Thiếu nhân lực, tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS

Nguồn lực tài chính trong 5 năm qua chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu của công tác phòng chống HIV/AIDS và 5 năm tới cũng như vậy.

Ngày 12/5, tại TP HCM, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và Bộ Y tế tổ chức hội thảo “Kết quả phân tích nguồn lực chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam và các giải pháp đảm bảo tính bền vững”. Tham dự hội nghị có các thành viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Y tế, hơn 200 đại biểu là đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Sở Y tế các tỉnh, thành phố phía Nam.

Tính đến cuối năm 2010, Việt Nam có gần 184.000 người nhiễm HIV/AIDS còn sống, nhiều hơn 23.000 người so với năm 2009. Số ca nhiễm HIV mới phát hiện qua từng năm cũng có xu hướng giảm, từ 15.700 ca năm 2009 xuống còn 13.800 ca năm 2010. Đây là những dấu hiệu đáng mừng cho thấy công tác tuyên tuyền và chăm sóc người bị nhiễm HIV/AIDS bước đầu có hiệu quả.

Về phòng chống HIV/AIDS trong những năm tới ở Việt Nam, các báo cáo đều khẳng định công tác này sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Kiến thức của người dân còn hạn chế, nhóm người có nguy cơ nhiễm gia tăng, nguồn lực tài chính không đáp ứng nhu cầu, thiếu nhân lực trầm trọng…

Theo thống kê, nguồn lực tài chính trong 5 năm qua chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu của công tác phòng chống HIV/AIDS và 5 năm tới cũng như vậy. Nguồn lực này cũng không mang tính bền vững cao khi có đến 73% là từ viện trợ quốc tế, chỉ có 13% có được từ ngân sách nhà nước. Nhân lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS đang thiếu từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện. Trong khi đó, dự báo đến năm 2015, tại Việt Nam sẽ có khoảng 300.000 người nhiễm HIV, trong  đó có 140.000 người cần được điều trị bằng thuốc ARV.

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng: Bộ Y tế cần sớm trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia và Chiến lược phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 với một số mục tiêu cụ thể như: khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% vào năm 2015 và không tăng sau năm 2015; giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy từ 17% hiện nay xuống dưới 10% và trong nhóm bán dâm dưới 3% vào năm 2020, phấn đấu có 80% bệnh nhân người lớn, 95% bệnh nhân trẻ em, 95% bệnh nhân lao/HIV được tiếp cận với thuốc điều trị ARV… Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp cho thiếu hụt nguồn lực của công tác phòng chống HIV/AIDS như: tăng đầu tư của ngân sách nhà nước, tăng viện trợ nước ngoài, tăng cường xã hội hóa, xác định các biện pháp can thiệp ưu tiên trong điều trị…

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Hiện nay là giai đoạn Việt Nam bắt đầu bước vào nước thu nhập trung bình, nhưng 10 năm nữa thì Việt Nam cũng chỉ là một nước thu nhập trung bình. Do vậy, nguồn lực nói chung và nguồn lực cho HIV/AIDS sẽ tiếp tục là thách thức lớn khi một số dự án, chương trình bị cắt giảm dần”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên