Tết Trung thu đang dần phai nhạt

Cùng với sự đô thị hoá, nhiều giá trị truyền thống thể hiện qua Tết Trung thu cũng dần mai một.

Trong những năm gần đây, khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, giá trị truyền thống gắn với Tết Trung thu dần mai một. Phóng viên VOVonline có cuộc trao đổi với PGS, TS Võ Quang Trọng- Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nơi nhiều năm dày công sưu tầm, lưu giữ và phát huy giá trị nghệ thuật, văn hoá dân gian.

PV: Thưa PGS, hiện nay Tết Trung thu đang dần mất đi sắc thái. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

PGS, TS Võ Quang Trọng
PGS, TS Võ Quang Trọng: Quy hoạch đô thị hiện nay chưa ổn. Việc dành quỹ sân chơi cho các em nhỏ chưa làm tốt, thiếu nghiêm trọng. Khi quy hoạch nên dành những quỹ đất để xây dựng công viên, khu vui chơi cho trẻ em, phải vì con người, phải tính đến lợi ích lâu dài, không nên nhìn vào cái lợi trước mắt.

Bây giờ trẻ em nghiện games, lao vào chơi games nhiều quá. Thực tế xã hội đã cho thấy trẻ em bạo lực nhiều quá. Đọc những thông tin về bạo lực trẻ em thấy rất buồn. Tất nhiên còn nhiều tác động khác nữa nhưng văn hóa truyền thống cần phải được nuôi dưỡng vì nó sẽ góp phần rất lớn vào việc giáo dục trẻ em. 

Giá trị truyền thống gắn với điều kiện tự nhiên, xã hội, nếp sống cổ truyền, xã hội phát triển. Tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, môi trường tự nhiên, xã hội ngày một thay đổi, những giá trị truyền thống cũng phai nhạt, trong đó có những di sản văn hóa, trò chơi dân gian là một loại di sản như thế. Ví dụ, một làng quê ngoại thành trước đây đất đai rộng, nhiều trò chơi có thể tổ chức chơi trên cánh đồng,… khi không gian chơi không còn nữa thì trò chơi mất đi. Nhiều trò chơi mất dần, Trung thu cũng bị phai nhạt.

PV: Vậy trong những năm qua, Bảo tàng Dân tộc học đã làm gì để bảo tồn nét văn hóa này, thưa PGS?

PGS, TS Võ Quang Trọng: Nhiều năm qua, Bảo tàng đã tổ chức nhiều chương trình định kỳ và không định kỳ như: Chào năm mới, mừng xuân, quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu,… với nhiều hoạt động trò chơi dân gian, đặc biệt là Tết Trung thu dành cho công chúng. Tại đây, trẻ em được chơi và dạy chơi trò chơi dân gian, làm đồ chơi con giống, diễn các nghệ thuật dân gian.

Qua những hoạt động đó thấy rằng, bên cạnh những trò chơi hiện đại, trò chơi dân gian cũng được các em đón nhận và chơi rất say mê. Chứng tỏ giá trị truyền thống không mất đi mà nó được nhận thức trở lại, đặc biệt là trong thế hệ trẻ.

Nhiều đứa trẻ vẫn say sưa chơi các trò chơi dân gian.

PV: Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Tết Trung thu, theo PGS, cần phải làm gì?

PGS, TS Võ Quang Trọng: Bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, trong đó có Tết Trung thu, đòi hỏi rất nhiều phía: Gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội đoàn thể. Các tổ chức, cá nhân, những người lớn cần thức tỉnh ý thức của các em và giúp các em trở lại với các giá trị truyền thống. Ví dụ, khuyến khích các em chơi trò chơi dân gian sau giờ học, khi đi picnic, dã ngoại,…. Vì trò chơi dân gian kết tinh rất nhiều giá trị truyền thống, là trí tuệ của nhiều thế hệ đúc kết lại qua năm tháng, giá trị đó đã dược khẳng định.

Với tinh thần đó, khi quy hoạch đô thị cần tạo cho các em nơi vui chơi để các em có thể chơi trò chơi truyền thống.

Cạnh đó, ngoài việc cần nhiều tư liệu trong sách, phim ảnh, thì cần khai thác trí tuệ của các nghệ nhân dân gian để truyền nghề làm đồ chơi và dạy cách chơi cũng rất cần thiết.

Các làng nghề truyền thống làm đồ chơi Tết Trung thu đang mất dần.

PV: Theo PGS, giá trị của những trò chơi dân gian được biểu hiện thế nào?

PGS, TS Võ Quang Trọng: Giá trị còn lại của dân tộc là di sản văn hóa, trong đó trò chơi dân gian là một phần của di sản văn hóa. Sự phân biệt giữa các quốc gia chính là di sản văn hóa. Trò chơi hiện đại, bên cạnh những tích cực, nó có rất nhiều tiêu cực, chẳng hạn như súng ống, đồ chơi bạo lực, xe tăng,… Còn trò chơi dân gian “lành” hơn, sâu sắc hơn. Do đó, trong nhà trường, gia đình, xã hội cần làm sao để giá trị truyền thống được tiếp nối, các thế hệ sau bồi đắp và phát triển.

PV: PGS đánh giá như thế nào về khoảng cách Trung thu hiện nay với nhiều năm về trước?

PGS, TS Võ Quang Trọng: Trước đây hàng chục năm, Trung thu gắn với yếu tố gốc, ít pha tạp hơn. Do điều kiện phát triển, hiện nay, Trung thu ít gắn với truyền thống. Các trò chơi hiện đại, các trung tâm văn hóa tổ chức chơi có thu tiền. Nó là một phần của thương mại hóa.

Cần phát triển văn hoá truyền thống trong điều kiện mới cho phù hợp. Để duy trì được trò chơi dân gian cần tạo không gian văn hóa cho nó. Đó là tầm vĩ mô, không phải của riêng từng gia đình.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên