Thực phẩm mất vệ sinh - ai bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng?

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ tàng trữ, vận chuyển, chế biến phụ phẩm, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh ở nhiều địa phương gây hoang mang cho người sử dụng.

Đầu tiên là rau, quả, thịt nhập khẩu không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng nhưng vẫn bày bán trên thị trường, mà tiêu biểu là hàng trăm tấn giò lợn, cánh gà quá hạn sử dụng của Công ty Vinafood.

Ngày 13/9 tại Lào Cai, đội quản lý thị trường phát hiện 110 kg lòng lợn bị thối đang trên đường vận chuyển đi xử lý hóa chất để dùng làm thực phẩm. Ngày 17/9, cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng tịch thu gần 20 tấn mỡ động vật không rõ nguồn gốc và đình chỉ 3 cơ sở chế biến trái phép tại huyện Hòa Vang.

Riêng tại Hà Nội từ đầu tháng 9 đến nay, cơ quan chức năng đã bắt giữ trên 50 tấn mỡ bẩn tại Công ty chế biến lâm sản xuất khẩu Thăng Long; phát hiện 71 thùng phi đựng đầy mỡ, bốc mùi khó chịu và 6 bao tải đựng tóp mỡ lợn, hàng chục can nhựa trắng để sang chiết mỡ tại quận Hà Đông. Bước đầu chủ hàng thừa nhận số mỡ này được thu gom bán cho nhà hàng để rán quẩy, ngô, bánh…

Những thông tin này thực sự làm người tiêu dùng bị sốc. Nhưng còn biết bao tấn mỡ, phụ phẩm động vật mất vệ sinh,  không rõ nguồn gốc chưa được phát hiện trong suốt thời gian qua, và hành trình bí ẩn của nó đã tới những đâu, bếp ăn tập thể, nhà hàng, hay các quán cơm bình dân nhan nhản khắp phố phường, khu công nhân?

Đáng tiếc là sao mãi đến tận bây giờ, những vụ việc như vậy mới được phát hiện, trong khi những cơ sở chế biến thực phẩm mất vệ sinh này tồn tại từ năm này sang năm nọ, gây ôn nhiễm cho môi trường sống của cư dân trong vùng.  Vì lợi nhuận mà những người kinh doanh đã bất chấp cả lương tâm, coi thường tính mạng của đồng loại.

Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở đâu?

Thông thường khi một vụ việc bị phát giác, người ta hay biện minh là vì thiếu cơ chế chính sách, thiếu luật, thiếu lực lượng, thiếu phương tiện… Nhưng điều mà ai cũng thấy: Để xảy ra tình trạng này, có lẽ cái thiếu trầm trọng nhất ở chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng là thiếu trách nhiệm. Chả thế mà, kết quả điều tra mới đây của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận: Đến thời điểm này, cả nước mới kiểm soát được 45% cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, phần lớn các cơ sở còn lại chưa được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động không tuân thủ tiêu chuẩn vệ sinh nào!

Điều người tiêu dùng quan tâm nhất lúc này là cần một thái độ, hay đúng hơn là một hành động kiên quyết của ngành chức năng đối với tình trạng chế biến, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, mất vệ sinh nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên