả hơn.

Theo tôi, đối với cả những thanh niên nghèo, khó khăn, chưa có điều kiện để tự thân mình kiếm được việc làm tốt thì xã hội cũng nên có chính sách hỗ trợ. Nên có cơ chế khuyến khích để cho các bạn không nên tập trung làm việc ở các thành phố lớn mà đến những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Cần trải nghiệm thực tế

PV: Cũng liên quan đến vấn đề việc làm, hiện nay có rất nhiều sinh viên cho rằng, kiến thức thu nạp được ở thực tế trong quá trình thực tập còn quá ít, thậm chí có nhiều sinh viên chỉ “ngồi chơi, xơi nước”, làm việc vặt ở nơi mình thực tập. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh: Tôi cũng đã có thời gian giảng dạy ở trường Đại học nên cũng hiểu vấn đề này. Ai cũng mong muốn các bạn sinh viên thực tập ở các cơ sở tốt để có thể tiếp cận với một công việc thực tiễn. Tuy nhiên cũng có rất nhiều lý do. Thứ nhất là việc đưa sinh viên đi thực tế và đảm bảo điều kiện cho các bạn thực hành trong quá trình này cũng là cả vấn đề. Đầu tiên là vấn đề kinh phí rất thấp, không đủ chi cho sinh viên thực tập thời gian dài. Bản thân các cơ sở sản xuất không bố trí được không gian và thời gian cho sinh viên thực hành, nếu số lượng đông.

Sinh viên cần đến nhiều nơi để trải nghiệm cuộc sống

Theo kinh nghiệm của tôi, các bạn nên thực hành ở nhà máy theo tốp nhỏ, bám lấy cơ sở thời gian lâu thì mới tiếp cận tốt hơn với công việc. Về hướng này, Hội sinh viên đã làm việc với Hội Doanh nhân trẻ, tiến tới mỗi doanh nghiệp đỡ đầu cho một số sinh viên hành nghề, tạo điều kiện cho họ có thể thực tập được tốt hơn.

Không nhất thiết đi thực tập phải được làm việc, nhưng phải dần làm quen với môi trường, không khí sản xuất để dần tiếp cận với công việc và trải nghiệm ở ngay nơi mình thực tập. Cũng từ đây, có người có thể có cơ hội việc làm nếu doanh nghiệp thấy họ có năng lực tốt.

Sinh viên mới ra trường không nên nóng vội

PV:  Như ông vừa nói thì sinh viên giỏi có thể tìm kiếm được cơ hội làm việc. Mỗi năm, có cả trăm sinh viên thủ khoa ra trường và họ đều được các cơ quan chào đón. Nhưng thực tế chỉ sau một vài năm, thậm chí vài ba tháng làm việc, đa số không “trụ” được ở đó. Phải chăng môi trường Nhà nước chưa đủ sức hút để có thể giữ chân được họ?

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh: Thực ra tôi có suy nghĩ là nơi làm việc có những chỗ tốt hơn nhưng cũng có nơi không thuận lợi hơn với từng người. Sự cạnh tranh để thu hút được người giỏi cũng là một vấn đề đặt ra, chứ không chỉ là cạnh tranh để tìm việc làm. Người sử dụng cũng phải tìm mọi cách để người giỏi nhất đến với mình. Đó là một yếu tố khách quan để thúc đẩy sự chuyển biến về mặt chính sách, để những người giỏi sẽ tìm đến các nơi cần đến.

Còn làm việc ở các cơ quan Nhà nước cũng có những ưu điểm, tuy thu nhập thấp hơn so với các nơi khác nhưng chắc chắn công việc có sự ổn định, đảm bảo sự làm việc lâu dài. Bạn có thể có kế hoạch dài hạn hơn để thực hiện kế hoạch phát triển của mình.

Còn đối với nhiều bạn sinh viên, hiện nay các bạn rời khỏi vị trí của mình cũng có nguyên nhân, nhưng cũng có thể các bạn còn hơi nóng vội. Theo tôi, mới ra trường, các bạn nên trải nghiệm, nên cống hiến, chứ đừng vội cho rằng môi trường không phù hợp với mình.

Cá nhân tôi cũng là người làm trong cơ quan Nhà nước, tôi nghĩ đây cũng là môi trường tốt để cho các bạn rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành. Nếu mình làm tốt ở trong cơ quan Nhà nước thì sự đóng góp đó rất trực tiếp cho xã hội.

PV: Thưa ông, sau nhiều năm báo chí thường nói đến nạn “chảy máu chất xám”, nghĩa là một bộ phận sinh viên ra nước ngoài học tập và không muốn trở về làm việc trong nước. Vậy đến bây giờ, nạn “chảy máu” này đã tạm ngừng chưa, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh: Chúng tôi cũng có một thời gian dài học ở nước ngoài và trong thời gian này cũng hiểu phần nào tâm lý của các bạn sinh viên ở nước ngoài. Trước đây, thông tin về đất nước chưa nhiều nên nhiều người cũng chưa hiểu rõ về sự phát triển của đất nước, vẫn còn lo lắng là sau khi làm việc xong, liệu về nước có việc làm phù hợp với chuyên môn của mình không. Sự đóng góp của mình có hiệu quả không? Đơn giản nhất là mình sẽ sống thế nào? Tất cả những vấn đề đặt ra như thế chưa nhiều lời giải đáp nên người ta có tâm lý còn băn khoăn.

Nhưng hiện nay, công nghệ thông tin phát triển không ngừng, các trang website trong nước có rất nhiều thông tin chính thống. Các bạn nắm thông tin đầy đủ nên sự băn khoăn cũng giảm đi nhiều. Hiện nay thì nạn “cháy máu chất xám” theo tôi đã giảm, nhiều bạn đã trở về nước làm việc sau thời gian học tập ở nước ngoài.

PV: Thưa ông, với vai trò là đại diện tiếng nói, quyền lợi của sinh viên, Hội sẽ đặt nhiệm vụ nào là trọng tâm để thực hiện trong thời gian tới để ngày càng thu hút, hỗ trợ được sinh viên hiệu quả hơn?

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh: Thực ra cái gì cũng vậy, người ta đến với nhau bằng tình cảm, bằng trách nhiệm và một phần nào đó vì lợi ích. Đối với sinh viên mà Hội hoạt động không phù hợp với sở thích, xu hướng của các bạn thì chắc chắn họ sẽ không tham gia.

Vì thế mục tiêu của Hội là xây dựng tổ chức Hội thật sự vững mạnh, thực sự là của sinh viên và phải làm được những việc sinh viên thấy cần cho họ, từ những hoạt động thỏa mãn nhu cầu về văn hóa, thể dục thể thao đến các hoạt động chuyên sâu hơn như hỗ trợ sinh viên học tập, nghiên cứu, tôn vinh các sinh viên có thành tích xuất sắc, hỗ trợ sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn để các bạn vươn lên, là cầu nối với các nhà tuyển dụng để sinh viên có cơ hội việc làm....

Để làm được điều đó thì cán bộ Hội phải không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ để thực sự là thủ lĩnh của sinh viên, có sức hút đưa sinh viên vào trong hoạt động của tổ chức Hội.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên