Sự công bằng hay lòng thương hại?

Cho đến thời điểm này, những doanh nghiệp môi giới tuyển dụng lao động đi Lybia vẫn án binh bất động trước yêu cầu thanh toán tiền lương, hay chính sách hỗ trợ, đền bù đối với người lao động

Đường mộng của những người lao động Lybia được vẽ theo một lộ trình có đủ những bậc thăng giáng, với ngập tràn hy vọng, với tận cùng sợ hãi, với vỡ òa hạnh phúc, rồi tuyệt vọng thẫn thờ.

Với niềm hy vọng ngập tràn, những người nông dân mất ruộng ở các vùng quê nghèo đã cầm cố nhà cửa để mua một suất bay vào tương lai giàu có. Tuy nhiên, tương lai không nằm trong tay những người nông dân nghèo, cũng không nằm trong tầm kiểm soát của những nhà tuyển dụng tự tin khi mà cuộc nội chiến ở Lybia bất ngờ xảy ra. Từ vực thẳm tuyệt vọng, họ đã trở về nhờ nỗi xót thương của đồng bào. Trong nỗi xót thương của tình đồng bào, số phận của họ được quan tâm hơn bao giờ hết, với những hứa hẹn về một cuộc sống ổn định trong tương lai. Song, khi mối quan tâm đến số phận đen đủi của họ đã dịu bớt, và khi niềm vui thoát nạn đã vơi đi, họ phải đối mặt với thực tế.

Dẫu chủ đầu tư dự án Happy Land thực sự mong muốn hỗ trợ việc làm cho 10.000 lao động từ Lybia trở về thì doanh nghiệp cũng không thể đứng ra giải quyết được những vấn đề mà những người lao động ấy đang phải đối mặt. Mức lương từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng cho một lao động phổ thông không hề thấp so với mặt bằng lao động ở nước ta. Song vấn đề của 10.000 con người từ Lybia trở về không phải là một công việc để sống qua ngày khi mà họ đã đầu tư tất cả cho một cuộc phiêu lưu được các nhà môi giới lao động vẽ ra.

Những người lao động trở về từ Lybia đã không tự dệt mộng cho mình. Họ dấn thân vào cuộc phiêu lưu tìm kiếm tương lai bởi tin tưởng vào những nhà tuyển dụng được Nhà nước cấp phép, thậm chí được bảo lãnh bởi các ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho chuyến đi. Vì vậy, điều mà họ cần lúc này không phải lòng thương hại của những nhà hảo tâm. Họ cần lẽ công bằng, cần sự đáp lại đúng mức niềm tin mà họ đã bỏ ra.

Tất cả những người lao động khốn khó đó đều đã lên đường bởi một chính sách của Nhà nước về xuất khẩu lao động. Sự ra đi của những người như họ đã đem lại lợi nhuận khổng lồ cho những doanh nghiệp tuyển dụng trong bao nhiêu năm qua. Lẽ đương nhiên, khi mà những cam kết mang đến niềm tin của họ bị vi phạm, họ cần được đền bù thỏa đáng. Đó là lẽ công bằng.

Ai sẽ là người phải trả lại sự công bằng cho 10.000 con người trở về từ Lybia? Dĩ nhiên, đó là những doanh nghiệp đã tuyển dụng, đã ký hợp đồng, đã thu tiền của họ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, tất cả những doanh nghiệp môi giới tuyển dụng lao động đi Lybia vẫn án binh bất động trước yêu cầu thanh toán tiền lương, hay chính sách hỗ trợ, đền bù đối với người lao động.

Ngoài doanh nghiệp, Nhà nước cũng cần có vai trò cụ thể đối với số phận những con người này. Bởi, để có được niềm tin của người lao động, các doanh nghiệp đều phải đáp ứng các yêu cầu để được Nhà nước cấp phép hoạt động. Nhà nước đóng vai trò bảo lãnh niềm tin cho các doanh nghiệp này, dĩ nhiên, khi niềm tin đó sụp đổ thì không thể bỏ qua trách nhiệm của Nhà nước. Và điều cụ thể mà 10.000 công dân khốn khó kia đang mong chờ ở Tổ quốc của mình chính là việc can thiệp để các doanh nghiệp sớm thực hiện các chính sách hỗ trợ đền bù, đồng thời hoãn kế hoạch trả nợ ngân hàng.

Câu chuyện về số phận của 10.000 người lao động trở về từ Lybia có thể sẽ nhanh chóng được giải quyết bởi tính chất điển hình của sự kiện. Song, vấn đề quan trọng hơn cả không chỉ là số phận của 10.000 con người đó. Họ, dẫu là 10.000 người thì vẫn chỉ là một phần rất nhỏ so với hàng triệu người lao động Việt Nam đang đi lao động ở khắp các thị trường trên thế giới. Sau Lybia, ai dám đảm bảo sẽ không còn xảy ra những câu chuyện tương tự ở thế giới đầy biến động này?. Những rủi ro trong quá trình xuất khẩu lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và chúng ta không thể chỉ dựa vào tình thương, sự đùm bọc của những nhà hảo tâm. Đã đến lúc cần phải có những chính sách cụ thể, ràng buộc rõ ràng vai trò, trách nhiệm của nhà tuyển dụng trong việc bảo hiểm xuất khẩu lao động. Chỉ có như vậy, xuất khẩu lao động mới thực sự trở thành một chính sách nhân văn và bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên