Thủy điện giữ nước, hạ du khát: Điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ

VOV.VN - Một số thủy điện ở lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn giữ nước làm cho TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam nhiễm mặn nghiêm trọng.

Những năm trước đây, mỗi nhà máy thủy điện có một quy trình vận hành riêng và chỉ có quy trình vận hành mùa lũ mà không có mùa khô. Năm ngoái, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các địa phương nghiên cứu xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trình Chính phủ ký Quyết định ban hành vào tháng 9/2015.

Quy trình này góp phần khắc phục tình trạng mạnh ai nấy xả, không lợi thì không xả, khiến  cuộc sống người dân luôn bất an: bởi mùa mưa thì lũ chồng lũ, còn mùa khô thì cạn kiệt, thiếu nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý mà chính các chủ hồ chứa thủy điện cũng đặt nghi vấn.

Sông Đak My đoạn chảy qua huyện Nam Giang về hạ du.

Cuối năm 2015, sau khi Quy trình vận hành liên hồ chứa có hiệu lực, ở khu vực miền Trung hầu như không có lũ. Vì vậy, chưa có cơ sở để khẳng định Quy trình này đã ổn hay chưa? Thế nhưng, từ đầu mùa khô năm nay, Quy trình Vận hành liên hồ chứa này đã bộc lộ một số điểm bất hợp lý.

Cụ thể, Quy trình này quy định, lúc 7 giờ sáng khi mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa nhỏ hơn 2,67 m, Thủy điện Đăk My 4 phải phải xả nước liên tục với lưu lượng không nhỏ hơn 12,5 m3/s; Trường hợp mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa trong khoảng từ 2,67 m đến 2,80 m, thủy điện phải xả nước liên tục với lưu lượng không nhỏ hơn 8 m3/s; Trường hợp mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa lớn hơn 2,80 m, vận hành xả nước liên tục với lưu lượng không nhỏ hơn 3 m3/s. Tuy nhiên, trên thực tế, mực nước tại trạm thủy văn này không ổn định, bởi phụ thuộc 3 nhà máy thủy điện Đăk My 4, Sông Bung 4, A Vương. Khi 2 nhà máy thủy điện Sông Bung 4 và A Vương phát điện thì mực nước lên cao hơn 2,8 mét nhưng khi dừng phát điện thì mực nước tụt xuống rất nhanh. Một số chuyên gia thủy lợi không đồng tình với mức nước được quy định trong quy trình này.

Ông Đinh Hữu Tấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk My 4 đặt vấn đề: “Chúng tôi lấy mực nước 7 giờ sáng. Tuy nhiên, thông thường 11 đến 12h, đã dừng phát điện rồi, mực nước Ái Nghĩa tụt xuống. Ngay quy trình này, chúng ta cũng phải xem xét lại một phần. Phải căn cứ tình hình thực tế. Ví dụ như tôi đang xả 5 mét khối/giây. Thế nhưng 3 đến 4 tiếng sau nước dâng cao, lúc đó cũng phải xem xét, đáng lý ngày hôm nay mình phải xả 8 khối nhưng mình dừng xuống 5 khối. Nhưng khi A Vương, Sông Bung phát điện thì nước lên rất nhanh, chúng tôi điều chỉnh, thì lúc ấy lại sai quy trình”.

Tại điều 19 của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn quy định: “Trong trường hợp vào đầu mùa cạn mà mực nước các hồ không đạt giá trị quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam quyết định việc vận hành các hồ nhằm bảo đảm chậm nhất đến ngày 1 tháng 2 mực nước hồ đạt giá trị như quy định”. Thế nhưng từ ngày 8/12/2015 đến đầu tháng 3/2016, Thủy điện A Vương dừng phát điện để tích  nước nhưng mực nước hồ A Vương vẫn chưa đạt giá trị đến mực nước dâng tối thiểu, buộc phải tiếp tục dừng phát điện để tích nước. Vì vậy, việc vận hành hồ A Vương không thể theo quy trình đã ban hành.

Ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Quảng Nam nêu xõ, thủy điện xả nước không ổn định.

Ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần phải sửa đổi  quy trình này cho phù hợp với thực tế: “Riêng mùa cạn tôi có một số đề xuất. Vì quy trình chẳng qua là mình quy định một số trình tự thủ tục cho đúng bài bản như thế. Nhưng hiển nhiên trong quá trình thực tế phải linh động chứ không thể cứng nhắc như đúng quy trình. Ví dụ như A Vương có đúng quy trình không, phải có hướng linh động để xử lý, chẳng lẽ bắt dừng mãi. Đó là chưa nói tới lúa của Quảng Nam chết, nước của Đà Nẵng mặn. Tới lúc căng thẳng thì tỉnh Quảng Nam cũng sẽ có ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này, mình phải có quy định lại mực nước thế nào cho phù hợp”.

Ông Trương Xuân Tý cũng đề nghị bổ sung quy định, các chủ hồ chứa thủy điện phải thông báo thời gian vận hành xả nước cụ thể một tháng nghỉ bao nhiêu ngày, một ngày nghỉ bao nhiêu giờ để địa phương có kế hoạch dùng nước gắn với kế hoạch xả nước này.

Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn quy định rất cụ thể trong trường hợp mực nước tại Trạm Thủy văn Ái Nghĩa xuống mức bao nhiêu thì Thủy điện ĐăkMy 4 phải xả với mực nước tương ứng để chống hạn cho hạ du nhưng lại không quy định cụ thể cơ quan đơn vị và giám sát thực hiện. Trong trường hợp  không thực hiện thì bị xử lý như thế nào? Hiện nay, Thủy điện ĐăkMy 4 và một số thủy điện khác vẫn chưa lắp đặt camera để công khai thông tin xả nước nhưng không thấy ai xử lý.

Theo ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cần sớm điều chỉnh một số quy định trong quy trình này. “Hiện nay, hiện tượng thời tiết cũng như hiện tượng Elnino không đi theo một quy trình. Vì vậy, tuy Quyết định của Thủ tướng mới ban hành năm 2015 nhưng cần thiết chúng ta phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Bởi Quyết định của Thủ tướng cũng do mình tham mưu. Chính mình tham mưu rồi cũng chính là người thực hiện. Đề nghị có những bổ sung như thế nào đó cho nó kịp thời, để bảo cho chúng tôi cũng như Quảng Nam tránh rơi vào trường hợp thiếu nước nông nghiệp cũng như hạn chế nhiễm mặn do thiếu nước”.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, Quy trình Vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn là công trình khoa học có tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và của chính các địa phương. Từ đó đã khắc phục được tình trạng mỗi nhà máy thủy điện một quy trình riêng,  mạnh ai nấy xả. Trước mắt, các địa phương, các chủ hồ chứa phải tuân thủ nghiêm quy trình vận hành đã được Thủ tướng Chính phủ  ban hành. Tất nhiên, trong quá trình thực hiện nếu có gì bất hợp lý thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh.

Ông Hoàng Quốc Vượng đề nghị: “Chúng ta phải tuân thủ nghiêm túc Quy trình vận hành đã được Thủ tướng chính phủ ban hành tại Quyết định 1537. Tuy nhiên chúng ta cũng biết thực tiễn phức tạp, có lúc hạn, lúc khó mà không văn bản nào có thê lường trước hết mọi tình huống có thể xảy ra được. Trong trường hợp khác biệt, thực tiễn có sai khác thì chúng ta điều chỉnh trong quá trình vận hành các hồ chứa”.

Cuộc chiến giành nước ở các tỉnh miền Trung tưởng như đã chấm dứt sau  khi có Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn. Tuy nhiên, hiện tượng thời tiết cực đoan cũng như thực tiễn cho thấy Quy trình này đã bộc lộ bất cập, sớm điều chỉnh cho phù hợp. Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần lắng nghe phản ứng từ các địa phương, chủ hồ chứa để vận hành hồ chứa một cách khoa học, đảm bảo chống hạn, nhiễm mặn vùng hạ du./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tây Nguyên đối mặt hạn hán khốc liệt
Tây Nguyên đối mặt hạn hán khốc liệt

VOV.VN -  Các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào cao điểm của mùa khô và hạn hán đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi.

Tây Nguyên đối mặt hạn hán khốc liệt

Tây Nguyên đối mặt hạn hán khốc liệt

VOV.VN -  Các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào cao điểm của mùa khô và hạn hán đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi.

Bình Thuận thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do hạn hán
Bình Thuận thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do hạn hán

VOV.VN -Hiện tỉnh Bình Thuận có trên 40.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước ngày càng khan hiếm, trong khi nắng nóng tiếp tục kéo dài.

Bình Thuận thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do hạn hán

Bình Thuận thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do hạn hán

VOV.VN -Hiện tỉnh Bình Thuận có trên 40.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước ngày càng khan hiếm, trong khi nắng nóng tiếp tục kéo dài.

Hạn hán kéo dài, người dân Bình Thuận vất vả tìm kế sinh nhai
Hạn hán kéo dài, người dân Bình Thuận vất vả tìm kế sinh nhai

VOV.VN-Hạn hán khiến người dân phải để ruộng hoang, rời địa phương đến nơi khác tìm việc làm để nuôi gia đình.

Hạn hán kéo dài, người dân Bình Thuận vất vả tìm kế sinh nhai

Hạn hán kéo dài, người dân Bình Thuận vất vả tìm kế sinh nhai

VOV.VN-Hạn hán khiến người dân phải để ruộng hoang, rời địa phương đến nơi khác tìm việc làm để nuôi gia đình.