Thu phí bảo trì đường bộ:

Thêm gánh nặng cho người lao động

Chính phủ cần cân nhắc và xem xét mức phí cũng như thời điểm áp dụng để tránh tác động kép tới đời sống, thu nhập của người lao động

Bộ GTVT đang trình Chính phủ 2 phương án thu phí cho Quỹ Bảo trì đường bộ, đó là thu qua giá xăng dầu và thu trên đầu các phương tiện. Tổng thu trong một năm từ cả hai phương án đều xấp xỉ 6.000 tỷ đồng.

Theo lý giải của Bộ GTVT, việc thu phí cho Quỹ Bảo trì đường bộ được xem là một giải pháp cho tình trạng thiếu kinh phí bảo trì đường bộ triền miên, khiến đường xuống cấp nghiêm trọng hiện nay và cần được ủng hộ. Song, ở góc độ người dân, đặc biệt là người lao động trong các lĩnh vực chịu tác động trực tiếp từ nguồn thu này thì lại thêm một gánh nặng. Yêu cầu đảm bảo công bằng, tách bạch nguồn thu và đáp ứng chất lượng đường sá tương ứng với nguồn phí mà người dân đóng góp là những yêu cầu đặt ra đối với cơ quan đề xuất.

Anh Nguyễn Đăng Chất, ở Thanh Oai, Hà Nội, lái xe taxi, cho rằng, loại phí này một lần nữa đè nặng lên đôi vai người lao động khi mà giá điện, nước, xăng và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác tăng cao: “Thu thêm phí này chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động, nhất là với cánh lái xe như chúng tôi. Đường sá xuống cấp và hay bị tắc, đi trên một tuyến đường mấy chục cây số lại có 1 trạm thu phí, giờ lại thu phí bảo trì thì khó khăn bội phần, trong khi thu nhập chẳng được bao nhiêu”.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Nguyên ở 39 Hàng Bài, Hà Nội, với 32 năm lái xe cho rằng, các doanh nghiệp vận tải đang phải “oằn lưng” với rất nhiều loại thuế, phí như: phí trước bạ, phí đăng kiểm hằng năm, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự và phí trả cho rất nhiều trạm thu phí đường bộ làm tăng cao giá thành hàng hóa. Với rất nhiều khoản phí như vậy, thêm phí bảo trì đường bộ nữa, cộng với giá xăng dầu tăng cao thì đầu tư xe chở khách, để đảm bảo lãi, các nhà xe lại tăng giá vé nên chắc chắn người dân sẽ chịu thiệt thòi.

Theo lý giải của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị xây dựng đề án, ngân sách cấp cho bảo trì đường bộ trong nhiều năm qua chưa bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu. Cụ thể, nhu cầu kinh phí cho công tác bảo trì đường bộ hiện nay khoảng 12.200 tỷ đồng/năm (bao gồm 6.700 tỷ đồng đối với quốc lộ và 5.500 tỉ đồng đối với đường địa phương). Nhưng thực tế vốn ngân sách cấp cho công tác bảo trì chỉ đạt khoảng 50% nhu cầu đối với quốc lộ, còn đường địa phương, tỷ lệ này thấp hơn nhiều. Do đó, để giảm gánh nặng ngân sách, phương án thu phí bảo trì đường bộ đang chuyển sang phía người dân.

Việc mỗi người dân chung tay chia sẻ gánh nặng kinh phí phát triển giao thông là cần thiết. Song thực tế thời gian qua, chi phí người dân phải đóng góp đã khá nặng, nếu cần đóng góp thêm cũng phải tính toán trên tinh thần công bằng, hợp lý và đúng đối tượng. Nhiều người cho rằng, sẽ là bất công khi bắt người dân gánh nhiều khoản phí trong khi chất lượng cầu đường được thụ hưởng không tương xứng. Mong muốn chung của người dân là Chính phủ cân nhắc và xem xét mức phí và thời điểm áp dụng để tránh tác động kép tới đời sống, thu nhập của người lao động, nhất là những người làm trong lĩnh vực giao thông vận tải./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên