Tiếp tục khẩn trương ứng phó với bão số 9

Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện khẩn các tỉnh, thành phố có ảnh hưởng với bão lên phương án sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi những vùng ven biển, ven sông suối

Ngày 27/9, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện khẩn số 44/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Công điện nêu rõ: Hồi 7 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão số 9 vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 116,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 470 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89-102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12. Bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Đến 7 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc, 112,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị-Đà Nẵng khoảng 80km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118-149 km/giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.

Từ đêm 27/9, phía nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Từ ngày 28/9, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương-Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành:

- Thực hịên nghiêm túc Công điện khẩn số 1794/CĐ-TTg ngày 26/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về công tác triển khai và đối phó với bão số 9.

- Tổ chức chằng chống nhà cửa, lên phương án sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi những vùng ven biển, ven sông suối, những nhà yếu có nguy cơ bị đổ; tiến hành chặt, tỉa cành cây tại khu vực đông dân cư, khu cực đô thị, không cho người ở lại lồng bè và khu vực nuôi trồng thuỷ sản ven biển khi bão vào.

- Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo, hướng dẫn số tàu đánh cá hiện nay đang hoạt động ở khu vực biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng: 39 tàu/504 lao động, Quảng Ngãi; 25 tàu/355 lao động) di chuyển về bờ hoặc trú tránh tại đảo để đảm bảo an toàn.

- Cử 2 đoàn công tác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì vào các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế; Bộ Quốc phòng chủ trì vào các tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh để phối hợp với các địa phương kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão số 9.

- Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

** Thông báo lũ trên sông Cả, sông Srêpôk và sông Đồng Nai

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương thông báo, lũ sông Cả, sông Srêpôk và sông Đồng Nai tiếp tục lên. Đêm 27/9 và sáng sớm 28/9, mực nước trên sông Cả tại Nam Đàn sẽ đạt đỉnh là 7m (trên báo động 2: 0,1m); trên sông Srêpôk tại Bản Đôn lên mức 17,3m (dưới báo động 3: 0,5m); trên sông Đồng Nai tại Tà Lài lên mức 11,3m (ở mức báo động 3).

Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa bão số 9, từ ngày 28/9, mực nước các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi sẽ lên; sau đó mưa, lũ sẽ xảy ra trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Thanh Hoá. Trong đợt mưa lũ này, trên các sông từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện một đợt lũ lớn.

Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu ở đồng bằng, vùng trũng ven sông các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi và khu vực nam Tây Nguyên.

** Bão số 9 tiếp tục mạnh lên

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 115,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13.

Đến 13 giờ ngày mai (28/9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc, 111,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 120 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

Trong khoảng 24- 48 giờ tiếp theo, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 13 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc, 108,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Đà Nẵng khoảng 80 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 120 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

Trong khoảng 48-72 giờ tiếp theo, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 13 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17 độ Vĩ Bắc, 106,0 độ Kinh Đông, trên địa phận nước Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 100 km.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc và giữa biển Đông có gió mạnh cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Từ đêm nay (27/9), phía nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Từ mai (28/9), các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và Nam biển Đông, vùng biển các tỉnh Bình Thuận – Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.

* Công điện khẩn của Bộ Y tế đối phó với bão số 9

Ngày 27/9, Bộ Y tế đã có công điện khẩn số 6561/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh/TP Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yêu, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế về việc chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp của cơn bão số 9.

Trên cơ sở các thông tin về bão số 9 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố nói trên và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế triển khai những công việc sau:

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố chủ động triển khai ngay các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xảy ra mưa lũ, những vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

- Các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh.

- Các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động trực 24/24h, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra.

- Sở Y tế và các đơn vị tăng cường bổ sung số lượng dự trữ thuốc, hóa chất, trang thiết bị tại địa phương, đơn vị và có báo cáo nhanh về kết quả triển khai công tác đối phó với mưa lũ, đề xuất hỗ trợ cần thiết về Bộ Y tế qua số fax 04.62732207 hoặc điện thoại số 0948.125599./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên