Thiên đường nào ở đâu xa

Những mong có cuộc sống giàu sang mà không phải làm việc, một số người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã nhẹ dạ nghe lời xúi giục vượt biên trái phép sang Campuchia. Khi trở về, họ mới nhận ra rằng không ở đâu bằng quê hương mình.

Sau 3 năm trở về buôn làng, Y Tư (ở bon Zun Zú, xã Đức Minh, huyện Đắc Min), vẫn chưa quên cái lần suýt chết khi theo mẹ vượt biên trái phép sang Campuchia năm 2006. Hai tuần lang thang trong rừng, Y Tư bị bệnh sốt rét hành hạ. Rồi may mắn, hai mẹ con được cảnh sát Campuchia phát hiện, giao cho bộ đội biên phòng Việt Nam cứu chữa. Giờ Y Tư đã lấy vợ, có con, làm ăn khấm khá … Y Tư tâm sự: “Tôi đi theo mẹ vượt biên sang Campuchia, ở đó là rất khổ cực, muỗi đốt, bị sốt, rồi bị ốm, không có cơm ăn. Bây giờ về nhà thì đã có cuộc sống mới, nhà nước quan tâm cho vay vốn, cuộc sống cũng đã ổn định.

Giống như mẹ con Y Tư, nghe những lời dụ dỗ về một cuộc sống giàu sang đang chờ đón, ông Điểu Mai (ở bon Bu Dấp, xã Nhân Cơ, huyện Đắc RLấp), đã bỏ vợ con, bỏ buôn làng, vượt biên sang Campuchia. 6 tháng sống trong trại tạm cư, ông nhận ra sự thật về thiên đường mà những kẻ xấu đã dựng lên: “Vào trại tạm cư ngày đầu tiên bỏ ăn đến ngày thứ 2 đói quá chúng tôi buộc phải ăn. Những ngày sau đó ngày càng cực khổ, thức ăn không đủ, anh em trong trại đánh nhau. Việc vệ sinh cá nhân, 200 thậm chí 300 con người chỉ tập trung một chỗ nên phát sinh nhiều bệnh tật. Rồi chúng tôi đòi quay về, nhân viên Liên hiệp quốc viết giấy cho về và nói rằng, nếu chết dọc đường sẽ phải tự chịu trách nhiệm. Chúng tôi may mắn về được với buôn làng và khuyên con cái, bà con đừng nghe đừng tin theo bọn xấu, hãy ở nhà lo phát triển kinh tế, chăm sóc xây dựng buôn làng mình”.

Thời gian qua, một số người dân tộc thiểu số Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Campuchia, những mong được đưa đi Mỹ, hưởng cuộc sống giàu sang. Vậy sự thật thiên đường nơi nước Mỹ là như thế nào? Mục sư Rơ Mah Loan, Ủy viên mục vụ Tổng Liên hiệp Hội thánh tin lành Việt Nam (miền Nam), kể: “Việc bà con gửi về nào là hình nhà, hình xe là có thật nhưng đó chỉ là đồ mua trả góp thôi. Mỗi tháng đều phải trả, nên bà con bên đó sống rất khó khăn. Hơn nữa cuộc sống ở bên đó rất tốn kém: nếu đau ốm mỗi lần đi khám là mất 800 USD, nếu không may chết, thì tiền đất chôn là 1.500 USD. Những người Gia-rai, Ê-đê, Mơ-nông tôi gặp ở bên đó đang rất hoang mang vì không có việc làm. Những người đó hiểu ra rằng đến nước Mỹ là do cả tin lời tác động, đến đó rồi Kso Kớk không nuôi mà lại phải nộp tiền cho Kso Kớk. Thực sự là Kso Kớk lừa đảo để nuôi Kso Kớk”.

Lời lừa đảo lôi kéo vượt biên của Kso Kớk và đồng bọn chỉ lừa phỉnh được một số người nhẹ dạ cả tin. Rơi vào cảnh tha hương cùng khổ nơi đất khách, họ mới nhận ra rằng cuộc sống giàu sang nơi nước Mỹ chỉ là ảo vọng. Việc vượt biên không những làm khổ bản thân, khổ gia đình vợ con và buôn làng, mà còn gây mất đoàn kết dân tộc, vi phạm pháp luật, cũng như trái với giáo lý, hiến chương của Hội thánh Tin lành.

Khi trở về Việt Nam, họ thấm thía rằng, sự giàu có hạnh phúc chỉ có được khi tự mình xây dựng trên chính mảnh đất quê hương. Như ông Điểu Mai, sau mấy năm trở về chăm chỉ làm ăn, đã trở thành nông dân sản xuất giỏi ở bon Bu Dấp. Hay ông Điểu Khuých, dân tộc Mơnông giàu nhất vùng biên giới xã Đắc Bu So, huyện Tuy Đức. Với hàng chục héc-ta cao su, cà phê, ông đã có nhà cao cửa rộng, sắm được ô-tô, lại mua cho các con 3 chiếc xe công nông để làm rẫy. Ông Điểu Khuých bày tỏ: “Ngày trước tôi nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, vượt biên trái phép sang Campuchia. 6 tháng sống khổ cực bên đó, tôi rất hối hận, nên tìm đường về với buôn làng, vợ con. Tôi đã trở về trồng cao su, điều, trồng mì, trồng tiêu…, không đi đâu cả. Tôi cũng nói với bà con không nên theo kẻ xấu xúi giục. Đảng, Nhà nước đã đầu tư nhiều chương trình giúp đỡ buôn làng, xây dựng cuộc sống ấm no. Giờ nhiều gia đình đã sắm sửa được 2 – 3 chiếc xe máy, có xe công nông…”.

"Không ở đâu bằng quê hương mình", đó là lời tâm sự của những người đã từng lầm đường lạc lối. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bà con nhận ra rằng, “thiên đường” không phải ở đâu xa, mà ngay trên mảnh đất quê hương khi biết đem bàn tay, khối óc chung sức dựng xây./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên