Tình quê của 3 vị tướng

Cà Mau - miền đất cực Nam Tổ quốc có rất nhiều người con công tác, sinh sống ở mọi miền đất nước, trái tim họ luôn đầy ắp tình cảm quê hương.

Tình cờ, cuối năm về lại quê nhà, tôi được nghe những câu chuyện hướng về xứ sở của 3 người con đang xa quê. Cả 3 người con ấy đều mặc áo lính. Đó là Trung tướng Trần Phi Hổ, Tư lệnh Quân khu 9; Thiếu tướng Nguyễn Phúc Thảo, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng và Thiếu tướng Hà Nghĩa Lộ, Giám đốc Công an TP. Cần Thơ.

Chương trình Nhà đồng đội

Xin bắt đầu câu chuyện từ Trung tướng Trần Phi Hổ, Tư lệnh Quân khu 9. Nhiều năm qua, cứ mỗi dịp Tết đến, Trung tướng “Ba Hổ” - tên đồng đội, bà con ở quê thường gọi, lại tạt nhanh về quê ở Trần Phán (nay là xã Tân Trung), huyện Đầm Dơi thăm, tặng quà cho người thân, đồng đội kháng chiến cũ. Trước Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, Trung tướng đã về quê. Món quà ngày xuân ông gửi tặng các cựu du kích xã Trần Phán anh hùng là 50 triệu đồng và 13 tấn gạo giúp những hộ neo đơn, nghèo khó. 

Từng xông pha trận mạc, gan góc và tính cách khá cương trực, nhưng trước câu hỏi “Mỗi khi nhớ và nghĩ về quê, hình ảnh nào khiến Trung tướng day dứt? - Tôi nghe giọng nói của Trung tướng Trần Phi Hổ chùng xuống: “Tôi rời quê khi còn rất trẻ. Hình ảnh tôi mang theo trong ký ức là những xóm nghèo, những ngôi nhà lá núp mình dưới tán rừng ngập mặn” - Trung tướng có về quê thường xuyên? - “Một năm, tôi tranh thủ về quê hai lần”. - Trung tướng có nhận thấy: Đầm Dơi nói riêng, Cà Mau nói chung đang từng ngày khởi sắc? - “Có. Tôi rất vui, đường về nhà, xe 4 bánh đã chạy tới nơi. Bà con xứ mình, nhiều người mua được xe hai bánh”. - Trung tướng có nghe thông tin: Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau huy động các nguồn tài chính xây dựng hơn 1.500 cây cầu? - “Tôi biết. Những công trình đó, giúp cho vùng sông rạch ở Cà Mau  gần lại với nhau”.

- Năm 2010, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra. Trong đó, có nhiều hoạt động xã hội giàu tính nhân văn, điển hình là Chương trình “Nhà đồng đội”. Được biết Trung tướng là người rất tâm huyết việc làm này? - “Đúng vậy, còn hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đang gặp khó khăn về nhà ở. Nhiều đồng đội từng tham gia chiến đấu trở về địa phương, đang sống trong những căn nhà tạm bợ. Vì lẽ đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 quyết định triển khai chương trình “Nhà đồng đội”. Sau 3 tháng vận động, Ban chỉ đạo đã tiếp nhận sự ủng hộ của hàng trăm tập thể, cá nhân, với số tiền hơn 40 tỷ đồng, đủ để chúng tôi triển khai xây dựng 1.400 căn nhà tình đồng đội”.

- Việc làm này sẽ tiếp tục duy trì? - “Chúng tôi phấn đấu trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, giải quyết cơ bản nhà ở cho cựu quân nhân và quân nhân tại ngũ đang gặp khó khăn về nhà ở”.

Tri ân quê hương - nơi dưỡng nuôi mình khôn lớn

Về Cà Mau, tôi được nghe: Với tâm nguyện: Tri ân quê hương - nơi dưỡng nuôi mình khôn lớn, nhiều năm qua, Trung tướng Trần Phi Hổ luôn vận động các nhà hảo tâm ủng hộ vật chất gửi về xây dựng quê hương, trong đó, đã hoàn thành gần 20 cây cầu bê tông và hàng chục ngôi nhà tình nghĩa, tình thương tại các huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Thới Bình …

Chàng thanh niên Ba Thảo - Thiếu tướng Nguyễn Phúc Thảo, Giám đốc Sở Công an tỉnh Sóc Trăng, xa quê đã hơn 30 năm. Nhưng quê hương Trần Thới (Cái Nước) vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông. Đó là một góc quê có những dòng kinh len lỏi dọc ngang qua các xóm dân cư. Thế rồi qua tháng, qua năm… xóm cư dân thành phố chợ đông đúc.

Chiều cuối năm, trong căn phòng làm việc được bày trí đơn sơ, trả lời câu hỏi của tôi: - Từ khi huyện Cái Nước chuyển qua nuôi thủy sản, Thiếu tướng nhận thấy kinh rạch được khơi thông sâu hơn, rộng hơn? Thiếu tướng Nguyễn Phúc Thảo trầm ngâm: - “Đúng vậy, nhưng dừa cũng mất nhiều quá, quê tôi đang thiếu màu xanh”. - Nếu vậy, bà con Trần Thới cần trồng cây để bảo vệ môi trường? Ông gật đầu tâm đắc: - “Theo tôi, cùng với trồng cây, bà con phải có biện pháp chống xói lở. Vì các tuyến kinh sạt lở quá nhanh. Về quê, Thiếu tướng nhận thấy đời sống bà con ra sao? - Tôi vui lắm, mỗi lần về quê, tôi thấy làng xóm đều đổi thay. Nhiều hộ trong xóm đã xây được nhà, mua ti vi màu, tủ lạnh, xe máy”. - Nghe kể: Thiếu tướng đã huy động các “mạnh thường quân” ủng hộ xây dựng nhiều cây cầu ở quê hương? Ông cười hiền lành: “Mỗi năm, tôi vận động các doanh nghiệp ủng hộ một ít, để xây dựng cầu, cất nhà… tính chung đã hoàn thành khoảng 10 cây cầu bê tông tại các huyện U Minh, Cái Nước, Trần Văn Thời và một số căn nhà tình thương, nhà đồng đội cho bà con ở những nơi tôi đã từng sống, chiến đấu, từng được bà con đùm bọc, dưỡng nuôi.

Xa quê ai cũng đều có bổn phận báo đáp xứ sở

Bà con ở xã Hòa Thành, TP. Cà Mau mỗi khi đi ngang qua ngôi trường mẫu giáo mang tên “Hà Thành Long” lại nói với nhau: Trường này mang tên người Bí thư Đảng ủy xã giai đoạn 6 năm đấu tranh chính trị (1951- 1956). Bà con cũng biết: Các con của liệt sĩ Hà Thành Long, Bí thư xã ủy đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng trên vùng đất trắng năm xưa một ngôi trường mẫu giáo khang trang, với 3 phòng học, một phòng hiệu bộ và sân chơi, đạt chuẩn trường quốc gia. Cán bộ UBND xã Hòa Thành cho biết: Công trình này trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Người con của liệt sĩ Hà Thành Long, Bí thư Đảng ủy Hòa Thành năm xưa là Thiếu tướng Hà Nghĩa Lộ, hiện là Giám đốc Công an TP. Cần Thơ.

Cùng với xây dựng trường mẫu giáo, những năm qua, Thiếu tướng Hà Nghĩa Lộ luôn dành tâm, sức vận động bạn hữu, các nhà hảo tâm ủng hộ vật chất chuyển về san sẻ khó khăn với bà con và xây dựng các công trình giao thông. Đã có 10 ngôi nhà tình thương và 7 cây cầu bê tông được hoàn thành.

Rời quê từ tuổi đôi mươi, hành trang trên con đường công tác của Thiếu tướng Hà Nghĩa Lộ là niềm tự hào về sự hy sinh anh dũng của người cha trong cuộc kháng chiến. Thiếu tướng tâm sự: “Cha tôi là sức mạnh, là niềm tin cho anh em tôi phấn đấu, trưởng thành”. Trong câu chuyện kể về quê hương, Thiếu tướng Hà Nghĩa Lộ luôn nhắc: “Ngày ấy, quê tôi bị giặc ruồng bố gắt gao lắm, nhưng gia đình tôi luôn nhận được tình yêu thương, sự chở che của bà con lối xóm. Tôi nghĩ, người con Đất Việt nào, khi xa quê cũng đều có bổn phận, nghĩa vụ báo đáp xứ sở".

Về quê giữa những ngày giáp Tết Tân Mão, tôi được nghe anh Ba Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kể: "Thời gian qua, nhiều người con Cà Mau xa quê đã góp sức vun đắp cho quê hương dưới nhiều hình thức: Nào là xây cầu, xây trường học, tặng học sinh nghèo xe đạp đến trường, lo cho trẻ em bị tật bẩm sinh xe lăn, cất nhà tình thương, nhà đồng đội... Nhiều anh em thực hiện nghĩa cử tri ân với quê hương lặng thầm, không báo cáo, nên đôi lúc chính quyền địa phương đâu biết hết".

Nghe anh Ba Dũng nói, tôi chợt nhớ đến Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP. Hồ Chí Minh; Thiếu tướng Vũ Cao Quân, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự TP. Cần Thơ, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, Nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam bộ… và nhiều người con bộ đội, công an quê Cà Mau nữa đã hơn một lần xây tặng quê hương những công trình phục vụ dân sinh, trong đó có những công trình trị giá hàng trăm triệu đồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên