Tăng cường đối phó với bão số 5

Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An cần thực hiện lệnh cấm ra biển từ chiều 29/9, kiểm tra đảm bảo an toàn các nơi neo đậu tàu thuyền.  

Trước diễn biến phức tạp bão số 5 sẽ đổ bộ vào bờ từ trưa và chiều tối ngày 30/9, chiều 29/9, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã họp khẩn cấp với các thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cứu hộ về việc triển khai công tác ứng phó cơn bão.

Tính đến 10h sáng 29/9, Bộ Tham mưu - Bộ đội biên phòng đã thông báo  cho 40.000 tàu thuyền và  3.000 lồng bè, lều, chòi nuôi trồng thuỷ sản trên biển. Hiện nay, một số hồ thủy điện ở Bắc bộ và Bắc trung bộ vẫn có thể tích nước, một số hồ thủy lợi đã và đang xả nước. Đến nay, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm 3 người chết ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ. Về tình hình thu hoạch lúa, tại các tỉnh miền Bắc và phía Nam diện tích thu hoạch chưa được nhiều trên tổng số gieo cấy

Sau khi nghe các các thành viên ban chỉ đạo báo cáo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ, bão số 5 với cường độ lớn kèm theo gió mạnh và cùng đợt triều cường, các địa phương cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tập trung quyết liệt công tác chỉ đạo ứng phó, giảm thiệt hại do bão gây ra. Phó Thủ tướng yêu cầu, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An thực hiện lệnh cấm ra biển từ chiều 29/9, kiên quyết không để người ở dưới tàu thuyền trước và trong thời điểm bão vào; kiểm tra đảm bảo an toàn các nơi neo đậu tàu thuyền.

Trước 9h sáng 30/9, các địa phương phải hoàn thành di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm và có nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

** Ngày 29/9, Bộ Y tế có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ về việc triển khai công tác phòng chống bão số 5 (Netsat).

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thời tiết, chủ động trong công tác ứng phó với diễn biến bất thường của mưa, bão, phát huy phương châm bốn tại chỗ, đối phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trung du và miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ khẩn trương triển khai ngay các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xảy ra lũ, lụt, sạt lở đất, lên kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ ngập úng.

Hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo an toàn, cách thức xử lý nguồn nước bị ô nhiễm để chủ động đối phó với tình huống mưa lũ, bị chia cắt dài ngày do mưa bão gây ra. Khi có lệnh, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tổ chức di dời, sơ tán dân cư ở khu vực nguy hiểm.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố khi có lệnh, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành liên quan trong công tác sơ tán dân sinh sống ở những nhà không chịu được gió bão, vùng thấp trũng, khu vực có nguy cơ ngập bởi nước dâng do bão đến nơi an toàn.

Các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu suốt ngày đêm, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do ảnh hưởng của mưa bão, úng lụt, sạt lở đất và lốc xoáy gây ra. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh.

Các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động trực 24/24 giờ, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế và các đơn vị báo cáo số lượng cơ số thuốc dự trữ tại địa phương, đơn vị và có báo cáo nhanh về kết quả triển khai công tác với cơn bão NESAT về Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thảm họa và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên