Tìm phương án trùng tu chùa Một Cột

Chùa Một Cột là di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, nằm trong quần thể di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sáng 30/9, tại Hà Nội, UBND quận Ba Đình đã tổ chức Hội nghị xin ý kiến các nhà khoa học và các nhà quản lý về việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa chùa Một Cột - chùa Diên Hựu. Hiện nay, đã có hai phương án trùng tu chùa Một Cột được đưa ra nhằm xin ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, dù phương án nào được lựa chọn thì cũng phải làm sao khiến cho di tích lịch sử hơn 1000 năm tuổi tương xứng với cảnh quan xung quanh và trở thành viên ngọc của Thủ đô.

Tham dự hội thảo lần này chủ yếu là các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hoá lịch sử và các đơn vị có liên quan đến di tích chùa Một Cột như: đại diện ban quản lý Lăng, đại diện UBND thành phố Hà Nội, Sư trụ trì chùa Một Cột…


Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng: Chùa Một Cột là di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, nằm trong quần thể di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc để di tích này bị mưa dột, ngập, lụt gây mất mỹ quan như trong thời gian qua là không đáng có. Chính vì vậy, chùa Một Cột - Diên Hựu cần phải được trùng tu, tôn tạo cho xứng với tầm quan trọng của di tích.

Cũng tại hội thảo, đại diện ban quản lý dự án quận Ba Đình, ông Vũ Đình Khánh đưa ra 2 phương án trùng tu, tôn tạo chùa Một Cột, trong đó đề cập tới việc phục chế lại nhà thờ Tổ, xây mới nhà tăng, trùng tu, tôn tạo quần thể chùa Một Cột, chùa Diên Hựu. Vì quần thể chùa Một Cột - Diên Hựu thấp hơn so với các khu vực xung quanh từ 0,5-1m nên dự án có đề cập tới việc nâng cốt nền cũng như cải tạo hệ thống thoát nước. Ngoài ra, dự kiến, chiếc cột “độc nhất vô nhị” của chùa Một Cột vốn được làm bằng bê tông, cốt sắt sẽ được thay thế bằng cột đá….

Theo Giáo sư Phan Khanh, trước mắt, UBND quận Ba Đình cần tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm những tài liệu, hình ảnh, chứng cớ khoa học về chùa Một Cột trước năm 1954, thời điểm thực dân Pháp cho phá chùa cũ và đến năm 1955, nhân dân ta xây dựng lại với hiện trạng như bây giờ. Ông nói: “Chúng ta cần một tầm suy nghĩ, tầm nhìn xa khi đưa ra phương án trùng tu chùa Một Cột để chùa tương xứng với Khu di tích Hồ Chí Minh. Từ đó, chúng ta tập hợp được những tư liệu cổ để thấy chùa xưa như thế nào. Và khi làm lại, phải làm sao cho chùa giống với ngày xưa nhất”.

Đại diện Viện Nghiên cứu Tôn giáo, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng: Hiện trạng ngôi chùa Một Cột - Diên Hựu hiện nay không tương xứng với tầm vóc và vị thế. Ông cũng đề nghị nên có một cuộc hội thảo khoa học mang tầm quốc gia để tìm ra được một giải pháp kiến trúc cho ngôi chùa hơn nghìn năm tuổi này. Ông Quốc Tuấn nhấn mạnh: “Tường bao quanh chùa Một Cột xây bằng sân gạch, đường bằng xi măng như hiện nay là rất tù túng, không tương xứng là một công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất của thời Lý. Bậc lên chùa cũng không đúng, không khớp gì với kiến trúc. Cột chùa Một Cột chắc chắn phải là cột bằng đá, có rồng uống lượn. Tôi nghĩ cần phải nghiên cứu kỹ về chất liệu của vật liệu xây dựng chùa sao cho đúng với nguyên bản nhất”.

Kết thúc hội nghị, ông Đỗ Viết Bình, Phó Chủ tịch UBND Quận Ba Đình cho rằng: những phương án trên mới chỉ là đề xuất ban đầu từ phía dự án. Trước mắt, ông đề nghị phường Đội Cấn giải tỏa ngay hàng quán, nhà ở không đúng quy hoạch khu di tích và đảm bảo tính tôn nghiêm và vệ sinh trật tự ở di tích quốc gia này. Trong khi chờ dự án được đồng thuận và đi vào triển khai, sẽ tổ chức nhiều hội thảo, trong đó, ngay trong tháng 10 sẽ phải có một cuộc hội thảo đầu tiên trưng cầu ý kiến các nhà khoa học, lịch sử, các nhà nghiên cứu để đi đến lựa chọn một phương án bảo tồn tối ưu nhằm phát huy giá trị di tích đặc biệt này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên