“Sứ giả” văn hoá cho mai sau

Các di sản văn hóa của đất nước sẽ là những “sứ giả” chuyển tải thông điệp lịch sử, văn hoá từ ngàn xưa và thời đại ngày nay cho thế hệ mai sau.

Chưa năm nào ngành Văn hoá lại có một năm bội thu như năm 2010. Đặc biệt, việc có tới 3 di sản tại một thành phố trong một năm được vinh danh là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử 60 năm hoạt động của UNESCO.

Sau niềm tự hào được thế giới công nhận, còn đó nỗi lo đau đáu về việc bảo tồn, để những giá trị văn hoá đó không chỉ nằm trên giấy, mà sẽ là tài sản chung của cộng đồng, toả sáng những giá trị nhân văn trên con đường khẳng định bản sắc văn hoá của Việt Nam trên thế giới.

2010 - Năm có nhiều sự kiện trọng đại của Việt Nam. Năm của lễ hội Thăng Long - Hà Nội ngàn năm có một. Và cũng là năm Việt Nam có 4 di sản văn hoá được vinh danh. Đó là “bằng chứng” khẳng định Việt Nam với bốn nghìn năm văn hoá ẩn chứa trong lòng rất nhiều di sản mang tầm quốc tế.

Như Nghị quyết của UNESCO khẳng định: Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng và là trung tâm quyền lực chính trị trong suốt 13 thế kỷ. 82 bia đá Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm trong ký ức của bạn bè quốc tế bởi quan điểm tiến bộ của Nhà nước thời Lê, Mạc về giáo dục, đào tạo và tuyển chọn nhân tài.

 Bia đá Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Việc UNESCO đưa Hội Gióng vào danh sách DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ góp phần quảng bá sự sáng tạo của con người và đối thoại giữa các nền văn hóa… Và cuối cùng là cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là công viên địa chất toàn cầu cho thấy nỗ lực không nhỏ của Việt Nam trong việc quảng bá cũng như lập hồ sơ di sản.

Bà Katherin Muller-Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, người đã đồng hành cùng Việt Nam trong việc lập hồ sơ di sản nói rằng: “Năm qua là một năm bận rộn với tôi. Tôi có dịp đi thăm các di sản trên khắp Việt Nam. Có một điểm đặc biệt của di sản Việt Nam là sự kết nối vật chất, tâm linh, tinh thần. Ví dụ, khi đến thăm Hoàng thành Thăng Long, tôi cảm nhận thấy cả chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, kinh đô trọng yếu của các bạn, nơi đưa ra hàng ngàn quyết sách liên quan đến sự hưng vong của các triều đại, của lịch sử phát triển dân tộc Việt Nam. Khi đến thăm các di sản ở Việt Nam, chúng ta không chỉ thấy cảnh mà phải cảm nhận, giao tiếp với phong cảnh ấy. Di sản của Việt Nam là hội tụ và tổng hoà tất cả mọi yếu tố”.

Được công nhận đã khó, giữ gìn và phát huy giá trị của di sản trong đời sống cộng đồng càng khó hơn, khi mà thời gian gần đây, đâu đâu người ta cũng nghe thấy việc các di tích đang bị “đập đi, xây mới”. Với di sản Hoàng Thành Thăng Long, theo TS.Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Cổ Loa - Thành cổ cho biết, đến nay, tuyên bố về giá trị nổi bật toàn cầu của di sản vẫn chưa được UNESCO thông qua. Do đó, các cơ quan hữu quan phải làm nổi bật giá trị đó bằng những hành động cụ thể như: Trả lại không gian cảnh quan cho di sản; tiếp tục khai quật khảo cổ học; quy hoạch di sản thống nhất với những cam kết của Chính phủ trước UNESCO.

Việc bảo tồn 82 tấm bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám lâu nay vẫn là đề tài gây tranh cãi giữa việc bảo tồn những tấm bia đá nguyên trạng, nhưng vẫn tạo ra sự gần gũi giữa di sản với du khách và người dân. Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đề xuất phương án dùng kính chịu lực làm vách ngăn hoặc làm lan can bằng gỗ quây xung quanh nhà bia nhằm bảo vệ 82 bia đá Tiến sĩ.

Còn ông Nguyễn Sanh Châu - Vụ trưởng Vụ Văn hoá đối ngoại và UNESCO - Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, đó chỉ là phương án mang tính tạm thời. Về lâu dài, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Đó mới là phương án bảo vệ tốt nhất.

Khác với di sản vật thể, Hội Gióng do cộng đồng sáng tạo ra và đang được nuôi dưỡng trong cộng đồng nên càng ít có sự can thiệp của Nhà nước vào khâu tổ chức lễ hội càng tốt. Nhà nước chỉ nên quan tâm vào việc tu bổ các di tích liên quan đến lễ hội đã bị xuống cấp, hệ thống cơ sở hạ tầng để lễ hội diễn ra trật tự hơn, quy mô hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của người dân.

TS.Lê Thị Minh Lý - Phó cục trưởng Cục Di sản - Bộ VHTTDL cho rằng: “Không nên phát triển du lịch ở Hội Gióng vì du lịch và di sản không phải bao giờ cũng song hành. Hãy cứ để nó bình yên như thế”.

Một trong những yếu tố để di sản được công nhận đó là sau khi được công nhận vẫn tồn tại với thời gian. Bà Katherin Muller-Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: “Sau khi công nhận các di sản văn hoá, UNESCO đã mở nhiều lớp tập huấn, báo cáo thường kỳ về tình trạng di sản. Cứ 6 tháng/lần, các đại biểu quản lý di sản ở các quốc gia toàn Đông Nam Á phải báo cáo về thực trạng di sản”.

Bà Katherin Muller cũng nhấn mạnh: "Không có một giải pháp nào có thể áp dụng được cho tất cả các địa danh, tất cả các di sản. Mục tiêu của việc bảo tồn di sản là làm sao giữ được giá trị của di sản, giá trị tinh thần và đưa giá trị đó thành giá trị vật chất. Bảo tồn di sản là nguồn đầu tư tốt nhất cho tương lai".

Nếu thực hiện tốt, các di sản văn hóa của đất nước sẽ là những “sứ giả” chuyển tải thông điệp lịch sử, văn hoá từ ngàn xưa và thời đại ngày nay cho thế hệ mai sau. Và rất có thể, với những nỗ lực không biết mệt mỏi của toàn ngành Văn hoá, sang năm mới, năm 2011, Việt Nam sẽ có nhiều hơn nữa những di sản văn hoá tiếp tục được UNESCO vinh danh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên